Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 07/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.105 VND/USD, tăng tiếp 05 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN duy trì niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.859 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên 06/04. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 05 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 15 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.255 VND/USD và 23.285 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 07/04, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,05 – 0,12 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,04%; 1W 2,10%; 2W 2,09% và 1M 2,09%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,02 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 0,34%; 1W 0,43%; 2W 0,48%, 1M 0,56%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 1,99%; 5Y 2,09%; 7Y 2,32%; 10Y 2,67%; 15Y 2,86%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 287.1 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 238,75 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 48,35 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 5.025,55 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực khi cả 3 chỉ số đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm mạnh 20,55 điểm (-1,35%) còn 1.502,35 điểm; HNX-Index giảm 5,22 điểm (-1,17%) xuống 441,61 điểm; UPCom-Index giảm 1,03 điểm (-0,88%) còn 115,81 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 31.100 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 536 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 được Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố ngày 06/04, kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay, và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại, tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Theo ADB, thị trường lao động đang phục hồi, cùng các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ (ERDP) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023. Theo báo cáo Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2022 vừa được Ngân hàng UOB phát hành, UOB vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, được điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó ở mức 6,8%.
Tin quốc tế:
Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 02/04 ở mức 166 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 177 nghìn đơn (điều chỉnh xuống từ 202 nghìn đơn) của tuần trước đó, thấp hơn nhiều so với dự báo ở mức 201 nghìn đơn. Đây là số đơn xin trợ cấp thấp nhất của Mỹ kể từ năm 1968.
Doanh số bán lẻ tại khu vực Eurozone tăng 0,3% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó nhưng thấp hơn so với mức tăng 0,6% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ của Eurozone tăng 5,0% y/y. Tiếp theo, liên quan tới Đức, sản lượng công nghiệp nước này tăng nhẹ 0,2% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 1,4% ở tháng 1, gần khớp với mức tăng 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ 2021, sản lượng công nghiệp tại Đức tăng 3,2%.
Halifax khảo sát cho biết giá nhà bình quân tại Anh ở mức 282,7 nghìn GBP/căn trong tháng 3, tăng 14% m/m, cao hơn mức tăng 0,8% của tháng 2 và đồng thời vượt qua mức tăng 0,9% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, giá nhà bình quân tại nước này tăng tới 11%. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử nước Anh, 43,5 nghìn GBP/căn kể từ thời điểm 2 năm trước, khi quốc gia này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB