Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 31/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.100 VND/USD, giảm mạnh 35 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.840 VND/USD, tăng 31 đồng so với phiên 30/03. Tỷ giá trên thị trường tự tăng 05 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 35 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.325 VND/USD và 23.365 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 31/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi tăng 0,03 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W, cụ thể: ON 2,04%; 1W 2,18%; 2W 2,18% và 1M 2,10%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống; giao dịch tại: ON 0,33%; 1W 0,41%; 2W 0,44%, 1M 0,52%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 1,70%; 5Y 1,75%; 7Y 1,99%; 10Y 2,40%; 15Y 2,67%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 3.167,36 tỷ đồng trúng thầu trong khi không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 3.167,36 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 4.702,65 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số không có nhiều biến động, giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 1,64 điểm (+0,11%) lên 1.492,15 điểm; HNX-Index giảm 1,57 điểm (-0,35%) xuống 449,62 điểm; UPCom-Index tăng 0,16 điểm (+0,14%) đạt 117,04 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm với tổng giá trị giao dịch đạt gần 26.500 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 335 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 03/2022, cả nước có 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 193,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28% về số DN, tăng 71,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong tháng 3, có 2.976 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2021; có 2.474 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 28,5%; có 1.077 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 33%. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 34,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 471,2 nghìn tỷ, tăng 18,1% về số DN và tăng 5,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 35,7 nghìn DN, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước; 11,3 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,1%; hơn 4,3 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,7%. Bình quân một tháng có 17,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tin quốc tế:
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó và khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số này tăng tới 5,4%; cao hơn so với mức 5,2% ghi nhận tại tháng 1 và đồng thời là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 04/1993. Đây là chỉ số quan trọng mà Fed thường sử dụng để đánh giá lạm phát. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 26/03 ở mức 202 nghìn đơn, tăng so với mức 187 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt nhẹ mức 200 nghìn đơn theo dự báo.
GDP nước Anh chính thức tăng 1,3% q/q trong quý 4/2021, cao hơn so với mức 1,0% theo kết quả thống kê sơ bộ. Tuy nhiên, GDP nước Anh cả năm 2021 tăng 7,4%; điều chỉnh nhẹ xuống từ mức tăng 7,5% theo kết quả sơ bộ, trái với mức suy giảm 9,3% ghi nhận ở năm 2020. So với trước thời điểm dịch bệnh xảy ra, GDP 2021 chỉ thấp hơn khoảng 0,1%. Cũng liên quan tới kinh tế Anh, cán cân vãng lai của nước này thâm hụt 7,3 tỷ GBP trong quý cuối năm 2021, nhỏ hơn nhiều so với mức thâm hụt 28,9 tỷ của quý trước đó và đồng thời nhỏ hơn mức thâm hụt 18,5 tỷ theo dự báo.
Doanh số bán lẻ tại Đức tăng 0,3% m/m trong tháng 2, nối tiếp mức tăng 1,4% của tháng đầu năm, song thấp hơn một chút so với mức tăng 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ tại nước này tăng 7,0%. Ở thị trường lao động, quốc gia này giảm 18 nghìn việc làm trong tháng 2, gần khớp với dự báo ở mức 19 nghìn, đồng thời đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp. Trong 12 tháng vừa qua, nước Đức đã giảm tới 413 nghìn việc làm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB