Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 29/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.151 VND/USD, tăng trở lại 05 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.865 VND/USD, tăng 57 đồng so với phiên 28/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.350 VND/USD và 23.420 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 29/03, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống, cụ thể: ON 2,06%; 1W 2,17%; 2W 2,17% và 1M 2,11%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đồng loạt tăng 0,05 – 0,08 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 0,28%; 1W 0,38%; 2W 0,41%, 1M 0,52%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 5Y trong khi tăng ở kỳ hạn 7Y và giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 1,71%; 5Y 1,78%; 7Y 2,01%; 10Y 2,42%; 15Y 2,68%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 504,78 tỷ đồng trúng thầu trong khi không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 504,78 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 1.535,29 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường hồi phục trở lại với số mã tăng giá gấp gần 3 lần số giảm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 14,58 điểm (+0,98%) lên 1.497,76 điểm; HNX-Index tăng 6,35 điểm (+1,40%) đạt 461,24 điểm; UPCom-Index tăng 1,36 điểm (+1,17%) lên 117,37 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 28.600 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ 23 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước GDP quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%. Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Tin quốc tế:
Hôm qua, 29/03, truyền thông Nga cho biết nước này sẽ giảm quy mô chiến dịch tại thủ đô Kiev và có thể sẽ rút quân tại một số mặt trận khác thuộc Ukraine. Hành động này diễn ra sau khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul kết thúc. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin khẳng định Moskva muốn gia tăng hy vọng về một cuộc đàm phán hòa bình tại Ukraine.
Nước Mỹ tạo ra 11,27 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 2, tương đương với mức 11,26 triệu của tháng trước đó và tích cực hơn một chút so với dự báo ở mức 11,0 triệu. Tiếp theo, Conference Board khảo sát cho biết niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 107,2 điểm trong tháng 3, tăng lên từ 105,7 điểm của tháng trước đó, và vượt qua mức 106,9 điểm theo kỳ vọng của các chuyên gia.
Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết doanh số bán lẻ tại nước này tăng 1,8% m/m trong tháng 2, bằng với mức tăng của tháng 1 và vượt nhiều so với mức tăng 0,9% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số của tháng vừa qua tăng tới 9,1%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB