Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 24/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.148 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.808 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 23/03. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 16 đồng ở chiều mua vào và 36 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.354 VND/USD và 23.416 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 24/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,04 – 0,07 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,08%; 1W 2,12%; 2W 2,10% và 1M 2,06%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 0,24%; 1W 0,31%; 2W 0,37%, 1M 0,48%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 1,75%; 5Y 1,76%; 7Y 2,01%; 10Y 2,42%; 15Y 2,70%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 238,75 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 238,75 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 1.030,51 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiếp tục giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu khi các mã lớn có sự phân hóa. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,08 điểm (-0,27%) xuống 1.498,26 điểm; HNX-Index tăng 0,70 điểm (+0,15%) đạt 462,80 điểm; UPCom-Index tăng 0,69 điểm (+0,59%) còn 117,27 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 29.800 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng hơn 131 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu mới nhất về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các TCTD. Cụ thể, cập nhật đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,59% so với cuối năm 2021. Trong đó, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,57 triệu tỷ đồng, giảm 1,21% so với cuối năm 2021, dù vậy, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm trung bình 2,58% trong tháng 1 hàng năm trong giai đoạn thống kê từ năm 2013 tới nay. Đến cuối tháng 1/2022, quy mô tiền gửi của dân cư tại các TCTD ở mức 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng khá khi so với mức tăng trung bình 1,69% tháng 1 hàng năm trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay.
Tin quốc tế:
Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ lần lượt giảm 0,6% và 2,2% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 0,7% và 1,6% ở tháng trước đó. Kết quả trên tiêu cực hơn nhiều so với dự báo, khi hàng hóa lâu bền lõi được kỳ vọng tăng 0,5% và hàng hóa lâu bền toàn phần chỉ được dự báo giảm nhẹ 0,5%. Tiếp theo, về mặt tích cực, liên quan tới thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 19/03 ở mức 187 nghìn đơn, giảm khá mạnh từ mức 215 nghìn đơn của tuần trước đó và xuống thấp hơn nhiều so với dự báo ở mức 210 nghìn đơn.
Tại nước Đức, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ lần lượt ở mức 57,6 và 55,0 điểm trong tháng 3, cùng giảm nhẹ so với 58,4 và 55,8 điểm của tháng 2, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức 55,9 và 53,6 điểm theo dự báo. Tại Eurozone nói chung, PMI hai lĩnh vực trên lần lượt ở mức 57,0 và 54,8 điểm, giảm so với 58,2 và 55,5 điểm của tháng 2, cũng tích cực hơn so với mức 56,0 và 54,3 điểm theo dự báo.
PMI lĩnh vực sản xuất tại nước Anh ở mức 55,5 điểm trong tháng 3, giảm xuống từ 58,0 điểm của tháng 2 và xuyên qua mức 57,0 điểm theo dự báo. Ở lĩnh vực dịch vụ, PMI khảo sát được ở mức 61,0 điểm trong tháng 3, tăng nhẹ từ 60,5 điểm của tháng trước và trái với dự báo giảm xuống còn 58,0 điểm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB