Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 28/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.146 VND/USD, giảm nhẹ 05 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.808 VND/USD, không thay đổi so với phiên 25/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.340 VND/USD và 23.400 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 28/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm -0,04 – 0,08 đpt ở tất cả các kỳ hạn ngắn từ 1M trở xuống, cụ thể: ON 2,06%; 1W 2,16%; 2W 2,14% và 1M 2,08%. Lãi suất chào bình quân LNH USD cũng đồng loạt giảm 0,01 – 0,03 đpt; giao dịch tại: ON 0,23%; 1W 0,30%; 2W 0,34%, 1M 0,45%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 1,72%; 5Y 1,78%; 7Y 2,00%; 10Y 2,42%; 15Y 2,69%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu cũng như khối lượng đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm được duy trì ở mức 1.030,51 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường giảm điểm tương đối mạnh do áp lực ở các nhóm ngành lớn là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,32 điểm (-1,02%) xuống 1.483,18 điểm; HNX-Index giảm 6,86 điểm (-1,49%) đạt 454,89 điểm; UPCom-Index giảm 0,99 điểm (-0,85%) còn 116,01 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 39.200 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ 83 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 28/03, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định xếp hạng trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”. Fitch Ratings ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vaccine nhanh chóng. Fitch đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022. Theo dự báo của Fitch, tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Tin quốc tế:
Bộ Thương mại Mỹ cho biết cán cân thương mại nước này thâm hụt 106,6 tỷ USD trong tháng 2 vừa qua, sát với mức thâm hụt 107,6 tỷ của tháng 1 trước đó và gần khớp với dự báo thâm hụt 106,4 tỷ của các chuyên gia. Đây cũng là tháng có mức thâm hụt lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, chỉ sau tháng đầu năm.
Trong một hội nghị của tổ chức Bruegel, Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey nhận định nước Anh và những nền kinh tế khác đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Khi được hỏi liệu BOE có tăng LSCS trong cuộc họp tiếp theo, ông cho biết BOE sẽ dành thời gian để đánh giá đúng về những hậu quả của Covid-19 và cuộc chiến tranh tại Ukraine trước khi có những điều chỉnh mới.
Ngày 25/03, ADB ra báo cáo cho thấy tổng lượng trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi đã lên tới mức cao nhất từ trước đến nay là 9.000 tỷ USD trong năm 2021, tương đương với mức tăng 7,1%. Trong số này, có 1.500 tỷ thuộc về khối ASEAN, chiếm 17% khu vực Đông Á. Theo ADB, từ 30/11/2021 tới 09/03/2022, lợi suất TP trong khu vực Đông Á đã tăng khá nhiều trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và lãi suất cơ bản bắt đầu tăng lên ở các thị trường đã phát triển.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB