Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 30/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.135 VND/USD, giảm mạnh 16 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.809 VND/USD, giảm 56 đồng so với phiên 29/03. Tỷ giá trên thị trường tự giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.320 VND/USD và 23.400 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 30/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,04 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, cụ thể: ON 2,05%; 1W 2,15%; 2W 2,13% và 1M 2,12%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1W và giảm 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 0,30%; 1W 0,38%; 2W 0,43%, 1M 0,50%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 1,71%; 5Y 1,75%; 7Y 2,0%; 10Y 2,41%; 15Y 2,68%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu cũng như đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ nguyên ở mức 1.535,29 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 30/03, KBNN gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCP ở ba loại kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm. Phiên đấu thầu thất bại, không có khối lượng trúng thầu. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất tăng từ 4 – 5 điểm tùy kỳ hạn, trong khi vùng lãi đặt thầu cao nhất tăng mạnh 25 điểm đối với kỳ hạn 30 năm và giữ nguyên ở hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường yếu đi đáng kể, nhiều cổ phiếu bị bán tháo. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,48%) xuống 1.490,51 điểm; HNX-Index giảm 10,05 điểm (-2,18%) còn 451,19 điểm; UPCom-Index giảm 0,49 điểm (-0,42%) xuống 116,88 điểm. Thanh khoản thị trường phục hồi so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 34.400 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 102 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2021; Vốn đăng ký điều chỉnh của 228 lượt dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN có 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 tỷ USD, tăng 102,6%. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tin quốc tế:
Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ cho biết GDP nước này chính thức tăng 6,9% q/q trong quý cuối năm 2021, điều chỉnh nhẹ từ mức tăng 7,0% theo báo cáo sơ bộ. Như vậy, cả năm 2021, GDP Mỹ tăng 5,7%, đảo ngược hoàn toàn mức giảm 3,4% năm 2020. Tiếp theo, ADP khảo sát cho biết nước Mỹ tạo ra 455 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 3, thấp hơn một chút so với mức 475 nghìn của tháng 2 và khớp với dự báo.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết CPI của nước này tăng 2,5% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà tăng 0,9% của tháng trước đó và đồng thời vượt qua mức tăng 1,6% theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2021, CPI của quốc gia này tăng 7,3%; cao hơn nhiều so với mức 5,1% ghi nhận ở tháng 2.
Trong phiên họp ngày hôm qua, NHTW Thái Lan BOT không thay đổi LSCS ở mức thấp lịch sử 0,5% (Repo 1D) mặc dù áp lực lạm phát đang tăng dần. Cơ quan này dự báo CPI sẽ vượt lên cao hơn trong năm nay, trước khi về lại mức mục tiêu 1% - 3% trong năm 2023. Về kinh tế, BOT dự báo GDP của Thái Lan sẽ tiếp tục quá trình hồi phục trong 2022 và 2023, bất chấp những rủi ro mà cuộc chiến Nga – Ukraine mang lại. Trong năm 2021, GDP Thái Lan chỉ hồi phục nhẹ 1,6% sau khi suy giảm nghiêm trọng 6,2% ở năm 2020.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB