PMI Việt Nam giảm nhẹ xuống 51,7 điểm trong tháng 3

08:00 05/04/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.098 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.790 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên 01/04. Tỷ giá trên thị trường tự tăng 05 đồng ở chiều mua vào và 25 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.310 VND/USD và 23.370 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/04, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,03 – 0,07 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 2,05%; 1W 2,18%; 2W 2,18% và 1M 2,18%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1W và tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 0,33%; 1W 0,43%; 2W 0,48%, 1M 0,55%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 5Y trong khi giảm ở kỳ hạn 7Y và tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 1,73%; 5Y 1,75%; 7Y 2,0%; 10Y 2,40%; 15Y 2,68%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 338 tỷ đồng trúng thầu trong khi không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 338 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 4.846,84 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán: Sau các động thái trấn an tuần trước, hôm qua, thị trường giao dịch khởi sắc, VN-Index tiến gần sát đỉnh cũ được lập đầu tháng 1. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 8,26 điểm (+0,54%) lên 1.524,70 điểm; HNX-Index tăng 4,59 điểm (+1,01%) đạt 458,69 điểm; UPCom-Index tăng 0,48 điểm (+0,41%) lên 117,67 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 31.100 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 5 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 01/04/2022, IHS Markit công bố báo cáo về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam. PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm từ 54,3 điểm của tháng 2 còn 51,7 điểm trong tháng 3. Mặc dù nhìn chung các điều kiện kinh doanh đang tốt lên, mức độ cải thiện kỳ này là ít đáng kể nhất trong thời kỳ tăng trưởng kéo dài sáu tháng gần đây. Trong đó, 3 điểm nhấn đáng chú ý là: Việc làm và sản lượng đều giảm; Chi phí đầu vào tăng nhanh nhất trong gần 11 năm; Niềm tin kinh doanh giảm. Nguyên nhân chính khiến tốc độ cải thiện tổng thể giảm là làn sóng đại dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam, tình trạng nhiễm bệnh lan rộng trong công nhân, khiến các công ty không thể duy trì khối lượng sản xuất. Sản lượng đã giảm lần đầu tiên trong 06 tháng. Áp lực lạm phát cũng góp phần làm giảm sản lượng.

Tin quốc tế:

Cơ quan Thống kê Mỹ cho biết giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này giảm 0,5% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 1,5% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. Đây là mức giảm trong tháng lớn nhất kể từ tháng 04/2020. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị đơn đặt hàng vẫn tăng 12,6% y/y, tuy nhiên cũng là mức tăng y/y yếu nhất kể từ tháng 02/2021.

Sentix khảo sát cho biết chỉ số niềm tin đầu tư tại khu vực Eurozone ở mức -18,0 điểm trong tháng 4, giảm mạnh từ mức -7,0 điểm của tháng trước và đồng thời xuống sâu hơn nhiều so với mức -9,3 điểm theo dự báo. Đây là mức niềm tin thấp nhất tại khu vực này kể từ tháng 07/2020. Theo Sentix, chỉ số kỳ vọng kinh tế của Eurozone cũng suy giảm nghiêm trọng, từ -20,8 điểm xuống mức -29,8 điểm; là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011.

Liên quan đến thông tin kinh tế Đức, cán cân thương mại nước này thặng dư 11,5 tỷ EUR trong tháng 2, gần với dự báo ở mức 11,3 tỷ và tăng mạnh từ mức 8,8 tỷ của tháng 1. Cụ thể, trong tháng 2, xuất khẩu của Đức tăng 6,4% m/m trong khi nhập khẩu tăng 4,5%. So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu tăng 14,3% và nhập khẩu tăng tới 24,6%.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm