Tổng quan:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng trong việc quản lý rủi ro hệ thống và nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.
Theo Thông tư 14, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHTM) vẫn phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn như được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, cụ thể: NHTM không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%; đối với các NHTM có công ty con, phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.
Theo đó, ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm.
Ngoài các tỷ lệ bắt buộc phải thực hiện theo quy định như trên, NHTM thực hiện duy trì đệm vốn (capital buffers), là các yêu cầu vốn bổ sung mà ngân hàng phải duy trì trên mức tối thiểu 8% để: (i) tăng khả năng chống chịu khi gặp biến động kinh tế bất lợi; (ii) hạn chế việc phân phối lợi nhuận (cổ tức, thưởng...) khi vốn suy giảm; (iii) khuyến khích ngân hàng tích lũy vốn trong thời kỳ thuận lợi.
Thông tư 14 quy định các loại đệm vốn cụ thể như sau: (i) đệm bảo toàn vốn (capital conservation buffer) nhằm mục tiêu duy trì vốn cốt lõi trong điều kiện bình thường với mức yêu cầu 2,5%; (ii) đệm phản chu kỳ (countercyclical capital buffer) để hạn chế mở rộng tín dụng quá mức trong gia đoạn tăng trưởng nóng với mức 0% - 2,5% tùy theo quyết định của NHNN; (iii) đệm vốn cho tổ chức quan trọng trong hệ thống, đảm bảo an toàn cho các ngân hàng „quá lớn để đổ vỡ“ với mức 0,5 – 3,5% tùy từng thời kỳ và tùy từng ngân hàng; (iv) đệm bổ sung theo đánh giá ICAAP (Internal Capital Adequacy Assessment Process - Quy trình đánh giá mức độ đủ vốn nội bộ của một tổ chức tài chính) nhằm bổ sung thêm nếu ICAAP xác định mức rủi ro cao hơn tiêu chuẩn, mức đệm không cố định, tùy theo kết quả đánh giá nội bộ của NHTM. Đặc biệt, Thông tư 14 còn quy định lộ trình áp dụng bộ đệm bảo toàn vốn trong vòng 4 năm, từ mức 0,625% đến 2,5%. Từ năm thứ tư trở đi, các NHTM chỉ được chia cổ tức bằng tiền mặt nếu đảm bảo đủ các ngưỡng: vốn lõi cấp 1 tối thiểu đạt 7%, vốn cấp 1 đạt 8,5% và tỷ lệ CAR đạt tối thiểu 10,5%.
Thông tư 14 cũng đưa ra hướng dẫn cách tính tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ. Trong đó, phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư này giống phương pháp hiện được các NHTM áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, nhưng điều chỉnh một số nội dung như khoản phải đòi bất động sản, khoản cấp tín dụng chuyên biệt.
Phương pháp xếp hạng nội bộ của Thông tư 14 đưa quy định về tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng, phân loại tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng, cách xác định cấu phần để tính tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng cho từng loại tài sản, quy định về tổn thất dự kiến và dự phòng rủi ro, các yêu cầu tối thiểu của phương pháp xếp hạng nội bộ.
Kể từ thời điểm Thông tư 14 có hiệu lực ngày 15/09, các NHTM có thể đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc phương pháp xếp hạng nội bộ cho rủi ro tín dụng để tính tỷ lệ an toàn vốn theo các quy định tại Thông tư. Kể từ ngày 01/01/2030, tất cả các NHTM không thực hiện đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc chưa được NHNN chấp thuận áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ sẽ phải thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.
Theo các chuyên gia, đệm vốn là phần cốt lõi giúp chuyển từ Basel II sang Basel III, góp phần tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Thông tư 14/2025/TT-NHNN đã tiếp cận tương đối đầy đủ các loại đệm vốn quốc tế, nhưng vẫn cho phép linh hoạt điều chỉnh tùy theo thực tiễn kinh tế Việt Nam.
Tóm lược thị trường trong nước từ 21/07 - 25/07/2025
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 21/07 - 25/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 25/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 25.164 VND/USD, giảm 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.956 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết mức 26.372 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 21/07 - 25/07 biến động tăng – giảm đan xen. Kết thúc phiên 25/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 26.145 VND/USD, giảm 14 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua ít biến động. Chốt phiên 25/07, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 26.380 VND/USD và 26.460 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 21/07 - 25/07, lãi suất VND LNH các kỳ hạn từ 1M trở xuống tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 25/07, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 6,57% (+1,55 đpt); 1W 6,53% (+1,47 đpt); 2W 6,33% (+1,31 đpt); 1M 5,73% (+0,77 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua, chốt phiên 25/07, lãi suất USD LNH không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 4,30%; 1W 4,37%; 2W 4,41% và 1M 4,44%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 21/07 - 25/07, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 229.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 28 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4,0%. Có 173.701,21 tỷ đồng trúng thầu ở cả 4 kỳ hạn; có 110.846,07 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Có 6.999,8 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 69.854,94 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua qua kênh thị trường mở. Có 210.870,73 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, không còn tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Phiên 23/07, KBNN đấu thầu thành công 8.517 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 85%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 100 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 6.255 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15Y huy động được 1.750 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y huy động được 412 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5Y là 2,70% (+0,11 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 3,28% (+0,04 đpt), 15Y là 3,37% (+0,02 đpt) và 30Y là 3,45% (+0,01 đpt).
Ngày 30/07, KBNN dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 8.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 3.000 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 16.913 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 19.698 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 25/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 2,32% (+0,05 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 2,36% (+0,06 đpt); 3Y 2,43% (+0,06 đpt); 5Y 2,73% (+0,05 đpt); 7Y 3,07% (+0,04 đpt); 10Y 3,32% (+0,03 đpt); 15Y 3,43% (+0,04 đpt); 30Y 3,56% (+0,04 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 21/07 - 25/07, thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm, thanh khoản ở mức cao. Kết thúc phiên 25/07, VN-Index đứng ở mức 1.513,13 điểm, tăng mạnh 33,85 điểm (+2,26%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 6,79 điểm (+2,74%) đạt 254,56 điểm; UPCom-Index tăng 1,02 điểm (+0,98%) lên 105,77 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng gần 36.700 tỷ đồng/phiên, tăng tiếp từ mức 34.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại quay trở lại bán ròng mạnh khoảng 2.700 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, theo khảo sát của S&P Global, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 49,5 điểm trong tháng 7, giảm khá mạnh từ mức 52,9 điểm của tháng trước, đồng thời thấp hơn mức 52,7 điểm theo dự báo. Ở chiều ngược lại, PMI lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ trong tháng này đạt 55,2 điểm, tăng lên từ 52,9 điểm của tháng 6, đồng thời vượt qua mức 53,0 điểm theo dự báo. Tiếp theo, về thị trường bất động sản, NAR cho biết doanh số bán nhà cũ nước Mỹ trong tháng 6 đạt 3,93 triệu căn, thấp hơn một chút so với mức 4,04 triệu của tháng 5, và đồng thời thấp hơn mức 4,0 triệu theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2024, doanh số trên tương đương với mức giảm 2,7% y/y. Giá nhà cũ bình quân tại nước Mỹ trong tháng 6 ở khoảng 445,4 nghìn USD/căn, vẫn tăng nhẹ khoảng 2,0% y/y. Bên cạnh đó, doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 6 đạt 627 nghìn căn, tăng nhẹ so với 623 nghìn căn của tháng trước đó, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức 649 nghìn căn theo kỳ vọng. So với cùng kỳ, doanh số bán nhà mới ghi nhận mức giảm khoảng 6,6% y/y. Cuối cùng, ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 19/07 ở mức 217 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 221 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên mức 227 nghìn đơn. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất ở mức 224,5 nghìn, giảm 5 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước. Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Kết quả cuộc họp được công bố vào sáng sớm ngày 31/07 theo giờ Việt Nam. Hiện tại, công cụ dự báo của CME cho thấy có 97% khả năng Fed sẽ không thay đổi LSCS ở mức 4,25 – 4,5% trong cuộc họp lần này, và chỉ có 3% khả năng cắt giảm nhẹ 25 đcb.
NHTW Châu Âu ECB không thay đổi LSCS trong cuộc họp tháng 7, bên cạnh đó khu vực Eurozone cũng đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Trong cuộc họp ngày 24/07, ECB nhận định lạm phát đang ở mức mục tiêu trung hạn 2%. Các dữ liệu mới nhìn chung vẫn đúng với những đánh giá trước đây của ECB. Áp lực giá trong khu vực đang có dấu hiệu tiếp tục giảm, trong khi tiền lương tăng trưởng chậm lại. Nhờ các đợt cắt giảm LSCS trước đây, nền kinh tế nhìn chung vẫn khá vững trong bối cảnh toàn cầu thách thức. Tuy nhiên, môi trường kinh tế vẫn bất ổn, nhất là do các tranh chấp thương mại. Trong cuộc họp lần này, ECB không có thay đổi nào về LSCS. Theo đó, LS cho vay tái cấp vốn, LS cho vay cận biên và LS tiền gửi tại ECB lần lượt giữ ở mức 2,15%; 2,4% và 2,0%. Liên quan đến kinh tế Eurozone, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại khu vực này lần lượt ở mức 49,8 và 51,2 điểm trong tháng 7, cùng tăng lên từ 49,5 và 50,5 điểm của tháng trước đó, đồng thời cùng cao hơn mức 49,7 và 50,6 điểm theo dự báo.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 21/07 - 25/07/2025