Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 07/07 - 11/07/2025

07:55 14/07/2025

Tổng quan:

Ngày 27/06/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 222/2025/QH15 về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Trước đó, Tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Việc phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế có 5 ý nghĩa, tác động tích cực tới Việt Nam: (1) Giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; (2) thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; (3) tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; (4) thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; (5) tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Theo Nghị quyết, TTTCQT là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ, được áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này. Về định vị phát triển TTTC tại 2 Thành phố: TPHCM là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước, đã hình thành hệ sinh thái tài chính phong phú, có hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phát triển, thu hút nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Theo đó, TTTC tại TPHCM dự kiến sẽ phát triển thị trường vốn; ngân hàng, thị trường tiền tệ; phát triển cơ chế thử nghiệm (sandbox) về Fintech, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính; thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới; phát triển thị trường hàng hóa… Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý trung tâm miền Trung, là cửa ngõ ra biển của các hành lang kinh tế Đông – Tây, là nơi có điều kiện thuận lợi để thử nghiệm các mô hình mới như tài chính bền vững, tài chính xanh và ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số...

Theo Nghị quyết, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kết cấu hạ tầng vào TTTCQT nhằm: Tạo môi trường hấp dẫn cho đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ tài chính để thúc đẩy thu hút đầu tư và tự do di chuyển nguồn vốn quốc tế giữa TTTCQT và thế giới; phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động ngân hàng, công nghệ tài chính, tài sản số, hàng hóa, thương mại điện tử tại Việt Nam và hội nhập với thị trường quốc tế; thu hút, phát triển đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam; phát triển dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ theo thông lệ quốc tế; thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên môn có liên quan theo tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát được tổ chức tinh gọn, có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân theo quy định của Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Thành viên của TTTC bao gồm: NHTM, công ty chứng khoán, DN bảo hiểm và DN tái bảo hiểm; quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản; tổ chức vận hành hạ tầng thị trường (sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán…); tổ chức công nghệ tài chính (fintech) và tổ chức kinh doanh tài sản số; tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tài chính; tổ chức phi tài chính (DN các lĩnh vực khác tham gia hoạt động tại TTTC); tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo (vườn ươm khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu…); các chủ thể khác theo quy định. Các sản phẩm dịch vụ của TTTC gồm: Cổ phiếu, trái phiếu (chính phủ, DN, trái phiếu công trình), chứng chỉ quỹ đầu tư; các công cụ phái sinh tài chính, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi; công cụ đầu tư thay thế (quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ phòng vệ…); dịch vụ quản lý quỹ đầu tư; sản phẩm bảo hiểm, tái bảo hiểm; dịch vụ ngân hàng và ngoại hối (cho vay, tiết kiệm, quản lý tài sản…); sản phẩm tài chính xanh; tín chỉ carbon; dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) và sản phẩm tài sản số; các sản phẩm, dịch vụ khác theo nhu cầu thị trường.

Mục tiêu cụ thể của Quốc hội là thành lập TTTC quốc tế tại Việt Nam trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2035, TTTCQT Việt Nam thuộc nhóm thứ 75 TTTC hàng đầu thế giới theo xếp hạng của GFCI (bao gồm tiêu chí về fintech) và đến năm 2045, vươn lên nhóm 20 TTTC hàng đầu thế giới. Mức độ phát triển và năng lực cạnh tranh của TTTC được đánh giá theo Chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI) dựa trên 5 trụ cột: Môi trường kinh doanh; hệ sinh thái tài chính; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; uy tín, thương hiệu của thành phố.

Theo Bộ Tài chính, các cơ chế, chính sách đề xuất tại Nghị quyết có tính đột phá, cạnh tranh. Trong đó, chính sách thuế, đất đai, hạ tầng, nhân lực, một số quy định về bảo hiểm,... đã vượt trội so với một số TTTCQT khác; một số chính sách tiệm cận với thông lệ quốc tế như mô hình quản lý, ngôn ngữ, xuất nhập cảnh, kế toán, lao động việc làm, fintech, sandbox, phương thức đối tác công tư (PPP)...; một số chính sách có lộ trình mở cửa có kiểm soát, điều chỉnh dần như ngoại hối, giải quyết tranh chấp… Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, Chính phủ cũng đã nhận thức được các rủi ro tiềm ẩn về thành lập các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch như bị lợi dụng để hợp thức hóa dòng tiền bất hợp pháp thông qua mua bán các sản phẩm trên TT; rủi ro bị đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng tài sản...; do đó cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ; thiết chế giám sát chặt chẽ, minh bạch, có hệ thống, theo chuẩn mực quốc tế để kiểm soát các giao dịch trên sàn. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định cụ thể để đưa vào Nghị định hướng dẫn.

Quốc hội cũng cho ý kiến, sau khi Nghị quyết đi vào thực tế, sau một thời gian vận hành hợp lý TTTCQT tại Việt Nam, Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết và xây dựng trình Quốc hội ban hành luật về TTTCQT tại Việt Nam. 

Tóm lược thị trường trong nước từ 07/07 - 11/07/2025

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 07/07 - 11/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 11/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 25.128 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.922 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết mức 26.334 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 07/07 - 11/07 biến động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 11/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 26.115, giảm 62 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua ít biến động. Chốt phiên 11/07, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 26.400 VND/USD và 26.490 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 07/07 - 11/07, lãi suất VND LNH các kỳ hạn từ 1M trở xuống tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 11/07, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,70% (+0,52 đpt); 1W 4,73% (+0,40 đpt); 2W 4,73% (+0,33 đpt); 1M 4,63% (+0,13 đpt).

Lãi suất USD LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 11/07, lãi suất USD LNH giao dịch tại: ON 4,30% (không thay đổi); 1W 4,38% (+0,01 đpt); 2W 4,42% (+0,01 đpt) và 1M 4,46% (+0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 07/07 - 11/07, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 77.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4,0%. Có 71.096,25 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 61.704,66 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày, đầu thầu lãi suất. Có 34.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất từ 3,35% đến 3,45%, có 17.400 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. 

Như vậy, NHNN hút ròng 7.208,41 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua qua kênh thị trường mở. Có 104.001,20 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 34.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu: Ngày 09/07, KBNN đấu thầu thành công 1.111 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 11%. Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được 611 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 15Y huy động được 500 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 30Y gọi thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 10Y là 3,21% (+0,07 đpt so với phiên đấu thầu trước), 15Y là 3,35% (+0,08 đpt).

Ngày 16/07, KBNN dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 7.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 2.000 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 15.301 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 14.075 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 5Y và 15Y. Chốt phiên 11/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 2,27% (+0,08 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 2,33% (+0,09 đpt); 3Y 2,40% (+0,10 đpt); 5Y 2,67% (-0,003 đpt); 7Y 3,01% (+0,01 đpt); 10Y 3,23% (+0,01 đpt); 15Y 3,35% (không đổi); 30Y 3,50% (+0,004 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 07/07 - 11/07, thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm, thanh khoản ở mức khá và khối ngoại tiếp tục mua ròng. Kết thúc phiên 11/07, VN-Index đứng ở mức 1.457,76 điểm, tăng rất mạnh 70,79 điểm (+5,10%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 6,30 điểm (+2,71%) đạt 238,81 điểm; UPCom-Index tăng 1,55 điểm (+1,53%) lên 102,72 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 30.800 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực từ mức 22.600 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng mạnh gần 3.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu gửi thư thuế quan đến các nước trong tuần vừa qua. Cụ thể, vị Tổng thống Mỹ đăng tải trên trang cá nhân của mình các bức thư gửi đến khoảng 25 đối tác thương mại với Mỹ, thông báo về các mức thuế quan sẽ áp đặt kể từ ngày 01/08 nếu không có thỏa thuận nào diễn ra. Các quốc gia đáng chú ý bị ảnh hưởng gồm Nhật Bản (25%; +1 đpt so thông báo ngày 02/04), Hàn Quốc (25%; không đổi) , Indonesia (32%; không đổi), Thái Lan (36%; không đổi), Malaysia (25%; +1đpt), và đặc biệt là Canada (35%; +10 đpt), Mexico (30%; +5 đpt), Brazil (50%; +40 đpt), và EU (30%; +10 đpt). Trong thư, Tổng thống Trump cũng cảnh báo rằng nếu các quốc gia này đáp trả bằng cách áp thuế trả đũa, Mỹ sẽ tăng thêm 25% thuế bổ sung. Hầu hết các quốc gia đều cho thấy sẵn sàng đi đến đàm phán với Mỹ, tuy nhiên riêng EU cũng thêm rằng sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của khối. Riêng Brazil lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả lại thuế cũng ở mức 50% nếu Mỹ không nhượng bộ trước 01/08. Dù thời hạn để đàm phán vẫn được kéo dài đến 01/08, tuy nhiên thị trường vẫn dấy lên lo ngại về những bất định trong chính sách của Washington. Cho đến hiện tại, chỉ có nước Anh là quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại chi tiết với Mỹ, Trung Quốc là quốc gia thứ hai đạt được thỏa thuận khung và một số điểm chi tiết khác. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia thứ 3, song cũng đang dừng lại ở thỏa thuận khung về mức thuế dao động từ 20% đến 40% nhưng chưa rõ các khái niệm và thời gian cụ thể để có ký kết và đi vào hiệu lực.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 6, bên cạnh đó nước này cũng đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Về Fed, trong biên bản họp tháng 6 công bố ngày 10/07, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC-thuộc Fed) nhận xét rằng lạm phát giá tiêu dùng vẫn ở mức khá cao (PCE toàn phần và PCE lõi lần lượt là 2,3% và 2,6% y/y trong tháng 5). Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục thấp (ghi nhận mức 4,2% trong tháng 5) và thị trường lao động cho thấy sự ổn định. GDP tăng trưởng với tốc độ vừa phải ở quý II sau khi giảm nhẹ quý đầu năm. FOMC cho rằng các mức thuế quan gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tạo ra một cú hích nhỏ lên lạm phát trong năm 2025 và 2026, tuy nhiên sau đó vẫn giảm trở lại mức 2% năm 2027. Các thành viên nhất trí rằng sự bất ổn về kinh tế dù đã giảm đi nhưng vẫn cần quan sát. Tại cuộc họp này, FOMC không thay đổi LSCS hiện tại ở mức 4,25% - 4,5%, sẽ dựa vào dữ liệu trong những cuộc họp sắp tới để đưa ra quyết định phù hợp. Liên quan đến kinh tế Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 05/07 ở mức 227 nghìn đơn, giảm xuống từ 233 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ lên 236 nghìn đơn. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp chỉ báo này giảm, kể từ mức 248 nghìn của tuần kết thúc ngày 07/06. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất là 235,5 nghìn đơn, giảm 5,75 nghìn so với 4 tuần liền trước.

Nước Anh cũng ghi nhận nhiều chỉ báo đáng chú ý trong tuần vừa qua. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết GDP nước này giảm 0,1% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà giảm 0,3% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ 0,1%. Sản lượng công nghiệp tại Anh trong tháng vừa qua cho thấy mức giảm đáng kể 0,9% m/m, nối tiếp đà giảm 0,6% của tháng 5 và sâu hơn nhiều so với dự báo giảm 0,1%. Cán cân thương mại Anh trong tháng vừa qua thâm hụt 21,7 tỷ GBP, nhỏ hơn mức thâm hụt 22,4 tỷ của tháng trước đó và vẫn lớn hơn dự báo thâm hụt 21,1 tỷ. Cuối cùng, hãng Halifax khảo sát cho biết giá nhà bình quân tại nước Anh đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 6 sau khi giảm 0,3% ở tháng 5, trái với dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,1%. So với cùng kỳ năm 2024, giá nhà tại Anh tăng khoảng 2,5% y/y.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 07/07 - 11/07/2025

Đọc thêm