World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

08:00 07/04/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.100 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN duy trì niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.866 VND/USD, tăng 56 đồng so với phiên 05/04. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm tiếp 30 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.250 VND/USD và 23.300 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/04, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 – 0,13 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,09%; 1W 2,20%; 2W 2,21% và 1M 2,21%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 0,31%; 1W 0,40%; 2W 0,44%, 1M 0,54%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,15%; 5Y 2,25%; 7Y 2,44%; 10Y 2,71%; 15Y 2,93%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 306 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 283,36 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 22,64 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 4.977,2 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 06/04, KBNN huy động thành công 2.000/5.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 40%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng mỗi loại, kỳ hạn 5 năm và 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,24%/năm (+0,04%); kỳ hạn 15 năm tại 2,54%/năm (+0,04%).

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, trên thị trường chứng khoán, số mã giảm áp đảo khiến thị trường chao đảo, tuy nhiên đã hồi phục vào cuối phiên nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 2,87 điểm (+0,19%) đạt 1.522,90 điểm; HNX-Index giảm mạnh 9,27 điểm (-2,03%) xuống 446,83 điểm; UPCom-Index giảm 0,86 điểm (-0,73%) còn 116,84 điểm. Thanh khoản thị trường tăng vọt với tổng giá trị giao dịch đạt trên 34.800 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 82 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngân hàng Thế giới World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Theo Báo cáo Cập nhật tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 04/2022, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022, giảm từ mức dự báo 5,5% trong báo cáo hồi tháng 01/2022. Dự báo trên được đưa ra căn cứ vào chính sách sống chung với Covid-19, kết quả vững chắc của công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu và sự phục hồi nhu cầu trong nước. WB nhận định kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro tiêu cực do các biến chủng mới của Covid-19, tác động toàn cầu của xung đột Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Tin quốc tế:

Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 3. Trong biên bản cuộc họp, cơ quan này cho biết các dự báo về nền kinh tế đã yếu so với hồi tháng 01/2022, phản ánh tác động từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và những kỳ vọng rằng nền kinh tế không còn nhận được nhiều hỗ trợ như trước. GDP của năm 2022 sẽ giảm tốc so với năm 2021 trước khi tích cực hơn một chút ở năm 2023, sau đó giảm tốc một lần nữa ở năm 2024. Bên cạnh đó, về lạm phát, Fed dự báo chỉ số tiêu dùng cá nhân PCE sẽ ở mức 4% trong năm 2022, giảm xuống 2,3% trong năm 2023 và tiếp tục giảm còn 2,1% trong năm 2024. Fed khẳng định lại mục tiêu của cơ quan này là toàn dụng nhân công và lạm phát ổn định ở mức 2%. Với bối cảnh hiện tại, Fed quyết định nâng LSCS thêm 25 điểm, lên mức 0,25% - 0,50%. Bên cạnh đó, Fed cũng bàn luận về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài chính với mức 95 tỷ USD mỗi tháng, và có thể bắt đầu thực hiện từ tháng 5.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này giảm 2,2% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 2,3% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị đơn đặt hàng vẫn tăng nhẹ 2,9%. Liên quan tới khu vực Eurozone, chỉ số giá sản xuất PPI của khu vực này tăng 1,1% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 5,2% của tháng trước đó và gần khớp với mức tăng 1,2% theo kỳ vọng của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá sản xuất tại khu vực này tăng mạnh 31,4%.

IHS Markit khảo sát cho biết PMI lĩnh vực xây dựng của Anh ở mức 59,1 điểm trong tháng 3, không thay đổi so với tháng 2 và trái với dự báo giảm xuống còn 58,0 điểm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm