IMF hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới

09:12 12/04/2023

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 11/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.606 VND/USD, tăng 06 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.736 VND/USD; thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.449 VND/USD, tăng 04 đồng so với phiên 10/04. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở chiều mua vào trong khi tăng 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.370 VND/USD và 23.460 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 11/04, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 – 0,08 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,03 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 5,16%; 1W 5,23%; 2W 5,31% và 1M 5,53%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống; giao dịch tại: ON 4,62%; 1W 4,73%; 2W 4,88%, 1M 4,98%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng ở kỳ hạn 10Y và đi ngang ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 2,76%; 5Y 2,83%; 7Y 2,97%; 10Y 3,28%; 15Y 3,39%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đều với lãi suất 5,0%. Có 4.060,26 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, 528,24 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày; không có khối lượng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 4.588,5 tỷ đồng ra thị trường; khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 19.535,37 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, mặc dù gần như suốt phiên giao dịch dưới mốc tham chiếu, về cuối phiên, các cổ phiếu blue-chips, đặc biệt nhóm bất động sản, đảo chiều, giúp thị trường kết phiên trong sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index thêm 4,11 điểm (+0,39%) đạt 1.069,46 điểm; HNX-Index nhích 0,34 điểm (+0,16%) lên mức 212,34 điểm; UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (+1,05%) lên 78,81 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với giá trị giao dịch gần 13.800 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 573 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Từ ngày 11/04, giá xăng dầu đồng loạt tăng, giá xăng RON95 vượt 24.000 đồng/lít. Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 11/04, giá xăng được điều chỉnh tăng hơn 1.000 đồng/lít, giá dầu tăng hơn 700 đồng/lít. Cụ thể, sau khi điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng dầu trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 23.173 đồng/lít (tăng 1.091 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); xăng RON95-III: 24.245 đồng/lít (tăng 1.120 đồng/lít); dầu diesel 0.05S: 20.149 đồng/lít (tăng 719 đồng/lít); dầu hỏa: 19.739 đồng/lít (tăng 702 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S: 15.194 đồng/kg (tăng 765 đồng/kg).

Tin quốc tế:

IMF hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới. Trong báo cáo vừa công bố, IMF nhận định KTTG đang ở thời điểm bất ổn, tích lũy từ các cú sốc trong 3 năm qua do Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine. Tổ chức này dự báo KTTG năm 2023 tăng 2,8% (-0,1 đpt so dự báo tháng 1). Trong đó, GDP Mỹ được dự báo tăng 1,3% (+0,1 đpt); Euro Area tăng 1,6% (+0,2 đpt), Nhật Bản tăng 1,3% (-0,5 đpt) và Anh suy thoái 0,3% (+0,3 đpt). Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, Trung Quốc được dự báo tăng 5,2% trong năm nay (không thay đổi), Ấn Độ tăng 5,9% (không thay đổi); nhóm ASEAN5 tăng 4,5% (+0,2 đpt), trong đó riêng Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,8%, đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Philippines với mức tăng 6%.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của Trung Quốc tăng 0,7% y/y trong tháng 3, thấp hơn so với mức tăng 1,0% của tháng 2 và mức 2,1% ghi nhận ở tháng 1. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất giảm 2,5% y/y trong tháng 3, sâu hơn mức giảm 1,4% của tháng 2 và khớp với dự báo. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 06/2020. Liên quan tới lĩnh vực ngân hàng tại Trung Quốc, lượng cho vay mới tại nước này đạt 3,9 nghìn tỷ CNY trong tháng 3, tăng mạnh so với mức 1,8 nghìn tỷ của tháng 2, vượt khá mạnh so với kỳ vọng ở mức 3,3 nghìn tỷ.

Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết doanh số bán lẻ tại khu vực này giảm 0,8% m/m trong tháng 3 sau khu tăng 0,8% ở tháng trước đó, khớp với con số dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ tại Eurozone và EU nói riêng lần lượt giảm 3,0% và 3,1% y/y.

Đọc thêm