Tổng quan:
Tuần vừa qua, nhiều NHTW lớn cùng tăng nhẹ LSCS, ưu tiên kiểm soát lạm phát, dù trước đó có nhiều sự kiện tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng liên tiếp xảy ra.
Điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong lĩnh vực ngân hàng: Tại Mỹ, đầu tiên, ngày 08/03, Silvergate Bank công bố dừng hoạt động và thanh lý toàn bộ tài sản, sau khi chịu sự rút tiền ồ ạt từ người gửi. Trước đó, Silvergate bị điều tra hình sự về các giao dịch với công ty tiền mã hóa FTX, khiến cho niềm tin của khách hàng suy giảm. Cùng ngày 08/03, Silicon Valley Bank bắt đầu chào bán cổ phiếu và chứng khoán thua lỗ trong danh mục. Ngày 09/03, Silicon Valley Bank mất 60% thị giá và ngân hàng này cũng bị các cơ quan quản lý buộc đóng cửa ngay trong buổi sáng hôm sau 10/03. Tiếp theo, Signature Bank cũng chịu tình trạng rút tiền quy mô lớn, tuyên bố dừng hoạt động ngày 12/03, đánh dấu ngân hàng thứ 3 của Mỹ phá sản chỉ trong 4 ngày. Silicon Valley Bank và Signature Bank đều được Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) tiếp quản tạm thời. Ngày 19/03, Signature Bank đã được Flagstar Bank (thuộc New York Community Bancorp) mua lại. Silicon Valley Bank vẫn đang được FDIC chào thầu cho các đơn vị mua tiềm năng. Tại Thụy Sỹ, bắt đầu từ ngày 15/03, ngân hàng Credit Suisse cũng mất thanh khoản do các quỹ rút tiền mạnh và nhà đầu tư từ chối cấp thêm vốn. Sau đó, ngân hàng này được UBS mua lại vào ngày 19/03. Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg đánh giá: “Môi trường lãi suất hiện tại đã có những tác động đáng kể tới khả năng sinh lời và tính chất rủi ro trong chiến lược đầu tư và huy động vốn của các ngân hàng. Các khoản lỗ chưa thực hiện làm suy yếu khả năng của ngân hàng trong việc đáp ứng nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai”.
Ngày 22/03, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed khẳng định hệ thống ngân hàng tại Mỹ trong trạng thái khỏe mạnh và linh hoạt, song những diễn biến gần đây có thể khiến điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn. Mức độ tác động tới nền kinh tế là không chắc chắn và Fed sẽ tập trung cao độ về lạm phát. Nhằm đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0% theo thời gian, cơ quan này tăng LSCS 25 đcb, từ 4,5% - 4,75% lên mức 4,75% - 5,0%. Theo dot-plot mới, Fed cũng bảo toàn dự báo đỉnh LSCS ở khoảng 5,1% (không thay đổi so với dot-plot 12/2022), bắt đầu cắt giảm ở năm 2024 xuống còn 4,3% (+0,2 đpt), và tiếp tục xuống 3,1% trong năm 2025 (0,0 đpt). Động thái của Fed được cho là bớt “diều hâu” so với nhận định trước đó của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 07/03 rằng đỉnh của lãi suất có thể phải cao hơn và cơ quan này có thể đẩy nhanh tốc độ tăng LSCS trở lại nếu cần thiết.
Ngày 23/03, NHTW Anh BOE nhận định lĩnh vực ngân hàng tại nước này vẫn có khả năng chống chịu tốt trong giai đoạn một số ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu xảy ra biến cố. BOE quyết định tăng LSCS 25 đcb, từ 4,0% lên 4,25% nhằm đảm bảo CPI tiếp tục giảm dần về mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn và neo quanh mức này trong dài hạn. Đây là lần tăng LSCS thứ 11 liên tiếp của BOE, song cũng là lần đầu tiên giảm tốc trở lại sau 5 lần tăng 50 đcb liên tiếp trước đó.
Có thể thấy, các NHTW lớn luôn nhất quán với mục tiêu ưu tiên là ổn định lạm phát. Tuy nhiên, các thông điệp lần này đã có sự cẩn trọng hơn. Dù chưa có bằng chứng các vụ sụp đổ ngân hàng trên là dấu hiệu ban đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính, song phần nào khiến Fed và nhiều NHTW cảm nhận tăng LSCS quá cao sẽ tiềm ẩn “tác dụng phụ” nghiêm trọng. Ở thời điểm hiện tại, công cụ của CME dự báo 88% khả năng Fed dừng tăng LSCS trong cuộc họp tiếp theo ngày 03/05, và thậm chí có khả năng cắt giảm LSCS trở lại ngay từ cuối tháng 07 tới.
Tóm lược thị trường trong nước từ 20/03 - 24/03
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 20/03 - 24/03, tỷ giá trung tâm được NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 24/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.600 VND/USD, giảm 20 đồng so với cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.
Tỷ giá LNH cũng biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 24/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.525 VND/USD, giảm tiếp 66 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng – giảm đan xen qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 24/03, tỷ giá tự do giảm 50 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.500 VND/USD và 23.570 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 20/03 - 24/03, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên. Chốt ngày 24/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,20% (-2,30 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,90% (-2,10 đpt); 2W 2,90% (-1,68 đpt); 1M 4,43% (-1,35 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Phiên cuối tuần 24/03, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,60% (+0,14 đpt); 1W 4,72% (+0,14 đpt); 2W 4,86% (+0,14 đpt) và 1M 5,0% (+0,13 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 20/03 - 24/03, NHNN chào thầu 25.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%. Có 215,5 tỷ đồng trúng thầu; có 2.118,67 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua; không có tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 1.903,17 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.201,98 tỷ VND, tín phiếu NHNN giữ ở mức 110.699,8 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 22/03, KBNN huy động 10.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 9.555 tỷ đồng (đạt 91%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 700 tỷ, 10Y 2.250 tỷ, 15Y 4,500 tỷ và 15Y 2.105 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5Y 3,30% (-0,38 đpt so lần trúng thầu trước); 10Y 3,60% (-0,42 đpt), 15Y 3,84% (-0,36 đpt) và 30Y 4,20% (+1,19 đpt). Tuần vừa qua từ 20/03 – 24/03 có 5.105 tỷ TPCP kỳ hạn 5 năm đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần 27/03 – 31/03, KBNN dự kiến gọi thầu 9.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y gọi 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y gọi 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y gọi 4.000 tỷ, kỳ hạn 20Y gọi 1.000 tỷ và kỳ hạn 30Y gọi 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.006 tỷ đồng/phiên, tăng khá mạnh so với mức 5.134 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất TPCP giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 24/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 3,38% (-0,22 đpt); 2 năm 3,38% (-0,23 đpt); 3 năm 3,4% (-0,24 đpt); 5 năm 3,4% (-0,25đpt); 7 năm 3,43% (-0,26 đpt); 10 năm 3,48% (-0,43 đpt); 15 năm 3,67% (-0,37 đpt); 30 năm 4,36% (-0,42 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 20/03 - 24/03, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh phiên đầu tuần rồi hồi phục dần trở lại. Chốt ngày 24/03, VN-Index đứng ở mức 1.046,79 điểm, nhích 1,65 điểm (+0,16%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,25 điểm (+0,61%) lên mức 205,72 điểm; UPCom-Index hạ 0,26 điểm (-0,34%) còn 76,17 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình đạt gần 9.500 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 11.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng gần 770 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ đón nhiều thông tin quan trọng trong tuần vừa qua. Đầu tiên, doanh số bán nhà cũ tại thị trường Mỹ đạt 4,58 triệu căn trong tháng 2, cao hơn so với mức 4,0 triệu căn của tháng 1, đồng thời vượt qua mức 4,19 triệu căn theo kỳ vọng. Doanh số bán nhà mới đạt 640 nghìn căn trong tháng 2, cao hơn mức 633 nghìn của tháng trước đó, tuy nhiên thấp hơn mức 650 nghìn căn theo dự báo. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 18/03 ở mức 191 nghìn đơn, không thay đổi nhiều so với mức 192 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn mức 198 nghìn đơn theo dự báo. Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ đi ngang trong tháng 2 (0,0% m/m) sau khi tăng 0,8% ở tháng 1, trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%. Cuối cùng, theo khảo sát của S&P Global, PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ lần lượt đạt 49,3 và 53,8 điểm trong tháng 3, cùng tăng từ 47,3 và 50,6 điểm của tháng 2, đồng thời cùng tích cực hơn mức 47,0 và 50,3 điểm theo dự báo. Trong tuần này, thị trường chờ đợi GDP chính thức Q4/2022 và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi của nước Mỹ, được công bố lần lượt vào tối ngày 30 và 31/03 theo giờ Việt Nam.
Nước Anh cũng ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý, trong đó có chỉ số CPI cho thấy áp lực lạm phát vẫn rất cao. Cụ thể, CPI toàn phần và CPI lõi tại Anh lần lượt tăng 10,4% và 6,2% y/y trong tháng vừa qua, cao hơn mức 10,1% và 5,8% của tháng trước đó, trái với dự báo xuống còn 9,9% và 5,7%. Chỉ báo CPI được công bố ngay trước thềm cuộc họp của NHTW Anh, và như đã biết BOE chỉ tăng LSCS 25 đcb trong cuộc họp lần này. Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng của người dân Anh do GfK khảo sát ở mức -36 điểm trong tháng 3, cải thiện nhẹ từ mức -38 điểm của tháng 2 và vẫn thấp hơn mức -35 điểm theo dự báo. Doanh số bán lẻ tại thị trường này tăng 1,2% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 0,9% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua kỳ vọng chỉ tăng nhẹ 0,2%. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ của tháng 2 vẫn ghi nhận mức giảm khá mạnh 3,5%. Cuối cùng, S&P Global khảo sát cho biết PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại nước Anh lần lượt đạt 48,0 và 52,8 điểm trong tháng 3, cùng giảm từ 49,3 và 53,5 điểm của tháng 2, trái với dự báo cùng tăng lên 49,8 và 53,1 điểm.