Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 27/02 - 03/03/2023

08:07 06/03/2023

Tổng quan:

Sáng 03/03/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, các cân đối lớn bảo đảm. 2 tháng đầu năm, lạm phát đã được kiểm soát ở mức phù hợp. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng 1/2023 (tăng 4,89%); bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu cả năm theo Nghị quyết Quốc hội là khoảng 4,5%). Với sự nỗ lực, phấn đấu, khả năng cả năm sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội giao; tuy nhiên, cần lưu ý chỉ số lạm phát cơ bản 2 tháng đầu năm (tăng 5,08% so cùng kỳ). Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu NSNN 2 tháng ước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tăng 5,1% so tháng trước, người lao động đã quay trở lại làm việc, nhất là tại một số địa phương trọng điểm công nghiệp. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI tháng 2 đạt 51,2 điểm, cho thấy sản xuất đã có dấu hiệu tích cực trở lại, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 3 tháng trước đó. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực; 2 tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại tháng 2 ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD. Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đến nay đã giải ngân hơn 81,1 nghìn tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất, tiền thuê nhà, giảm thuế, lệ phí... cho các đối tượng. Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, căn cứ số vốn hơn 707.044 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% số vốn Quốc hội quyết nghị. Đến ngày 01/03/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 85,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, ước thanh toán đến ngày 28/02 là hơn 49.247 tỷ đồng, đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 13,2% và tính chung 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%). Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế 2 tháng đạt hơn 1,8 triệu lượt khách, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Về tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao hơn 48.355 tỷ đồng vốn NSTW năm 2023 cho các bộ, địa phương; đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn.

Chính phủ cũng vạch ra những thách thức ngày càng gia tăng. Thị trường xuất khẩu suy giảm; thị trường và doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn; rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng… đã và đang tác động trực tiếp, rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm trong nước. Hai tháng, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%. Đáng nói là, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), thấp nhất trong cùng kỳ hai tháng từ năm 2001 đến nay. Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm… đều giảm hoặc tăng thấp, cá biệt ngành sản xuất thiết bị điện giảm trên 50%. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/02 chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế. Mặc dù cán cân thương mại thặng dư khá, song kim ngạch XNK giảm mạnh. Tổng kim ngạch XNK, XK và NK hàng hóa 02 tháng đều giảm lần lượt là 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài giảm khi tổng vốn FDI đăng ký đến 20/02 ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so cùng kỳ 2022; vốn FDI thực hiện đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9%. Tình hình doanh nghiệp nhiều khó khăn khiến số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động hai tháng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%. Đặc biệt, thị trường, doanh nghiệp BĐS tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ TPDN năm 2023 lớn.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường BĐS, thị trường TPDN, các khó khăn của DN trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy SXKD, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân,...

Tóm lược thị trường trong nước từ 27/02 - 03/03

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 27/02 - 03/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 03/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.637 VND/USD, giảm nhẹ 05 đồng so với cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.

Tỷ giá LNH tăng khá mạnh phiên đầu tuần rồi giảm dần trở lại trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 03/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.720 VND/USD, giảm 68 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm luân phiên trong tuần qua. Chốt phiên 03/03, tỷ giá tự do giảm 95 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.715 VND/USD và 23.765 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 27/02 - 03/03, lãi suất VND LNH tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn, tuy nhiên đà tăng đã yếu hơn. Chốt ngày 03/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 6,28% (+0,26 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 6,50% (+0,17 đpt); 2W 6,72% (+0,17 đpt); 1M 7,15% (+0,18 đpt).

Lãi suất USD LNH duy trì biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 03/03, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,48% (+0,02 đpt); 1W 4,62% (+0,01 đpt); 2W 4,70% (-0,01 đpt) và 1M 4,85% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 27/02 - 03/03, NHNN chào thầu 20.500 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 14.384.21 tỷ đồng trúng thầu đều với lãi suất 6,0%; có 10.679,12 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 07 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 73.379,60 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày với lãi suất trúng thầu ở mức 6,0%; có 24.800 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 6,0%; có 91.549,8 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, NHNN hút ròng 2.924,71 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 35.378,21 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 157.179,4 tỷ VND.

Thị trường trái phiếu: Ngày 01/03, KBNN huy động 8.250 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 2.750 tỷ đồng (đạt 33%). Trong đó, 5 năm và 10 năm lần lượt huy động được 650 và 2.100 tỷ. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn trên lần lượt tại 3,68%/năm và 4,17%/năm, tăng 0,03 và 0,10 đpt so với tuần trước. Riêng kỳ hạn 15 năm không có khối lượng trúng thầu. Tuần vừa qua từ 27/02 – 03/03 không có khối lượng đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần 06/02 – 10/03, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 3.000 tỷ và kỳ hạn 15 năm gọi 3.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4.438 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 5.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất TPCP biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 03/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 3,82% (không thay đổi); 2 năm 3,82% (không thay đổi); 3 năm 3,84% (không thay đổi); 5 năm 3,87% (không thay đổi); 7 năm 3,98% (+0,02 đpt); 10 năm 4,43% (+0,02 đpt); 15 năm 4,56% (+0,01 đpt); 30 năm 4,91% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 27/02 - 03/03, thị trường chứng khoán có một tuần trồi sụt, chốt tuần trong sắc đỏ. Chốt ngày 03/03, VN-Index đứng ở mức 1.024,77 điểm, giảm 14,79 điểm (-1,42%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 2,43 điểm (-1,17%) còn 204,89 điểm; UPCom-Index giảm 0,93 điểm (-1,21%) về 75,80 điểm.

Thanh khoản thị trường sụt giảm xuống mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình đạt trên 8.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.760 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.                 

Tin quốc tế

Nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ giảm mạnh 4,5% m/m trong tháng 1 sau khi tăng 5,1% ở tháng 12/2022, sâu hơn mức giảm 3,7% theo dự báo. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi vẫn tăng 0,7% m/m trong tháng 1 sau khi giảm nhẹ 0,2% ở tháng trước đó. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 25/02 là 190 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 192 nghìn của tuần trước đó, đồng thời đánh dấu tuần thứ 7 liên tiếp thấp hơn mức 200 nghìn đơn. Tiếp theo, PMI lĩnh vực sản xuất của nước Mỹ đạt mức 47,7% trong tháng 2, tăng nhẹ từ 47,4% của tháng 1 và thấp hơn một chút so với dự báo ở mức 47,9%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lĩnh vực sản xuất rơi vào trạng thái thu hẹp, sau khi duy trì 30 tháng mở rộng liên tiếp trước đó. PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng vừa qua ở mức 55,1%, gần như đi ngang so với 55,2% của tháng 1 và tích cực hơn dự báo ở mức 54,5%. Cuối cùng, Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước Mỹ ở mức 102,9 điểm trong tháng 2, giảm xuống từ 106,0 điểm của tháng 1, trái với kỳ vọng tăng lên 108,5 điểm. Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin quan trọng từ phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell về CSTT của Fed, kéo dài 2 ngày 07-08/03 theo giờ Việt Nam. Bên cạnh đó, báo cáo thị trường lao động chi tiết của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố ngày 10/03.

Khu vực Eurozone cũng đón một số thông tin đáng chú ý. Về chỉ số giá tiêu dùng, CPI toàn phần khu vực này tăng 8,5% y/y trong tháng 2, thấp hơn so với mức 8,6% của tháng 1 nhưng vẫn cao hơn so với mức 8,3% theo dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi tăng 5,6% y/y trong tháng vừa qua, trái với dự báo chỉ đi ngang so với mức 5,3% của tháng 1. Như vậy, áp lực lạm phát tại Eurozone tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 2 nhưng mức độ không đáng kể. Tại thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone ghi nhận ở mức 6,7% trong tháng 1, tăng nhẹ từ mức 6,6% của tháng trước đó. Tại nước Đức nói riêng, CPI của quốc gia này tăng mạnh 0,8% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 1,0% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,5% theo dự báo. Cán cân thương mại Đức trong tháng 1 thặng dư 16,7 tỷ EUR, cao hơn mức 10 tỷ của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức 11,1 tỷ theo dự báo.

Đọc thêm