Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 23/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.615 VND/USD, giảm 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 24.780 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.498 VND/USD, giảm tiếp 32 đồng so với phiên 22/03. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 80 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.500 VND/USD và 23.570 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 23/03, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giảm 0,13 – 0,25 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,47%; 1W 2,18%; 2W 3,07% và 1M 4,53%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng mạnh 0,13 – 0,20 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 4,64%; 1W 4,73%; 2W 4,83%, 1M 4,98%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 3,44%; 5Y 3,42%; 7Y 3,54%; 10Y 3,69%; 15Y 3,87%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5,5%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 1.201,98 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,56 điểm (+0,44%) đạt mức 1.044,10 điểm; HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,31%) về mức 203,32 điểm; UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,36%) đạt 76,17 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước đó với giá trị giao dịch hơn 8.550 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 332 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody's mới đây đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng Việt Nam lên một bậc, cũng như nâng một bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng. 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank. Về chỉ tiêu rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác Việt Nam, có 7 ngân hàng được nâng hạng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, LienVietPostBank, SHB, ABBank và MSB.
Tin quốc tế:
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 18/03 ở mức 191 nghìn đơn, không thay đổi nhiều so với mức 192 nghìn đơn của tuần trước đó, thấp hơn một chút so với dự báo ở mức 198 nghìn đơn. Tiếp theo, doanh số bán nhà mới tại nước Mỹ ghi nhận mức 640 nghìn căn trong tháng 2, tăng nhẹ so với 633 nghìn căn của tháng 1, thấp hơn mức 650 nghìn căn theo kỳ vọng.
NHTW Anh BOE tiếp tục tăng LSCS. Trong phiên họp ngày hôm qua 23/03, BOE kỳ vọng GDP nước Anh tăng nhẹ trở lại ở quý 2. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng trở lại trong tháng vừa qua, song vẫn được kỳ vọng sẽ giảm mạnh trở lại ở quý 2. Với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Hội đồng CSTT của BOE (MPC) quyết định tăng LSCS 25 đcb, từ 4,0% lên 4,25% nhằm đảm bảo CPI tiếp tục giảm dần về mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn, sau đó sẽ neo quanh mức này. Đây là lần tăng LSCS thứ 11 liên tiếp của BOE, và 4,25% là mức LSCS cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Theo các quan chức của BOE, lĩnh vực ngân hàng tại nước Anh vẫn có khả năng chống chịu tốt trong giai đoạn một số ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu xảy ra biến cố. BOE sẽ tiếp tục theo dõi các áp lực về lạm phát. Nếu có bằng chứng rằng lạm phát dai dẳng hơn, cơ quan này sẽ cần phải thắt chặt CSTT hơn nữa.