Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 05/04, NHNN giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.602 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD; và tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.452 VND/USD, giảm tiếp 16 đồng so với phiên 04/04. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.380 VND/USD và 23.480 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 05/04, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục tăng mạnh 0,14 – 0,77 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 3,25%; 1W 3,58%; 2W 3,88% và 1M 4,87%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 4,62%; 1W 4,73%; 2W 4,87%, 1M 4,99%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 7Y và 10Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 2,77%; 5Y 2,83%; 7Y 3,03%; 10Y 3,34%; 15Y 3,51%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 35 ngày, lãi suất 5,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 1.201,98 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 05/04, KBNN huy động 12.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 7.243 tỷ đồng (đạt 60%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 1.903/4.500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y là 2.000/3.000 tỷ, 15Y là 2.369/3.000 tỷ và 30Y là 971/1.500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 2,8% (-0,13 đpt so với lần trúng thầu trước); 10Y 3,3% (-0,15 đpt), 15Y 3,4% (-0,20 đpt), và 30Y 3,66% (-0,14 đpt).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chứng khoán trải qua phiên giao dịch không mấy khởi sắc, chỉ số chính chìm trong sắc đỏ hầu hết thời gian giao dịch, tuy nhiên, lực kéo cuối phiên đã giúp VN-Index đảo chiều thành công. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 2,41 điểm (+0,22%) đạt 1.080,86 điểm; HNX-Index thêm 1,85 điểm (+0,88%) lên 212,58 điểm; UPCoM-Index nhích 0,15 điểm (+0,19%) đạt 77,74 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với giá trị giao dịch gần 15.000 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 196 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Báo cáo Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu NSNN quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán và tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% dự toán và giảm 11,4%; thu cân đối NS từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% và giảm 16,4%. Luỹ kế chi quý I đạt 17,5% dự toán, trong đó: chi ĐTPT ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng giao); chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.
Tin quốc tế:
ISM cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của nước Mỹ ở mức 51,2% trong tháng 3, giảm mạnh từ 55,1% của tháng trước đó đồng thời xuống thấp hơn mức 54,3% theo dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, ADP thông báo số việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ tăng 145 nghìn trong tháng 3, thấp hơn mức 242 nghìn của tháng trước đó và cũng thấp hơn mức 208 nghìn theo kỳ vọng. Ngày mai 07/04, thị trường chờ đợi báo cáo việc làm chi tiết từ Bộ Lao động Mỹ, công bố lúc 19:30 theo giờ Việt Nam.
Theo S&P Global, PMI chính thức tại Eurozone là 55,0 điểm trong tháng 3, giảm từ 55,6 điểm theo kết quả khảo sát sơ bộ. Tại Anh, PMI dịch vụ chính thức đạt 52,9 điểm, tăng nhẹ so với 52,8 điểm sơ bộ, và là tháng cao thứ 2 trong 8 tháng trở lại đây, chỉ sau tháng 3 ở mức 53,5 điểm.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Destatis thông báo giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này tăng 4,8% m/m trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,5% của tháng trước đó và mức 0,2% theo dự báo. Đây là tháng có mức tăng tốt nhất kể từ tháng 06/2020. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2022, lượng đơn của tháng 2 vẫn cho thấy mức giảm 5,7%.