Tổng quan:
Giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng cao trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025.
Trên thế giới, giá vàng tính đến ngày 21/03/2025 đã tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 16% so với cuối năm 2024. Mới đây nhất, vàng tiếp tục tăng giá và lập kỷ lục cao mới sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed ngày 19/03. Giá vàng giao ngay có lúc lên gần 3.055 USD/ounce (đỉnh cao lịch sử) và tới 8h30 sáng 20/3 ở mức 3.052 USD/ounce.
Nguyên nhân chính đến từ các yếu tố kinh tế, địa chính trị và xu hướng mua vàng của các tổ chức tài chính lớn.
Thứ nhất, lãi suất trên thế giới có xu hướng giảm trong khi đồng USD đang yếu dần là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. Đến ngày 21/03, DXY đã giảm gần 4,3% so với đầu năm.
Thứ hai, các NHTW lớn trên thế giới đang liên tục mua ròng vàng để gia tăng dự trữ ngoại hối, phòng tránh rủi ro trước những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, phản ánh sự dịch chuyển chiến lược nhằm bảo vệ tài sản trước nguy cơ suy giảm giá trị của đồng tiền pháp định, lạm phát và bất ổn tài chính. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới WGC, các NHTW đã mua 1.045 tấn vàng vào năm 2024, với giá trị khoảng 96 tỷ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp lượng vàng mua vào đạt hơn 1.000 tấn, cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm 473 tấn giai đoạn 2010-2021. Số liệu cũng cho thấy, các NHTW là bên mua ròng trong 15 năm qua, nhưng tốc độ mua đã tăng gấp đôi kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể, nhưng các chuyên gia đều khẳng định, các NHTW tiếp tục mua vàng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay.
Thứ ba, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia lớn đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại, tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Xung đột Nga – Ukraine, khu vực Trung Đông tiếp tục đối mặt với những diễn biến phức tạp, xung đột giữa Mỹ và Haiti có những động thái căng thẳng hơn, ảnh hưởng đến giá năng lượng và tâm lý thị trường, khiến dòng tiền đầu tư tìm đến vàng.
Mặc dù trong ngắn hạn, các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể giảm xuống dưới 3.000 USD/ounce khi các nhà đầu tư chốt lời, nhưng họ vẫn dự báo giá vàng vào cuối năm 2025 là khoảng 3.200 - 3.300 USD/ounce.
Tại Việt Nam, giá vàng tăng khoảng 14% trong năm 2024, mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Sang năm 2025, một điều dễ nhận thấy là trong 2 tháng đầu năm, giá vàng chỉ tăng nhẹ khoảng 2 - 3 triệu đồng/lượng. Đà tăng mạnh chỉ thực sự diễn ra từ đầu tháng 3, khi giá thế giới biến động mạnh. Ngày 20/03, giá vàng lập đỉnh ở mức bán ra 100,4 triệu đồng/lượng. Tuy ngày cuối tuần, giá vàng đã giảm xuống mức 97,7 triệu đồng/lương, giá vàng vẫn tăng hơn 16% so với cuối năm 2024. Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân của đợt vàng tăng giá mạnh đợt này chủ yếu là do tăng theo giá vàng thế giới. Bên cạnh yếu tố thế giới, giá vàng trong nước tăng cũng có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và chính sách điều hành. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, hay ngoại tệ kém hấp dẫn (do rủi ro cao hoặc lợi suất thấp), dòng tiền có xu hướng chuyển sang vàng, đẩy giá tăng lên. Ngoài ra giá vàng tăng còn có yếu tố tâm lý tác động, do nền kinh tế đang khó khăn, nên người dân xem vàng là kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, những cơn “sốt” giá vàng vừa qua, ngoài quy luật cung cầu, còn có yếu tố đầu cơ, làm giá, đẩy giá, …
Về trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, dư địa tăng của giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và tính bất định về địa chính trị trên toàn cầu; nhu cầu vàng của các NHTW lớn trên thế giới tiếp tục gia tăng; lãi suất thấp cũng có thể khuyến khích người dân chuyển dịch dòng vốn từ tiết kiệm sang các tài sản như vàng và bất động sản. Ngược lại, các chính sách quản lý thị trường vàng như siết chặt nhập khẩu, kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, ... làm giảm tình trạng đầu cơ và giữ ổn định thị trường vàng trong nước. Bên cạnh đó, nhiều dự báo cho thấy trong năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ vào kỳ vọng thăng hạng thị trường; thị trường bất động sản có thể bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng, bởi hành lang pháp luật mới và bởi tâm lý người mua nhà cải thiện. Những yếu tố này sẽ tác động làm giảm nhu cầu, dẫn đến giảm giá vàng.
Tóm lược thị trường trong nước từ 17/03 - 21/03/2025
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 17/03 - 21/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 21/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.813 VND/USD, tăng 34 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.623 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết mức 26.003 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 17/03 - 21/03 biến động tăng ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 21/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.620, tăng 110 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua cũng theo xu hướng tăng. Chốt phiên 21/03, tỷ giá tự do tăng mạnh 130 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.870 VND/USD và 25.970 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 17/03 - 21/03, lãi suất VND LNH các kỳ hạn từ 1M trở xuống giảm 4 phiên đầu tuần rồi tăng khá mạnh phiên cuối tuần. Chốt ngày 21/03, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,22% (-0,08 đpt); 1W 4,38% (-0,05 đpt); 2W 4,50% (-0,03 đpt); 1M 4,54% (-0,07 đpt).
Lãi suất USD LNH vẫn duy trì tình trạng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 21/03, lãi suất USD LNH giao dịch tại: ON 4,30% (không thay đổi); 1W 4,38% (không thay đổi); 2W 4,45% (+0,01 đpt) và 1M 4,49% (-0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 17/03 - 21/03, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 195.000 tỷ đồng với 4 kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 35 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4,0%. Có 70.842,65 tỷ đồng trúng thầu và có 76.252,16 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Không có khối lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 5.409,51 tỷ đồng khỏi thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 80.849,26 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, không còn tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 19/03, KBNN đấu thầu thành công 20.233 tỷ đồng/23.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 88%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 4.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 16.123 tỷ đồng/ 18.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15Y huy động được 110 tỷ đồng/ 500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 30Y gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5Y là 2,15% (+0,05 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,96% (không đổi), 15Y là 3,0% (không đổi).
Ngày 26/03, KBNN dự kiến chào thầu 13.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 11.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 20.026 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 14.161 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua biến động giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn trừ kỳ hạn 30Y. Chốt phiên 21/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 2,08% (-0,01 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 2,09% (-0,01 đpt); 3Y 2,16% (-0,004 đpt); 5Y 2,30% (-0,02 đpt); 7Y 2,64% (-0,04 đpt); 10Y 2,96% (-0,01 đpt); 15Y 3,15% (-0,005 đpt); 30Y 3,41% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 17/03 - 21/03, thị trường chứng khoán có xu hướng giảm sau khi tăng phiên đầu tuần. Kết thúc phiên 21/03, VN-Index đứng ở mức 1.321,88 điểm, giảm mạnh 14,38 điểm (-0,32%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 3,09 điểm (+1,27%) lên mức 245,82 điểm; UPCom-Index lùi 0,06 điểm (-0,06%) về 99,32 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình ở mức khá cao, đạt khoảng trên 20.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.700 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có cuộc họp quan trọng trong tuần qua. Trong cuộc họp ngày 18-19/03, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) dự báo GDP Mỹ chỉ tăng 1,7% trong năm 2025 (-0,4 đpt so dự báo T12). Tỷ lệ thất nghiệp được Fed nâng nhẹ dự báo lên mức 4,4% (+0,1 đpt). Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE toàn phần và PCE lõi được dự báo lần lượt ở mức 2,7% và 2,8% trong năm nay (+0,2 đpt và +0,3 đpt). Fed giữ nguyên LSCS 4,25% - 4,5% trong cuộc họp lần này, và đồng thời không thay đổi lộ trình cắt giảm 0,5 đpt (tương đương 2 lần 0,25 đpt) trong năm nay. Về dài hạn, FOMC dự báo GDP Mỹ tăng khoảng 1,8%/năm ở các năm sắp tới, tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở ngưỡng 4,3% và lạm phát PCE cũng như PCE lõi đều hạ nhiệt dần, chạm mức mục tiêu 2,0% ở năm 2027. LSCS được FOMC cũng được dự báo cắt giảm dần qua từng năm, về quanh 3,4% năm 2026; 3,1% năm 2027 và dài hạn hơn ở mức 3,0%. Sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định hầu hết các thước đo đều cho thấy triển vọng lạm phát vẫn phù hợp với mục tiêu 2,0% trong dài hạn. Triển vọng lạm phát năm nay tăng lên phần lớn đến từ thuế quan, có thể mang tính “tạm thời”, tuy nhiên chưa thể biết chắc và cần chờ thêm diễn biến của thị trường. Fed không cần vội vàng điều chỉnh lập trường, có thể cắt LS nếu thị trường lao động hoặc lạm phát suy yếu bất ngờ, ngược lại có thể thắt chặt lâu hơn nếu lạm phát không tiếp tục hướng tới mục tiêu một cách bền vững.
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi tại nước này lần lượt tăng 0,2% và 0,3% m/m trong tháng 2 sau khi giảm 1,2% và 0,6% ở tháng đầu năm (điều chỉnh xuống so với mức giảm 0,4% và 0,9% theo báo cáo sơ bộ), cùng kém hơn so với mức tăng 0,6% và 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2024, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 3,1% y/y, thu hẹp so với mức 3,9% ở tháng 1. Tiếp theo, ở thị trường xây dựng và bất động sản, số cấp phép xây nhà tại Mỹ đạt 1,46 triệu đơn trong tháng 2, không biến động nhiều so với mức 1,47 triệu của tháng trước đó, nhỉnh hơn một chút so với mức 1,45 triệu theo dự báo. Bên cạnh đó, số nhà khởi công tại nước này đạt 1,50 triệu căn trong tháng 2, tăng khá mạnh so với 1,35 triệu căn của tháng 1 và đồng thời vượt so với mức 1,38 triệu căn theo kỳ vọng. Doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đạt 4,26 triệu căn trong tháng 2, cao hơn so với mức 4,09 triệu căn của tháng 1 và đồng thời cao hơn mức 3,95 triệu căn theo dự báo. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 14/03 ở mức 223 nghìn đơn, tăng lên từ 221 nghìn đơn của tuần trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 224 nghìn. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất ở mức 227 nghìn, giảm nhẹ 0,75 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước.
NHTW Nhật Bản BOJ và NHTW Anh BOE cũng giữ LSCS đi ngang ở cuộc họp tháng 3. Về BOJ, ngày 19/03 cơ quan này nhận định kinh tế nước Nhật phục hồi vừa phải trong thời gian qua, mặc dù một số lĩnh vực còn yếu. Bên cạnh đó, lạm phát có thể quay trở lại ổn định gần ngưỡng mục tiêu 2,0% của cơ quan này. BOJ quyết định giữ nguyên LSCS (LS mà các TCTD gửi tiền kỳ hạn ON tại BOJ) ở mức 0,50% tại cuộc họp vừa qua do lo ngại những bất ổn xung quanh hoạt động kinh tế của Nhật Bản, nhất là những chính sách thuế quan thương mại từ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại Anh, ngày 20/03, BOE cho biết nước này đã đạt được những tiến bộ về việc kéo giảm lạm phát. Tuy nhiên, bất ổn thương mại gia tăng kể từ khi Mỹ đưa ra một loạt chính sách thuế và các Chính phủ phản ứng trở lại. CPI toàn phần tại Anh trong tháng 1 tăng lên mức 3,0% y/y từ mức 2,5% của tháng trước đó, được BOE dự báo tiếp tục leo lên ở mức 3,75% vào Q3/2025. Mặc dù lạm phát dự kiến sẽ giảm trở lại sau đó, BOE sẽ theo dõi kỹ lưỡng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy triển vọng lạm phát dai dẳng hơn. Tại cuộc họp này, Ủy ban CSTT của BOE (MPC) bỏ phiếu với đa số ủng hộ duy trì LSCS ở mức 4,5%, không có sự thay đổi so với trước.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 17/03 - 21/03/2025