Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 13/01 - 17/01/2025

08:23 20/01/2025

Tổng quan:

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến lình xình trong năm 2024, tuy nhiên, được kỳ vọng sẽ bứt phá vào nửa cuối năm 2025.

Năm 2024, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước SSC, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng từ các năm trước đó. Tính đến ngày 31/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cùng kỳ năm; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tăng 19,6% so với cuối năm 2023, tương đương 69,4% GDP ước tính năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt 20.849 tỷ đồng/phiên, tăng 18,6% so với bình quân năm trước. Thị trường có 720 cổ phiếu niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 888 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Số lượng tài khoản đã đạt hơn 9,1 triệu tài khoản, tăng khoảng 26% so với cuối năm 2023, tương đương 9% dân số, vượt mục tiêu mà Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng chính của TTCK Việt Nam trong năm 2024 chủ yếu tập trung vào quí 1. Phần còn lại của năm chứng kiến thị trường đi ngang, HNX-Index dao động khoảng 100 điểm, trong đó ngưỡng kháng cự ở mức 1.300 điểm và ngưỡng hỗ trợ ở mức 1.200 điểm.

Quy mô thanh khoản trung bình của TTCK Việt Nam trong cả năm 2024 đạt trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chủ yếu có được nhờ sự giao dịch sôi động trong nửa đầu năm, với nhiều phiên ghi nhận giá trị giao dịch tỷ USD. Trong nửa cuối năm 2024, quy mô giao dịch dần thu hẹp, đặc biệt khi khối nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu thận trọng. Mức sụt giảm sâu nhất vào giữa và cuối tháng 11 khi thị trường có xu hướng tạo đáy. Riêng tháng 12, sàn HoSE nhiều phiên đạt mức thanh khoản khớp lệnh chỉ quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, NĐT ngoài vẫn liên tục bán ròng với giá trị hơn 91.000 tỉ đồng cả năm, mức cao nhất trong lịch sử thị trường.

Đánh giá về diễn biến lình xình của thị trường trong nửa cuối năm qua, các chuyên gia nhận định, diễn biến TTCK kém tích cực tương phản với mức tăng trưởng kinh tế vĩ mô khi GDP 2024 tăng 7,09%, cũng không song hành với tăng trưởng hiệu quả của doanh nghiệp, khi lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường quý III tăng 18,8% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng tăng 14% cùng kỳ. Các chuyên gia giải thích, nguyên nhân chủ yếu đến từ bên ngoài, dòng tiền đầu tư toàn cầu rút khỏi các thị trường mới nổi, cận biên về thị trường Mỹ trở thành một làn sóng xuyên suốt năm 2024, đồng thời sự bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK.

Năm 2024, Chính phủ đã ban hành một số văn bản mới được cho rằng sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của TTCK. Nổi bật là Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/11/2024, quy định về việc ký quỹ trước của NĐT tổ chức nước ngoài khi giao dịch và yêu cầu công bố thông tin trên TTCK. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc, giúp TTCK Việt Nam đáp ứng các tiêu chí nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell, qua đó thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Tiếp theo, Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với hình thức rút gọn, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Luật Chứng khoán mới đã cập nhật các quy định quan trọng như cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), quy trình phát hành chứng khoán và các biện pháp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư. Những điều chỉnh này được kỳ vọng không chỉ nâng cao hiệu quả vận hành thị trường mà còn củng cố lòng tin của các NĐT trong thời gian tới.

Sang năm 2025, các chuyên gia kỳ vọng, TTCK vẫn có thể gập ghềnh trong nửa đầu năm, nhưng có thể tích cực vào nửa cuối năm. Trong ngắn hạn, với yếu tố bất định từ việc ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý I và quý II, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Fed tỏ ra cẩn trọng hơn với động thái cắt giảm lãi suất, thì nhiều yếu tố tiêu cực tác động vào thị trường sẽ vẫn còn. Sang nửa cuối năm, kết hợp với yếu tố cơ hội nâng hạng, quý 3 và quý 4 sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, nhà đầu tư quốc tế trở lại mua ròng và thị trường sẽ diễn ra tích cực hơn.

Tóm lược thị trường trong nước từ 13/01 - 17/01/2025

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 13/01 - 17/01, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 17/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.341 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 13/01 - 17/01 biến động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 17/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.328, giảm tiếp 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm khá mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 17/01, tỷ giá tự do giảm 125 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.530 VND/USD và 25.630 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 13/01 - 17/01, lãi suất VND LNH sau khi tăng phiên đầu tuần đã giảm trở lại. Chốt ngày 17/01, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,00% (-0,76 đpt); 1W 4,32% (-0,59 đpt); 2W 4,90% (-0,07 đpt); 1M 5,06% (-0,08 đpt).

Lãi suất USD LNH giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 17/01, lãi suất USD LNH, giao dịch tại: ON 4,36% (-0,04 đpt); 1W 4,41% (-0,07 đpt); 2W 4,51% (-0,04 đpt) và 1M 4,56% (-0,04 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 13/01 - 17/01, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 43.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Toàn bộ khối lượng này trúng thầu và có 54.999,88 đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở kỳ hạn 7 ngày. Có 32.750 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 4,0%. Có 51.680 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua. 

Như vậy, NHNN bơm ròng 6.930,12 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 43.000 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 68.600 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu: Ngày 15/01, KBNN đấu thầu thành công 5.014 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 72%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 100 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 4.040 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15Y huy động được 700 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 174 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 2,10% (+0,04 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,79% (+0,02 đpt), 15Y là 2,98% (+0,03 đpt), 30Y là 3,25% (+0,03 đpt).

Trong tuần này, ngày 22/01, KBNN dự kiến chào thầu 11.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 7.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.910 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 7.785 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tăng ở hầu hết các kỳ hạn, trừ kỳ hạn 7Y. Chốt phiên 17/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 2,03% (+0,05 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 2,08% (+0,06 đpt); 3Y 2,12% (+0,07 đpt); 5Y 2,40% (+0,04 đpt); 7Y 2,63% (-0,01 đpt); 10Y 3,07% (+0,04 đpt); 15Y 3,25% (+0,07 đpt); 30Y 3,37% (+0,08 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 13/01 - 17/01, thị trường chứng khoán có tuần phục hồi trở lại. Kết thúc phiên 17/01, VN-Index đứng ở mức 1.249,11 điểm, tăng khá mạnh 18,63 điểm (+1,51%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 2,99 điểm (+1,36%) lên mức 222,48 điểm; UPCom-Index tăng 0,96 điểm (+1,04%) đạt 93,11 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 11.530 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 11.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng rất mạnh gần 4.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón nhiều chỉ báo kinh tế tích cực trong tuần qua. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI lõi tại nước này đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 12, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,2% như tháng 11. PPI toàn phần trong tháng vừa qua cũng chỉ tăng nhẹ 0,2% m/m, thấp hơn mức tăng của tháng trước đó và đồng thời là dự báo ở 0,4%. So với cùng kỳ năm 2023, PPI lõi và PPI toàn phần trong tháng 12 cùng tăng 3,3% y/y. Tiếp theo, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại nước này tăng 0,2% m/m trong tháng 12, giảm tốc nhẹ so với mức tăng của tháng trước đó đồng thời cũng là dự báo của các chuyên gia ở 0,3%. CPI toàn phần trong tháng 12 tăng 0,4% m/m, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng 11 và khớp với dự báo. Như vậy, CPI lõi và CPI toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 3,2% và 2,9% y/y, thay đổi trái chiều so với 3,3% và 2,7% của tháng 11. Về thị trường bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại nước này cùng tăng 0,4 m/m trong tháng 12 sau khi tăng lần lượt 0,2% và 0,8% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 0,5% và 0,6% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng 3,9% y/y trong tháng 12, thấp hơn mức tăng 4,1% của tháng 11. Về lĩnh vực xây dựng, số đơn cấp phép và số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng 12 lần lượt đạt 1,48 triệu đơn và 1,50 triệu căn, cùng tích cực hơn mức 1,46 triệu đơn và 1,33 triệu căn theo dự báo. Cuối cùng, về thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 11/01 ở mức 217 nghìn đơn, tăng lên từ mức 203 nghìn đơn của tuần trước đó và đồng thời vượt qua mức 210 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần ở mức 212,75 nghìn đơn, giảm 0,75 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước.

Nước Anh cũng ghi nhận nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS công bố GDP nước này tăng 0,1% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 0,1% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Sản lượng công nghiệp của nước Anh trong tháng 11 cũng ghi nhận mức giảm 0,4% m/m, nối tiếp đà giảm 0,6% của tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ 0,1%. Ở chiều ngược lại, sản lượng xây dựng tăng 0,4% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 0,3% ở tháng 10, khớp với dự báo của các chuyên gia. Cán cân thương mại hàng hóa Anh thâm hụt 19,3 tỷ GBP trong tháng 11, bằng với mức thâm hụt của tháng trước đó và lớn hơn mức thâm hụt 18,0 tỷ theo dự báo. Trong tháng 12, doanh số bán lẻ tại Anh cho thấy mức giảm 0,3% m/m sau khi tăng 0,1% ở tháng 11, trái với kỳ vọng tăng khá mạnh 0,4%. Cuối cùng, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 2,5% và 3,2% y/y trong tháng 12, cùng giảm tốc so với 2,6% và 3,5% của tháng trước đó, đồng thời cùng thấp hơn mức tăng 2,6% và 3,4% theo dự báo. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ của nước này đã giảm tốc mạnh từ mức 5,0% xuống còn 4,4% y/y trong tháng vừa qua, thấp hơn khá nhiều so với dự báo ở mức 4,9%.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 13/01 - 17/01/2025

Đọc thêm