Tổng quan:
CPI tháng 11 tăng 0,13%, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2024 khả thi.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội ngày 06/12 cho biết, chỉ số giá điện sinh hoạt, giá nhà ở thuê và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 11 tăng 2,65% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,77%.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2024 tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 2,77% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,69%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,36 đpt. Trong đó, chỉ số giá: nhóm lương thực tăng 12,91%, tác động làm CPI tăng 0,47 đpt; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng; nhóm thực phẩm tăng 2,61%, làm CPI chung tăng 0,56 đpt. Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 đpt, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,7%; chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,58%, tác động làm CPI tăng 0,48 đpt. Chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 11 tháng tăng 8,66% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,33%, tác động làm CPI chung tăng 0,4 đpt do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo lương cơ sở. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,98% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,37 đpt. Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,91%, tác động làm CPI chung tăng 0,09 đpt. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 11 tháng năm 2024 giảm 1,06% y/y do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu.
Tổng cục Thống kê tổng kết CPI từ đầu năm, so với tháng trước, CPI tháng 01/2024 tăng 0,31% do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. Sang tháng 02/2024, CPI tăng cao nhất 1,04% do là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, giá gạo, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới. Tháng 3/2024, CPI giảm 0,23% do nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Từ tháng 4/2024 đến tháng 7/2024, CPI liên tục tăng lần lượt so với tháng trước là 0,07%; 0,05%; 0,17% và 0,48%, chủ yếu do giá gạo, thịt lợn, xăng dầu, điện sinh hoạt và bảo hiểm y tế tăng. Sang tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng ổn định so với tháng trước. Tháng 9/2024, CPI tăng 0,29% chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3, số 4, hoàn lưu bão. Tháng 10/2024, CPI tăng 0,33% do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng. Tháng 11/2024, CPI tăng 0,13% do giá điện sinh hoạt, giá nhà ở thuê và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng. Trong 11 tháng năm 2024, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,24% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, ngược với năm 2023, CPI 5 tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao dần, từ mức 3,37% của tháng 1 lên mức cao nhất 4,44% vào tháng 5. Từ tháng 6 đến nay, mức tăng CPI có xu hướng giảm dần, từ mức tăng 4,34% của tháng 6/2024 xuống còn tăng 2,77% vào tháng 11/2024. Tính chung 11 tháng năm nay, CPI tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; giá dịch vụ y tế bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở.
Theo ý kiến của các chuyên gia, lạm phát trong năm 2024 của Việt Nam dự báo sẽ đạt ở dưới ngưỡng 4% nhưng cao hơn mức 3,5% của năm 2023. Nguyên nhân chính được cho là áp lực từ sự gia tăng giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu và trong nước, kết hợp với tác động của cơn bão số 3, khiến chi phí sản xuất và giá cả tiêu dùng trong nước tăng.
Tóm lược thị trường trong nước từ 02/12 - 06/12
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 02/12 - 06/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 2 phiên đầu và cuối tuần, các phiên còn lại tăng. Chốt ngày 06/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.255 VND/USD, tăng nhẹ 04 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 02/12 - 06/12 biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Kết thúc phiên 06/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.389, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm nhẹ trở lại. Chốt phiên 06/12, tỷ giá tự do tăng 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.690 VND/USD và 25.790 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 02/12 - 06/12, lãi suất VND LNH tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm dần trở lại. Chốt ngày 06/12, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,0% (+0,87 đpt); 1W 4,27% (+0,37 đpt); 2W 4,47% (-0,02 đpt); 1M 4,77% (-0,02 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 06/12, lãi suất USD LNH, giao dịch tại: ON 4,60% (không thay đổi); 1W 4,66% (-0,01 đpt); 2W 4,71% (không đổi) và 1M 4,76% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 02/12 - 06/12, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 30.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 30.000 tỷ đồng trúng thầu, có 53.999,85 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Có 12.375 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất từ 3,95-4,0%, có 8.100 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0% 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần giảm nhẹ xuống mức 3,99%. Có 3.950 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 40.524,85 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 30.000 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 36.605 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 04/12, KBNN đấu thầu thành công 2.800 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 31%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 1.000 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 1.000 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 800 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu. Riêng kỳ hạn 15Y gọi thầu 1.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5Y là 1,96% (+0,05 đpt so với phiên đấu thầu trước đó), 10Y là 2,68% (+0,02 đpt) và 30Y là 3,18% (+0,08 đpt).
Trong tuần này, ngày 11/12, KBNN dự kiến chào thầu 9.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y chào thầu 1.500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.030 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 16.072 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua phân hóa tăng ở các kỳ hạn 5Y trở lên trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại. Chốt phiên 06/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,84% (-0,01 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,85% (-0,01 đpt); 3Y 1,87% (-0,01 đpt); 5Y 2,0% (+0,03 đpt); 7Y 2,33% (+0,05 đpt); 10Y 2,80% (+0,04 đpt); 15Y 2,98% (+0,01 đpt); 30Y 3,18% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 02/12 - 06/12, thị trường chứng khoán tăng điểm tuần thứ 2 liên tiếp. Kết thúc phiên 06/12, VN-Index đứng ở mức 1.270,14 điểm, tăng mạnh 19,68 điểm (+1,57%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 4,29 điểm (+1,91%) lên mức 228,93 điểm; UPCom-Index nhích 0,07 điểm (+0,08%) đạt 92,81 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 17.000 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 12.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Mặc dù có vài phiên mua ròng trong tuần, chốt tuần khối ngoại vẫn bán ròng trên 1.262 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng, trong đó có báo cáo thị trường lao động tháng 11. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 48,4% trong tháng 11, tăng lên từ mức 46,5% của tháng 10 và đồng thời cao hơn mức 47,7% theo dự báo. Đây là mức PMI sản xuất cao nhất của nước Mỹ kể từ tháng 7 cho tới nay. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 52,1% trong tháng vừa qua, giảm từ mức 56,0% của tháng 10 và đồng thời thấp hơn khá nhiều so với dự báo ở mức 55,7%. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ tăng nhẹ 0,2% m/m trong tháng 10 sau khi giảm 0,2% ở tháng trước đó, khớp với con số được dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tháng 10 tăng khoảng 0,4% y/y. Tại thị trường lao động, trong tháng 10, nước Mỹ tạo ra 7,74 triệu cơ hội việc làm mới, cao hơn mức 7,37 triệu của tháng trước đó và đồng thời vượt qua mức 7,51 triệu theo dự báo. Tuy nhiên, con số trên chưa nói lên sự đảo chiều của xu hướng giảm theo thời gian, từ đỉnh 11,55 triệu ở tháng 03/2022. Trong tháng 11, Mỹ tạo ra 227 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, cao hơn mức 36 nghìn của tháng 10 và đồng thời cao hơn mức 218 nghìn theo dự báo. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng vừa qua vẫn tăng lên mức 4,2%, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 4,1% như kết quả thống kê tháng 10. Cuối cùng, thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng trước đó và cao hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. Báo cáo thị trường lao động tháng 11 giúp củng cố thêm niềm tin của thị trường rằng Fed có thể tiếp tục hạ LSCS trong cuộc họp sắp diễn ra ngày 18/12. Theo dự báo của CME, có 86% khả năng Fed cắt giảm LS 25 đcb trong cuộc họp sắp tới và chỉ có 14% khả năng giữ LS đi ngang ở mức 4,50% - 4,75%. Trong tuần này, thị trường tiếp tục chờ đợi báo cáo lạm phát tại Mỹ, cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi, được công bố vào tối ngày 11/12 theo giờ Việt Nam. Báo cáo này có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường về lộ trình cắt giảm LSCS của Fed, đồng thời về chỉ số đồng dolla Mỹ USD-Index trước thềm cuộc họp ngày 18/12.
Nước Úc đón các chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Văn phòng Thống kê Úc ABS công bố GDP nước này tăng 0,3% q/q trong quý 3 sau khi tăng nhẹ 0,2% ở quý trước đó, chưa đạt mức tăng 0,5% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2023, GDP Úc chỉ tăng khoảng 0,8% y/y trong quý vừa qua. Như vậy, nền kinh tế này đã tăng trưởng 12 quý liên tiếp, và đang có dấu hiệu giảm tốc kể từ tháng 09/2023. Tiếp theo, trong tháng 10, doanh số bán lẻ tại quốc gia này tăng 0,6% m/m, nối tiếp đà tăng 0,1% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,4% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ tháng 10 tăng khoảng 3,4% y/y. Số cấp phép xây dựng nhà trong tháng 10 cũng tăng 4,2% m/m sau khi tăng mạnh 5,8% ở tháng 9, cao hơn khá nhiều so với dự báo chỉ tăng 1,2%. So với cùng kỳ, số cấp phép trong tháng vừa qua tăng 6,1% y/y. Cuối cùng, theo thống kê của ABS, lợi nhuận các công ty tại Úc giảm 4,6% q/q trong quý 3, nối tiếp đà giảm mạnh 6,8% của quý 2 và trái với dự báo tăng nhẹ 0,6%. So với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp đã suy giảm khoảng 8,5% y/y.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 02/12 - 06/12/2024