Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 28/10 - 01/11/2024

17:23 05/11/2024

Tổng quan:

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 30/09, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%. Cụ thể, có 2.492 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt hơn 13,55 tỷ USD (tăng 11,3% so với cùng kỳ); có 1.027 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn ĐT (tăng 7,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 7,64 tỷ USD (tăng 48,1% so với cùng kỳ).

Tính lũy kế đến tháng 9/2024, cả nước có 41.314 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 491,71 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 314,5 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 298,7 tỷ USD (chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư); ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 71,5 tỷ USD (chiếm 14,5% tổng vốn ĐT); tiếp theo là ngành sản xuất, phân phối điện với gần 41,7 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn ĐT).

Về đối tác đầu tư, có 148 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 88,3 tỷ USD (chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư); Singapore đứng thứ hai với hơn hơn 81,1 tỷ USD (chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư); tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

Tổng kết hoạt động thu hút ĐTNN gần 40 năm qua, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực ĐTNN đóng góp tích cực cho KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong khi phần lớn khoản ĐT ban đầu là vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp, Việt Nam nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. 10 năm trước, ĐTNN vào các ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng 30-35% tổng vốn ĐT, giai đoạn 2019-2022 đã tăng lên 40-50%. Đặc biệt tính lũy kế đến năm 2023, tỷ lệ vốn đầu tư vào CN CBCT đã tăng lên gần 50%. Trong ba chân kiềng tăng trưởng kinh tế gồm ĐT, tiêu dùng và xuất khẩu, ĐTNN đang đóng góp quan trọng cho khu vực XK. Năm 1995, thị phần đóng góp cho XK Việt Nam của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lần lượt là 73% và 27%; sau 30 năm, tỷ lệ này đã đảo ngược. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch XK của doanh nghiệp ĐTNN đạt 257,2 tỷ USD, chiếm 72,52% kim ngạch XK của cả nước. Trong đó, doanh nghiệp ĐTNN góp mặt ở hầu hết nhóm hàng XK quan trọng của Việt Nam với nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên; đặc biệt, nắm 98-99% giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện... 9 tháng đầu năm 2024, DN có vốn ĐTNN XK 24,51 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng kim ngạch XK cả nước.

Để phát triển cả chiều rộng và chiều sâu của hoạt động ĐTNN, Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ ban hành tháng 6/2022 đã đề ra một số mục tiêu cụ thể: (i) nâng cao tỷ lệ vốn ĐTNN đăng ký của châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines; và Châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; cùng với đó, tăng ĐT của Hoa Kỳ 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 – 2030; (ii) tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam; (iii) đến năm 2030, nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới; hỗ trợ DN trong nước đánh giá, lựa chọn và tiếp nhận công nghệ được chuyển giao từ DN ĐTNN, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ và phù hợp với mục tiêu phát triển công nghệ quốc gia trong từng giai đoạn.

Tóm lược thị trường trong nước từ 28/10 - 01/11

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 28/10 - 01/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ ở hầu hết các phiên, chỉ giảm nhẹ phiên cuối tuần. Chốt ngày 01/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.242 VND/USD, giảm 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 28/10 - 01/11 biến động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 01/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.294, giảm 82 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 01/11, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.690 VND/USD và 25.790 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 28/10 - 01/11, lãi suất VND LNH tăng mạnh 2 phiên đầu tuần rồi giảm dần trở lại sau đó. Chốt ngày 01/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,97% (0,05 đpt); 1W 4,20% (+0,17 đpt); 2W 4,30% (+0,08 đpt); 1M 4,37% (+0,07 đpt).

Lãi suất USD LNH trong tuần vẫn ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 01/11, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó ở các kỳ hạn ngắn và giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, giao dịch tại: ON 4,83%; 1W 4,88%; 2W 4,91% và 1M 4,93%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 28/10 - 01/11, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 34.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 33.999,91 tỷ đồng trúng thầu, có 13.014,57 đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kỳ hạn 14 ngày có 15.600 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất biến động từ 3,70% xuống 3,75%, phiên cuối tuần ở mức 3,70%; kỳ hạn 28 ngày có 7.950 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 4 phiên đầu tuần ở mức 3,99%, phiên cuối tuần giảm xuống mức 3,90%. 

Như vậy, NHNN bơm ròng 1.835,43 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 33.999,91 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 86.100 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu: Ngày 30/10, KBNN đấu thầu thành công 3.470 tỷ đồng/11.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 32%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 2.320 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 1.000 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu và 30Y huy động được 150 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15Y gọi thầu 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở tất cả các kỳ hạn đều không thay đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể kỳ hạn 5Y là 1,89%, 10Y là 2,66%và 30Y là 3,10%.

Trong tuần này, ngày 06/11, KBNN dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11728 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 14089 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua đi ngang ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 1/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1.85% (0 đpt); 2Y 1.86% (0 đpt); 3Y 1.88% (0 đpt); 5Y 1.91% (0đpt); 7Y 2.19% (0 đpt); 10Y 2.7% (0 đpt); 15Y 2.9% (0 đpt); 30Y 3.16% (0 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 28/10 - 01/11, thị trường chứng khoán khá giao dịch lình xình, các chỉ số tăng – giảm đan xen. Kết thúc phiên 01/11, VN-Index đứng ở mức 1.254,89 điểm, tăng nhẹ 2,17 điểm (+0,17%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,78 điểm (+0,35%) lên 225,41 điểm; UPCom-Index nhích 0,14 điểm (+0,15%) đạt mức 91,96 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 15.800 tỷ đồng/phiên, giảm so nhẹ từ mức 16.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 7.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Kinh tế Mỹ ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ công bố GDP của nước này tăng 2,8% q/q trong quý 3 (công bố theo chuẩn báo cáo thường niên, q/q thể hiện thay đổi theo quý nhân hệ số 4), trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 3,0% như kết quả đạt được ở quý 2. Tiếp theo, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại nước này tăng 0,3% m/m trong tháng 9, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng trước đó và khớp với dự báo. PCE toàn phần trong tháng 9 cũng ghi nhận mức tăng 0,2% m/m, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 8. So với cùng kỳ năm 2023, PCE lõi tăng 2,7% trong tháng 9, không thay đổi so với kết quả thống kê tháng 8; và PCE toàn phần tăng 2,1%, giảm tốc nhẹ so với mức tăng 2,3% của tháng 8. Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 26/10 ở mức 216 nghìn đơn, giảm từ 227 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên 229 nghìn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 236,5 nghìn, giảm nhẹ 2,25 nghìn so với 4 tuần liền trước. Trong tháng 10, nước Mỹ tạo ra 12 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, thấp hơn rất nhiều so với mức 223 nghìn của tháng 9 và đồng thời thấp hơn mức 106 nghìn theo dự báo. Đây là tháng tạo ra ít việc làm nhất mà nước Mỹ ghi nhận kể từ tháng 12/2020. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ trong tháng 10 duy trì ở mức 4,1%, không thay đổi so với kết quả thống kê tháng 9 và cũng khớp với dự báo. Thu nhập bình quân theo giờ tại Mỹ trong tháng vừa qua tăng 0,4% m/m, cao hơn so với kỳ dự báo tiếp tục tăng 0,3% m/m như kết quả đạt được ở tháng 9. Cuối cùng, hãng Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tăng manh lên 108,7 điểm trong tháng 10 từ mức 99,2 điểm của tháng 9, vượt nhiều so với kỳ vọng ở 99,5 điểm. Trong tuần này, thị trường quốc tế chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố ngày 05/11. Ngay sau đó, Fed sẽ nhóm họp trong hai ngày 05-06/11. Kết quả của cuộc họp được công bố sáng sớm ngày 07/11 theo giờ Việt Nam.

NHTW Nhật Bản BOJ không thay đổi LSCS tại cuộc họp tháng 10. Trong cuộc họp ngày 31/10, BOJ hạ dự báo lạm phát năm 2025 xuống còn 1,9%, thấp hơn mức 2,1% đã đưa ra trong tháng 9, đồng thời thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 2,0% mà cơ quan này theo đuổi. Bên cạnh đó, BOJ cũng giữ LSCS ở mức 0,25% tại cuộc họp lần này, không có sự thay đổi so với trước. Thống đốc của BOJ, ông Kazuo Ueda cho biết cơ quan này chưa có ý tưởng cụ thể về thời điểm tăng LSCS tiếp theo. BOJ sẽ tiếp tục xem xét kỹ lượng dữ liệu tại mỗi cuộc họp và cập nhật quan điểm khi đưa ra quyết định về chính sách. Trong năm nay, BOJ đã chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3 (sau 17 năm) và tiếp tục tăng LSCS vào tháng 7. NHTW này được kỳ vọng sẽ có một đợt tăng LSCS nữa trong tháng 12 năm nay hoặc tháng 01/2025, lên mức 0,5%. Liên quan tới kinh tế Nhật Bản, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 1,4% m/m trong tháng 9 sau khi giảm 3,3% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 10,9% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp tháng 9 vẫn có mức giảm 2,8% y/y. Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại Nhật tăng 0,5% y/y trong tháng 9, giảm tốc nhiều so với mức tăng 3,1% ở tháng 8, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,1% theo dự báo.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 28/10 - 01/11/2024

Đọc thêm