Tổng quan:
Tính tới hết quý 3/2024, KBNN đã huy động được gần 70% kế hoạch phát hành TPCP năm 2024.
Ngày 09/10, KBNN vừa thông báo kế hoạch đấu thầu TPCP trong quý 4/2024 với tổng mức phát hành là 128.000 tỷ đồng, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Cụ thể, khối lượng dự kiến theo kỳ hạn bao gồm: kỳ hạn 5 năm là 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 53.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 48.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm và 30 năm đều ở mức 6.000 tỷ đồng.
Trước đó, KBNN đã thông báo kế hoạch phát hành 150.000 tỷ đồng TPCP trong quý 3/2024, 120.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý 2/2024 và 127.000 tỷ đồng TPCP trong quý 1/2024. Tổng khối lượng kế hoạch huy động TPCP cả năm 2024 là 400.000 tỷ đồng. Năm 2024, Bộ Tài chính không cấp bảo lãnh cho trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Trong tháng 9/2024, KBNN đã tổ chức 18 phiên đấu thầu TPCP với tổng giá trị gọi thầu là 50.150 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 66,5%. KBNN gọi thầu các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, và 30 năm với kỳ hạn 10 năm và 15 năm chiếm phần lớn giá trị trúng thầu, lần lượt ở mức 22.150 tỷ đồng (chiếm 66%) và 8.550 tỷ đồng (chiếm 26%). Kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 30 năm lần lượt trúng thầu 700 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 28%), 395 tỷ đồng (tỷ lệ 39,5%), và 179 tỷ đồng (tỷ lệ 59,6%). Lãi suất huy động TPCP cuối tháng 9 có xu hướng giảm so với cuối tháng 8 tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm với mức giảm lần lượt là 0,03%/năm, 0,05%/năm và 0,04%/năm. Kỳ hạn 7 năm đã có phiên trúng thầu trong tháng 9 với lãi suất tăng nhẹ 0,03%/năm so với phiên trúng thầu gần nhất cuối tháng 3, trong khi kỳ hạn 30 năm có lãi suất trúng thầu không đổi so với tháng trước.
Tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ là 271.671 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm. Con số huy động TPCP đến hết quý 3 năm nay đã gần bằng toàn bộ khối lượng huy động được cả năm 2023 (298.476 tỷ đồng TPCP, đạt 74,6% kế hoạch năm 2023); kỳ hạn phát hành bình quân là 11,13 năm (năm 2023 là 12,58 năm); thời gian đáo hạn bình quân danh mục TPCP là 9,09 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,51%/năm (năm 2023 là 3,21%/năm).
Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết TPCP tại thời điểm 30/9/2024 đạt 2.171.028 tỷ đồng, tăng 1,18% so với tháng trước. Tổng giá trị giao dịch TPCP tháng 9 đạt 258.105 tỷ đồng, bình quân phiên đạt 13.584 tỷ đồng/phiên, tăng 23,01% so với tháng 8/2024. Trong đó, giá trị giao dịch Outright chiếm 57,06%, giá trị giao dịch Repos chiếm 42,94% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trong tháng 9 là kỳ hạn 10 năm, 25-30 năm, và 10-15 năm với tỷ trọng so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tương ứng là 26,03%, 16,49% và 15,90%. Lợi suất giao dịch bình quân của TPCP tăng nhiều nhất ở kỳ hạn 2 năm, hiện đang đạt mức lợi suất bình quân khoảng 2,0499%; giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 20-25 năm, 7-10 năm và 10 năm, hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 3,1627%; 2,5698% và 2,2091%. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 9 chiếm tỷ trọng 3,01% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, tăng 0,89% so với tháng 8. Trong tháng 9/2024, khối NHTM vẫn chiếm thị phần lớn, với tỷ trọng giá trị giao dịch Outright và Repos so với toàn thị trường tương ứng là 59,62% và 93,55%.
Trong báo cáo tổng kết 15 năm hoạt động của thị trường giao dịch TPCP riêng biệt, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội HNX cho biết, HNX sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau: (i) đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu mới, phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu đầu tư như các sản phẩm trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt (strip bond), trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát,… nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho NSNN và thu hút các nhà đầu tư hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; (ii) đa dạng hóa kỳ hạn phát hành, tập trung vào trái phiếu dài hạn (trên 5 năm) và linh hoạt với các kỳ hạn ngắn để tạo đường cong lãi suất tham chiếu đầy đủ; (iii) phát triển hạ tầng công nghệ giao dịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo đồng bộ với các quy định của các cơ quan quản lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường và sẵn sàng cho các sản phẩm mới; (iv) hoàn thiện và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường.
Tóm lược thị trường trong nước từ 14/10 - 18/10
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 14/10 - 18/10, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 18/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.213 VND/USD, tăng 38 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết tỷ giá bán giao ngay chốt ngày 18/10 ở mức 25.373 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 14/10 - 18/10 tăng mạnh ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 18/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.160, tăng rất mạnh 342 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do chỉ tăng nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 18/10, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.260 VND/USD và 25.360 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 14/10 - 18/10, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 18/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,73% (-0,49 đpt); 1W 2,96% (-0,49 đpt); 2W 3,24% (-0,38 đpt); 1M 3,67% (-0,23 đpt).
Lãi suất USD LNH trong tuần vẫn ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 18/10, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,83% (không đối); 1W 4,88% (-0,01 đpt); 2W 4,92% (không đổi) và 1M 4,94% (không đối).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 14/10 - 18/10, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn trong tuần qua.
Phiên cuối tuần trước, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kỳ hạn 14 ngày có 4.400 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 3,74%; kỳ hạn 28 ngày có 7.900 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 4,0%.
Như vậy, NHNN hút ròng 12.300 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố, có 12.300 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 16/10, KBNN đấu thầu thành công 7.851 tỷ đồng/11.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 71%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 6.860 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu và 30Y huy động được 491 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 7Y và 15Y lần lượt gọi thầu 500 tỷ và 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên đều không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở hầu hết các kỳ hạn đều không thay đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể kỳ hạn 5Y là 1,89%, 10Y là 2,66%và 30Y là 3,10%.
Trong tuần này, ngày 23/10, KBNN dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 30Y chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, 10Y chào thầu 6.000 tỷ đồng và 15Y 2.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.203 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 13.503 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua biến động nhẹ ở các kỳ hạn 5Y-30Y. Chốt phiên 18/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,85% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,86% (không đổi); 3Y 1,88% (không đổi); 5Y 1,90% (-0,003 đpt); 7Y 2,15% (+0,008 đpt); 10Y 2,67% (+0,01 đpt); 15Y 2,86% (+0,003 đpt); 30Y 3,17% (+0,002).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 14/10 - 18/10, các chỉ số trên thị trường chứng khoán giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên 18/10, VN-Index đứng ở mức 1.285,46 điểm, giảm nhẹ 2,93 điểm (-0,23%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 2,16 điểm (-0,93%) còn 229,21 điểm; UPCom-Index nhích 0,10 điểm (+0,11%) lên mức 92,70 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 16.600 tỷ đồng/phiên, tương đương mức 16.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 2.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Kinh tế Mỹ ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ công bố doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi tại nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,5% m/m trong tháng 9 sau khi cùng tăng 0,1% ở tháng trước đó, mạnh hơn so với dự báo lần lượt tăng 0,3% và 0,1%. So cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tăng khoảng 1,7% y/y. Về lĩnh vực sản xuất, sản lượng công nghiệp tại Mỹ trong tháng 9 giảm 0,3% m/m sau khi tăng 0,3% ở tháng 8, sâu hơn mức giảm 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp của tháng 9 cho thấy mức giảm 0,6% y/y. Tiếp theo, tại thị trường xây dựng, số cấp phép xây nhà tại Mỹ đạt mức 1,43 triệu căn trong tháng 9, giảm nhẹ từ mức 1,47 triệu căn của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 1,45 triệu căn theo dự báo. Bên cạnh đó, số nhà khởi công trong tháng vừa qua đạt 1,35 triệu căn, giảm nhẹ so 1,36 triệu căn của tháng 8 và khớp với kỳ vọng. Cuối cùng, ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 12/10 ở mức 241 nghìn đơn, giảm xuống từ 260 nghìn đơn của tuần trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 236,25 nghìn đơn, tăng khoảng 4,75 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước.
NHTW Châu Âu ECB có đợt hạ LSCS thứ 3 trong năm 2024, ngoài ra khu vực Eurozone cũng đón các thông tin kinh tế quan trọng. Trong cuộc họp ngày 17/10, ECB cho biết lạm phát tại khu vực Eurozone dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, trước khi giảm xuống mục tiêu trong năm 2025. Lạm phát dường như vẫn có thể đi lên do tốc độ tăng trưởng tiền lương đang cao. Tuy nhiên, áp lực tiền lương lên lạm phát có thể sẽ giảm dần do lợi nhuận yếu kém của các doanh nghiệp. ECB quyết tâm đưa lạm phát về mục tiêu 2,0% một cách kịp thời, và sẽ giữ LSCS ở mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết để đạt được mục tiêu này. ECB quyết định giảm 25 đcb đối với cả 3 loại LSCS, theo đó LS cho vay tái cấp vốn, LS cho vay cận biên và LS tiền gửi tại ECB lần lượt xuống còn 3,25%; 3,40% và 3,65%. ECB cũng sẽ theo dõi các dữ liệu về kinh tế và lạm phát trong tương lai để đưa ra những quyết định CSTT tiếp theo. Liên quan đến kinh tế Eurozone, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại khu vực này chính thức tăng 2,7% y/y trong tháng 9, không có sự thay đổi so với kết quả thống kê sơ bộ. Tuy nhiên, CPI toàn phần tháng vừa qua được công bố chính thức tăng 1,7% y/y, điều chỉnh giảm nhẹ từ mức 1,8% theo kết quả trước đó. Tiếp theo, cán cân thương mại tại Eurozone ghi nhận thặng dư 11,0 tỷ EUR trong tháng 8, thấp hơn mức 13,7 tỷ của tháng 7, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức thặng dư 17,8 tỷ theo kỳ vọng. Cuối cùng, tại nước Đức, tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại nước này ở mức 13,1 điểm trong tháng 10, tăng lên từ mức 3,6 điểm của tháng trước và đồng thời vượt qua mức 10,2 điểm theo dự báo. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức niềm tin thấp thứ hai kể từ đầu năm nay.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 14/10 - 18/10/2024