Tổng quan:
Các NHTW lớn trên thế giới trong tháng 9 đang có những động thái CSTT khác nhau, phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô của từng quốc gia, khu vực. Fed và ECB đang hạ LSCS khá nhanh, trong khi BOE cắt giảm một cách thận trọng, còn BOJ có thể tiếp tục quá trình tăng LSCS.
Đầu tiên, về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong cuộc họp ngày 17-18/09, cơ quan này quyết định hạ mạnh LSCS khi đã yên tâm về lạm phát nhưng quan ngại về những rủi ro trên thị trường lao động. Cụ thể, Fed dự báo PCE toàn phần cuối 2024 và 2025 lần lượt ở 2,3% và 2,1% y/y (lần lượt -0,3 đpt và -0,2 đpt so dự báo hồi tháng 6). PCE lõi cuối 2024 và 2025 được dự báo lần lượt ở 2,6% và 2,2% (lần lượt -0,2 đpt và +0,1 đpt). Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp thời điểm kết thúc 2024 và 2025 được dự báo cùng ở mức 4,4% (lần lượt +0,4 đpt và + 0,2 đpt). Fed cho biết đã có thêm cơ sở để tin rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2,0%, bên cạnh đó những rủi ro giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đang tương đối cân bằng. Theo đó, Fed quyết định cắt giảm LSCS 50 đcb, từ mức 5,50% xuống còn 5,0%. Biểu đồ Dot-plot của Fed trong cuộc họp cũng cho thấy LSCS cuối 2024 có thể về khoảng 4,50% và tiếp tục xuống còn 3,50% ở 2025 (cùng giảm 0,7 đpt so với dự báo trước).
Về khu vực Eurozone, NHTW Châu Âu (ECB) cũng đã hạ LSCS 2 lần khi lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế khu vực suy yếu. Ngày 12/09, ECB dự báo lạm phát trung bình 2024 là khoảng 2,5%, 2025 xuống còn 2,2% và 2026 xuống còn 1,9%. Bên cạnh đó, lạm phát lõi cũng được kỳ vọng sẽ giảm nhanh chóng, từ 2,9% trong năm 2024 xuống 2,3% năm 2025. Về kinh tế, ECB dự báo GDP khu vực Eurozone chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, tăng tốc lên 1,3% vào 2025, đều thấp hơn so với dự báo trước đây, do nhu cầu trong khu vực yếu hơn so với dự kiến. Theo đó, ECB quyết định hạ LS cho vay tái cấp vốn và LS cho vay cận biên 60 đcb, lần lượt xuống còn 3,65% và 3,90%. LS tiền gửi tại ECB được hạ 25 đcb, xuống còn 3,50%. Như vậy, ECB đã có lần hạ LSCS lần thứ 2 trong năm 2024, sau lần cắt giảm đầu tiên với chỉ 25 đcb mỗi loại ở cuộc họp tháng 6.
Tiếp theo, NHTW Anh BOE giữ thái độ thận trọng trong tháng 9 khi chưa yên tâm hoàn toàn về lạm phát. Trong cuộc họp ngày 20/09, BOE cho biết lạm phát tại nước Anh đã về mức 2,2% trong tháng 8, gần với mục tiêu 2,0%. Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ (lĩnh vực chiếm khoảng 80% nền kinh tế) vẫn ở mức cao, khoảng 5,6% trong tháng 8, mở rộng hơn so với mức 5,2% của tháng 7. NHTW này nhận định cần phải giữ lạm phát ở mức thấp, và không cắt giảm lãi suất quá nhanh hoặc quá nhiều. Theo đó, bất chấp các NHTW lớn khác là Fed và ECB đã hạ mạnh LSCS, BOE vẫn giữ LSCS ở mức 5,0% trong cuộc họp vừa qua, chững lại sau khi hạ LSCS 25 đcb lần đầu tiên ở cuộc họp tháng 8.
Cuối cùng, tại Nhật Bản, NHTW BOJ của nước này cũng chững lại trong quá trình nâng LSCS, nhằm quan sát thêm tác động của đợt nâng LSCS trước đó đối với nền kinh tế. Trong cuộc họp cuối tuần qua 20/09, BOJ nhận định nền kinh tế đang đi đúng hướng và các dữ liệu cho thấy tiêu dùng khu vực tư nhân đang trong xu hướng tăng nhẹ, bất chấp ảnh hưởng của giá cả đi lên và các yếu tố khác. Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhấn mạnh rằng BOJ sẵn sàng tăng lãi suất thêm nếu lạm phát duy trì xu hướng đạt mục tiêu 2% một cách bền vững như dự báo. Quan điểm này của BOJ có vẻ đi ngược lại với một số NHTW lớn khác trên thế giới, vốn đang bước vào chu kỳ nới lỏng.
Tóm lược thị trường trong nước từ 16/09 - 20/09
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 16/09 - 20/09, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở 3 phiên đầu tuần và giảm trở lại ở 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 20/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.172 VND/USD, giảm 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết tỷ giá bán giao ngay chốt ngày 13/09 ở mức 25.330 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 16/09 - 20/09 tiếp tục biến động giảm mạnh. Kết thúc phiên 20/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.610, tăng 57 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do. Chốt phiên 20/09, tỷ giá tự do giảm 35 đồng ở chiều mua vào và giảm 15 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.965 VND/USD và 25.065 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 16/09 - 20/09, lãi suất VND LNH giảm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống, riêng kỳ hạn ON tăng nhẹ. Chốt ngày 20/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,54% (+0,10 đpt); 1W 3,73% (-0,03 đpt); 2W 3,83% (-0,14 đpt); 1M 4,03% (-0,36 đpt).
Lãi suất USD LNH trong tuần giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 20/09, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,84% (-0,47 đpt); 1W 4,89% (-0,45 đpt); 2W 4,95% (-0,43 đpt) và 1M 4,97% (-0,43 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 16/09 - 20/09, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng, lãi suất giảm xuống còn 4,0% kể từ phiên ngày 16/09 từ mức 4,25% ở cuối tuần trước đó. Có 1.511,60 tỷ đồng trúng thầu, có 8.833,45 tỷ đáo hạn trong tuần qua.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, NHNN hút ròng 7.321,85 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.511,60 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành.
Thị trường trái phiếu: Ngày 18/09, KBNN đấu thầu thành công 8.030 tỷ đồng/11.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 70%. Trong đó, kỳ hạn 5Y và 30Y huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu mỗi kỳ hạn. Kỳ hạn 7Y huy động được 230 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được 4.500 tỷ đồng/6.500 tỷ đồng và 15Y huy động được 2.300 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,95% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 7Y là 2,05% (+0,03 đpt), 10Y là 2,68% (-0,03 đpt), 15Y 2,88% (-0,02 đpt) và 30Y 3,10%, (không đổi).
Trong tuần này, ngày 25/09, KBNN dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10Y chào thầu 5.000 tỷ đồng, 15Y 3.000 tỷ đồng và 30Y chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.528 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 10.335 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 20/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,85% (- 0,01 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,87% (-0,01 đpt); 3Y 1,89% (-0,01 đpt); 5Y 1,95% (-0,004 đpt); 7Y 2,16% (-0,05 đpt); 10Y 2,67% (-0,04 đpt); 15Y 2,87% (-0,02 đpt); 30Y 3,17% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 16/09 - 20/09, các chỉ số trên thị trường chứng khoán chủ yếu dao động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 20/09, VN-Index đứng ở mức 1.251,71 điểm, tăng 20,33 điểm (+1,62%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,88 điểm (+0,81%) lên 234,30 điểm; UPCom-Index tăng 0,68 điểm (+0,73%) lên 93,63 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 17.244 tỷ đồng/phiên, tăng khá mạnh từ mức 13.140 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng 387 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần vừa qua. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ công bố doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ tăng 0,1% m/m trong tháng 8 sau khi tăng 0,4% ở tháng trước đó, gần khớp với dự báo tăng 0,2%. Doanh số bán lẻ toàn phần trong tháng vừa qua cũng ghi nhận tăng 0,1% m/m, giảm tốc mạnh so với mức tăng 1,1% của tháng 7, trái với dự báo giảm nhẹ 0,2%. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,8% m/m trong tháng 8 sau khi giảm 0,9% ở tháng 7, vượt qua kỳ vọng tăng 0,2% của các chuyên gia. Ở lĩnh vực bất động sản, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt đạt 1,48 triệu đơn và 1,36 triệu căn trong tháng 8, cùng tăng so với 1,41 triệu đơn và 1,24 triệu căn của tháng 7, đồng thời cùng cao hơn so với 1,41 triệu đơn và 1,34 triệu căn theo dự báo. Doanh số bán nhà cũ tại Mỹ ghi nhận mức 3,86 triệu căn trong tháng 8, giảm nhẹ so với 3,96 triệu căn của tháng 7 và cũng thấp hơn mức 3,92 triệu căn theo dự báo. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 14/09 ở mức 219 nghìn đơn, giảm xuống từ 231 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 230 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 227,5 nghìn đơn, giảm 3,5 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước. Trong tuần này, nước Mỹ chờ đợi dữ liệu chính thức về GDP trong quý 2, được công bố vào tối ngày 26/09 theo giờ Việt Nam.
Nước Anh cũng đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 2,2% y/y trong tháng 8, không thay đổi so với kết quả thống kê tháng 7 và khớp với dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi trong tháng vừa qua tăng 3,6% y/y, cao hơn so với mức 3,3% ở tháng 7 và cũng khớp với dự báo. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần tại Anh giảm 0,5% m/m trong tháng 8, sâu hơn đà giảm của tháng trước đó đồng thời là dự báo ở mức 0,3%. So với cùng kỳ năm 2023, PPI toàn phần tại Anh vẫn tăng nhẹ khoảng 0,2% y/y. Ở thị trường bất động sản, giá nhà bình quân tại nước Anh tăng lên 370,8 nghìn GBP/căn trong tháng 8, tương đương tăng 0,8% m/m, sau khi khi giảm 1,5% ở tháng 7. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại nước Anh tăng 1,0% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,7% ở tháng 7, mạnh hơn so với mức tăng chỉ 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ tại Anh tăng 2,5% y/y.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 16/09 - 20/09/2024