Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 15/07 - 19/07/2024

08:24 22/07/2024

Tổng quan:

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 trải qua nhiều phiên tăng giảm đan xen, nhưng nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi so với năm 2023, được nhận định tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm nay.

Theo số liệu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố, tính đến ngày giao dịch cuối tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm 2023, chỉ số HNX-Index đạt 237,59 điểm, tăng 2,8%. Mặc dù có sự điều chỉnh giảm vào tháng 4 nhưng nhìn chung xu hướng chính vẫn là tăng giá. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tại ngày 28/6/2024 đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Tính đến hết tháng 6/2024, thị trường có 729 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 878 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 2.176 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2023.

Về giao dịch trên thị trường, thanh khoản thị trường liên tục tăng trong quý I/2024 với giá trị giao dịch bình quân đạt 23.895 tỷ đồng/phiên, tăng 35,5% so với bình quân năm 2023. Thanh khoản thị trường tháng 4 giảm so với các tháng quý I/2023, tuy nhiên đã hồi phục trở lại từ tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với bình quân năm 2023.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư trên TTCK tính đến hết tháng 6/2024 đạt hơn 8 triệu tài khoản, tăng 10,32% so với cuối năm 2023. Trong đó, số lượng tài khoản NĐT trong nước ước đạt trên 7,998 triệu tài khoản, tăng 10,37% so với cuối năm 2023, số lượng tài khoản NĐTNN đạt 46.532 tài khoản, tăng 2,53% so với cuối năm 2023. Trung bình, mỗi tháng có 125.410 tài khoản mở mới trên TTCK trong 6 tháng qua.

Tuy nhiên, TTCK chứng kiến những động thái thận trọng của NĐTNN khi tính chung 6 tháng đầu năm, NĐTNN bán ròng 52.548 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, đặc biệt trong tháng 5, hoạt động bán ròng của NĐTNN diễn ra mạnh nhất với giá trị bán ròng đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, áp lực bán ròng của khối ngoại từ năm 2023 đến nay chủ yếu do ảnh hưởng của sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ là 5,25-5,50% và Việt Nam là 4,5%, khiến cho việc nắm giữ USD là một lợi thế về mặt tỷ giá, cộng với tính hấp dẫn của làn sóng đầu tư vào cổ phiếu công nghệ tại Mỹ và diễn biến chung của các chỉ số chứng khoán tại Mỹ có phần hấp dẫn hơn so với thị trường Việt Nam.

Về triển vọng 6 tháng cuối năm, nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định, xu hướng tích cực dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong các quý cuối năm 2024 nhờ các động lực: (i) kết quả kinh doanh của DN được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các DN xuất khẩu và tiêu dùng; (ii) Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; (iii) chính sách đẩy mạnh ĐTC của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (iv) quyết tâm của chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, TTCK nửa cuối năm vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, khó khăn như nguy cơ về tỷ giá, về lạm phát trong nước; những bất ổn về địa chính trị và kinh tế toàn cầu: căng thẳng gia tăng tại Biển Đỏ, Trung Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn những rủi ro khó lường; cạnh tranh từ những kênh đầu tư khác như USD (tăng xấp xỉ gần 5% từ đầu năm đến cuối tháng 6), giá vàng (giá vàng thế giới tăng rất mạnh khoảng 24% trong 6 tháng vừa qua).

Tóm lược thị trường trong nước từ 15/07 - 19/07

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 15/07 - 19/07, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Chốt ngày 19/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.246 VND/USD, chỉ giảm 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 15/07 - 19/07 có xu hướng giảm. Kết thúc phiên 19/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.318 VND/USD, giảm mạnh 95 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do giảm đầu tuần qua, tuy nhiên đã tăng trở lại phiên cuối tuần. Chốt phiên 19/07, tỷ giá tự do tăng 15 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.670 VND/USD và 25.750 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 15/07 - 19/07, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm đan xen với tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 19/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,54% (+0,04 đpt); 1W 4,64% (+0,03 đpt); 2W 4,78% (+0,04 đpt); 1M 4,96% (-0,01 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 19/07, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,30% (+0,01 đpt); 1W 5,35% (+0,01 đpt); 2W 5,40% (+0,01 đpt) và 1M 5,43% (không thay đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 15/07 - 19/07, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 35.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 34.304,39 tỷ đồng trúng thầu, có 50.552,23 tỷ đồng đáo hạn tuần qua.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 48.100 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,50%; có 77.450 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua. 

Như vậy, NHNN bơm ròng 13.102,16 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 34.304,39 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành còn 81.750 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 17/07, KBNN gọi thầu thành công 9.050 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tương ứng tỷ lệ trúng thầu đạt 75%. Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được 6.800 tỷ đồng/8.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15Y huy động được 1.750 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 20Y huy động thành công toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10Y là 2,76% (+0,02 đpt so với phiên đấu thầu trước), 15Y là 2,95% (không đổi), 20Y là 2,98% (+0,12 đpt).

Trong tuần này, ngày 24/07, KBNN dự kiến chào thầu 11.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y chào thầu 7.000 tỷ đồng, 15Y 3.000 tỷ đồng và 20Y chào thầu 1.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.411 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 9.109 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua biến động giảm nhẹ ở các kỳ hạn từ 5Y-15Y. Chốt phiên 19/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,87% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,89% (không đổi); 3Y 1,91% (không đổi); 5Y 1,98% (-0,001 đpt); 7Y 2,29% (-0,01 đpt); 10Y 2,79% (-0,003 đpt); 15Y 2,95% (-0,005 đpt); 30Y 3,19% (không đổi).

Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 15/07 - 19/07, trên thị trường chứng khoán, áp lực giảm điểm chiếm ưu thế. Chốt phiên 19/07, VN-Index đứng ở mức 1.264,78 điểm, giảm 15,97 điểm (-1,25%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 4,11 điểm (-1,68%) còn 240,91 điểm; UPCom-Index giảm 1,27 điểm (-1,29%) về mức 96,87 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt trên 20.600 tỷ đồng/phiên, tương tự với mức 20.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh khoảng 3.325 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng trong tuần qua. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết doanh số bán lẻ lõi tại quốc gia này tăng 0,4% m/m trong tháng 6 sau khi tăng 0,1% m/m ở tháng 5, vượt qua dự báo chỉ tăng nhẹ 0,1% của các chuyên gia. Doanh số bán lẻ toàn phần tại nước Mỹ đi ngang trong tháng vừa qua (0,0% m/m) sau khi tăng 0,3% ở tháng 5, trái với dự báo suy giảm 0,3%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng 2,28% y/y trong tháng 6, giảm tốc từ mức tăng 2,59% của tháng 5. Tại lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt đạt 1,45 triệu đơn và 1,35 triệu căn trong tháng 6, cùng tăng lên so với mức 1,40 triệu đơn và 1,31 triệu căn của tháng 5, đồng thời cùng cao hơn mức 1,40 triệu đơn và 1,30 triệu căn theo dự báo. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,6% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 0,9% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng khoảng 1,58% y/y trong tháng vừa qua, cao hơn mức tăng 0,34% ghi nhận ở tháng 5. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 13/07 ở mức 243 nghìn đơn, tăng từ mức 223 nghìn của tuần trước đó và vượt qua mức 229 nghìn đơn theo dự báo. Trong tuần này, thị trường chờ đợi kết quả thống kê GDP sơ bộ Q2 của Mỹ, được công bố vào tối ngày 25/07. GDP Q2 được dự báo tăng 1,9% q/q, cao hơn mức tăng 1,4% của quý đầu năm. Tiếp đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi (thước đo lạm phát được Fed quan tâm) cũng được công bố vào tối ngày 26/07 theo giờ Việt Nam. PCE lõi được dự báo tăng 0,2% m/m trong tháng 6 sau khi tăng 0,1% ở tháng 5.

NHTW Châu Âu ECB không thay đổi LSCS trong cuộc họp tháng 7, ngoài ra khu vực Eurozone cũng đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong cuộc họp ngày 18/07, ECB nhận định tốc độ tăng trưởng tiền lương tại khu vực Eurozone vẫn mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone mặc dù vẫn đang cho thấy giảm tốc, song vẫn có một số loại giá hàng hóa và dịch vụ còn ở mức cao. Hội đồng Điều hành của ECB quyết tâm đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu 2,0% trong trung hạn một cách kịp thời. Theo đó, cơ quan này sẽ giữ LSCS ở mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết để đạt được mục tiêu trên. Trong cuộc họp lần này, ECB quyết định không thay đổi LSCS, giữ LS tái cấp vốn, LS cho vay cận biên và LS tiền gửi tại ECB lần lượt ở mức 4,25%; 4,75% và 3,75%. Những quyết định tiếp theo về LSCS sẽ được ECB dựa vào dữ liệu kinh tế và lạm phát ở thời gian tới. ECB không cam kết một lộ trình cụ thể nào về điều hành CSTT trong tương lai. Liên quan đến kinh tế Eurozone, sản lượng công nghiệp tại khu vực này giảm 0,6% m/m trong tháng 5 sau khi đi ngang (0,0% m/m) ở tháng trước đó, tuy nhiên chưa sâu như dự báo giảm 0,9%. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp Eurozone suy giảm 2,9% y/y. Tiếp theo, tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại Eurozone chỉ đạt mức 43,7 điểm trong tháng 7, giảm mạnh từ mức 51,3 điểm của tháng 6 và đồng thời xuống sâu hơn mức 48,1 điểm theo dự báo. Đây là mức niềm tin thấp nhất tại khu vực này trong vòng 4 tháng trở lại đây, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với mức trung tính (0 điểm). Cuối cùng, Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone chính thức tăng 2,5% và 2,9% y/y trong tháng 6, không điều chỉnh so với kết quả thống kê sơ bộ.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 15/07 - 19/07/2024

Đọc thêm