Tổng quan:
NHNN thực hiện một loạt biện pháp quyết liệt để quản lý thị trường vàng.
Sau khi tổ chức một số phiên đấu thầu vàng miếng nhưng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, từ phiên đầu tuần qua, 03/06, NHNN bắt đầu bán vàng miếng SJC cho người dân thông qua kênh của 4 NHTMNN gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Công ty SJC. Điểm khác biệt giữa SJC với các NHTM ở chỗ, các ngân hàng chỉ bán ra không mua vào còn Công ty SJC có thể tham gia thị trường ở cả 2 chiều cả mua lẫn bán. 5 tổ chức này chỉ bán vàng miếng với giá điều hành cho cá nhân, không phục vụ doanh nghiệp, tổ chức. NHNN cho biết, việc bán vàng này nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, nhằm giảm dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không vì mục tiêu lợi nhuận của các tổ chức tham gia; xác định thực chất nhu cầu về vàng của người dân, tránh đầu cơ, lũng đoạn, làm giá…
Tuần qua, đều đặn hàng sáng, NHNN thông báo giá bán vàng miếng cho 4 NHTMNN và Công ty SJC. Giá công bố phiên thứ Hai ngày 03/06 ở mức 78.980.000 đồng/lượng; giá giảm dần đều 1.000.000 đồng các phiên sau đó, 2 phiên cuối tuần ở mức 75.980.000 đồng/lượng. Các mức giá này cho thấy NHNN tham chiếu mức giá của thị trường nội địa để quyết định giá bán vàng ra, chứ không bán vàng theo giá thế giới. Các NHTMNN và Công ty SJC bán ra cho người dân với giá cao hơn 1.000.000 đồng so với giá công bố của NHNN.
Nghiệp vụ này của NHNN trong tuần qua đã có tác động ngay đến giá vàng trong nước. Ngoài yếu tố ảnh hưởng tâm lý dẫn đến tự thị trường đã điều chỉnh giảm mạnh ngay trước khi chính thức bán vàng, các cửa hàng vàng đã phải điều chỉnh giá vàng bán ra giảm xuống ngang với mức giá bán tại các NHTM chiều hôm trước. Kết quả, sau 5 ngày mở bán vàng miếng tại 4 NHTMNN và Công ty SJC, giá vàng miếng SJC đã giảm tổng cộng 4 triệu đồng/lượng. Tính từ vùng giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng SJC đã mất hơn 15 triệu đồng. Giá vàng SJC trong nước chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng gần 6 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, giải pháp này của NHNN là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới. Mặc dù vậy, có ý kiến còn cho rằng, tâm lý thị trường cũng có thể đảo chiều nếu như giá vàng dần giảm xuống tiệm cận với giá thế giới, vì khi đó sẽ lại có thể xuất hiện làn sóng “bắt đáy”, có thể người dân sẽ tiếp tục đổ dồn mua vàng. Đây là một ý kiến mà NHNN cũng cần quan tâm, cần chuẩn bị các phương án xử lý nếu hiện tượng này xảy ra.
Ngoài các biện pháp nghiệp vụ để quản lý thị trường vàng, mới đây, ngày 05/06/2024, NHNN cũng đã ban hành một loạt công văn gửi các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để quản lý thị trường vàng.
Cụ thể: Tại văn bản số 4695/NHNN-QLNH, NHNN đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp triển khai các nội dung sau: Thực hiện các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ về ngoại hối và vàng; đặc biệt là các hoạt động về thu đổi ngoại tệ; nhận và chi trả ngoại tệ; chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai không đúng quy định; các hoạt động mua, bán vàng miếng của các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng; phối hợp xử lý mạnh các vụ việc, trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ và vàng qua biên giới để cùng NHNN kịp thời triển khai phương án quản lý thị trường ngoại hối và vàng hiệu quả.
Tại văn bản số 4696/NHNN-QLNH, Thống đốc NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Công an, Quản lý thị trường, Thuế …) trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và vàng.
Tại văn bản số 4697/NHNN-QLNH, Thống đốc NHNN đề nghị UBNN các tỉnh, TP phối hợp triển khai các nội dung chính sau: phối hợp quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng; không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng về tỷ giá và giá vàng; phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt các doanh nghiệp kinh doanh vàng…
Ngày 09/06, tại cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do NHNN tổ chức, đại diện NHNN cho hay, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành CSTT, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến điều hành CSTT, đến KTVM, tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào SX - KD.
Tóm lược thị trường trong nước từ 03/06 - 07/06
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 03/06 - 07/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm. Chốt ngày 07/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.241 VND/USD, giảm 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 03/06 - 07/06 tiếp tục giảm nhẹ. Kết thúc phiên 07/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.400 VND/USD, giảm 41 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên 07/06, tỷ giá tự do giảm 195 đồng ở chiều mua vào và 185 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.580 VND/USD và 25.670 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 03/06 - 07/06, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm ở kỳ hạn 1M. Chốt ngày 07/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,10% (+1,17 đpt); 1W 4,38% (+0,68 đpt); 2W 4,52% (+0,07 đpt); 1M 4,83% (-0,17 đpt).
Lãi suất USD LNH ít biến động trong tuần qua. Phiên 07/06, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,30% (+0,01 đpt); 1W 5,35% (+0,01 đpt); 2W 5,38% (-0,02 đpt) và 1M 5,43% (+0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 03/06 - 07/06, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 1.221,31 tỷ đồng trúng thầu và 70.082,72 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 28.460 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,25%; có 33.890 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 63.431,41 tỷ VND từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 12.905,41 tỷ VND và khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 67.360 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 05/06, KBNN gọi thầu 9.000 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu chỉ đạt 2.120 tỷ đồng, tương ứng 24%. Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được 2.090 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 30 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Các kỳ hạn 5Y, 15Y và 20Y gọi thầu lần lượt 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên đều không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10Y là 2,71% (+0,05 đpt so với phiên đấu thầu trước) và 30Y là 3,10% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 12/06, KBNN dự kiến chào thầu 7.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10Y chào thầu 3.000 tỷ đồng, 15Y 2.000 tỷ đồng, 20Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 16.774 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 9.303 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn và tăng nhẹ ở kỳ hạn 30Y. Chốt phiên 07/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,87% (-0,004 đpt so với phiên tuần trước); 2Y 1,88% (-0,004 đpt); 3Y 1,90% (-0,004 đpt); 5Y 2,0% (-0,04 đpt); 7Y 2,30% (-0,02 đpt); 10Y 2,81% (-0,04 đpt); 15Y 3,0% (-0,02 đpt); 30Y 3,19% (+0,002 đpt).
Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 03/06 - 07/06, thị trường chứng khoán có một tuần tích cực khi các chỉ số tăng điểm qua hầu hết các phiên. Chốt phiên 07/06, VN-Index đứng ở mức 1.287,58 điểm, tăng mạnh 25,86 điểm (+2,05%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,90 điểm (+0,78%) lên mức 244,99 điểm; UPCom-Index thêm 2,98 điểm (+3,11%) đạt 98,86 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 24.400 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 23.700 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.360 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ số kinh tế quan trọng trong tuần qua. Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 48,7% trong tháng 5, giảm nhẹ từ mức 49,2% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng lên mức 49,8%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp PMI sản xuất giảm kể từ lần đầu vượt lên 50% trong tháng 3. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ ở mức 53,8% trong tháng 5, tăng tương đối mạnh từ mức 49,4% của tháng 4, vượt qua kỳ vọng ở mức 51,0%, đồng thời là mức tăng mạnh nhất đối với chỉ số này trong vòng 9 tháng. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 272 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 5, cao hơn mức 165 nghìn của tháng 4 và vượt qua mức 182 nghìn theo kỳ vọng. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng vừa qua tăng nhẹ lên mức 4,0%, trái với dự báo đi ngang ở mức 3,9% như kết quả thống kê tháng 4. Về thu nhập, tiền lương theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 5, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó và cao hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, thu nhập bình quân theo giờ tăng khoảng 4,1% y/y. Tiếp theo, trong tháng 4, nước Mỹ tạo ra 8,06 triệu cơ hội việc làm, thấp hơn mức 8,36 triệu của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 8,37 triệu theo dự báo. Đây là lượng cơ hội việc làm thấp nhất tại Mỹ kể từ tháng 2/2021, đồng thời nối tiếp đà giảm hình thành từ đỉnh 11,55 triệu vào tháng 04/2022. Trong tuần này, thị trường tiếp tục chờ đợi các thông tin quan trọng khác từ nước Mỹ, nổi bật là chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố vào tối ngày 12/06, tiếp đó là kết quả cuộc họp CSTT của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed được công bố vào sáng sớm ngày 13/06 theo giờ Việt Nam. Trong cuộc họp này, Fed sẽ công bố dự báo triển vọng kinh tế, lạm phát và đường đi của LSCS trong các năm 2024, 2025, 2026 và dài hạn.
NHTW Châu Âu ECB lần đầu tiên hạ LSCS trong tuần qua, bên cạnh đó khu vực Eurozone cũng ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Trong cuộc họp ngày 06/06, ECB nhận định dù đã hạ nhiệt, lạm phát có thể tiếp tục cao hơn mức mục tiêu trong năm tới. Lạm phát toàn phần trung bình có thể ở mức 2,5% năm 2024, 2,2% năm 2025 và 1,9% vào năm 2026. Bên cạnh đó lạm phát lõi cũng được dự báo lần lượt hạ nhiệt về 2,8%; 2,2% và 2,0% ở các năm tương ứng. Tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone được kỳ vọng ở mức 0,9% trong năm nay, 1,4% năm 2025 và 1,6% năm 2026. Dựa trên những dữ liệu hiện tại, ECB quyết định giảm 25 đcb đối với bộ 3 LSCS. Theo đó, LS tái cấp vốn, LS cho vay cận biên và LS tiền gửi tại ECB lần lượt giảm xuống còn 4,25%; 4,5% và 3,75%, có hiệu lực từ ngày 12/06/2024. Bên cạnh đó, ECB thông báo sẽ giảm lượng chứng khoán nắm giữ theo chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch PEPP, quy mô cắt giảm là 7,5 tỷ EUR mỗi tháng trong nửa cuối năm 2024. Liên quan đến kinh tế Eurozone, GDP khu vực này chính thức tăng 0,3% q/q trong quý đầu năm, không có sự điều chỉnh nào so với kết quả thống kê sơ bộ. Doanh số bán lẻ tại Eurozone ghi nhận mức giảm 0,5% m/m trong tháng 4 sau khi tăng 0,7% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ giảm nhẹ 0,1% y/y.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 03/06 - 07/06/2024