Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 25/03 - 29/03/2024

10:08 01/04/2024

Tổng quan:

Tổng sản phẩm quốc nội GDP quý I/2024 của Việt Nam tăng khá cao, trong khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023 (lần lượt là 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%), tuy chưa bằng cùng kỳ giai đoạn 2018-2019. Trước đó, một số tổ chức quốc tế, như Standard Chartered hay Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam có thể đạt 5,5-6,1%.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (KV I) tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng (KV II) tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ (KV III) tăng 6,12% (các năm 2020-2023 lần lượt là: 3,03%; 4,51%; 4,38%; 6,86%), đóng góp 52,23%. Chi tiết hơn, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 đpt vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,08% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 đpt; ngành thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,08 đpt. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất CN tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành CN quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 giảm 0,73%), đóng góp 2,02 đpt vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành CN CBCT là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98% (quý I/2023 giảm 0,45%), đóng góp 1,73 đpt; ngành SX và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 đpt; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 đpt; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84% (sản lượng khai thác than giảm 0,3% và dầu mỏ thô khai thác giảm 3,2%), làm giảm 0,2 đpt. Ngành XD tăng 6,83% (cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023), đóng góp 0,40 đpt. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành DV vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay như sau: Ngành vận tải kho bãi tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,68 đpt; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,34%, đóng góp 0,24 đpt; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 6,94%, đóng góp 0,76 đpt; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2%, đóng góp 0,32 đpt; ngành thông tin và truyền thông tăng 4,14%, đóng góp 0,28 đpt.

Theo Tổng cục Thống kê, so với kịch bản tăng trưởng GDP theo quý để cả năm 2024 đạt mục tiêu tăng 6% - 6,5%, KV I tăng tương đương kịch bản (chỉ thấp hơn 0,02 đpt); KV II cao hơn 0,78 đpt so với mức cao trong kịch bản; và KV III thấp hơn từ 0,18 đến 0,38 đpt so với mức thấp và mức cao trong kịch bản. Với kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I, để tốc độ tăng GDP cả năm 2024 đạt 6,0% trở lên, tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại trong năm phải đạt trên 6,2%, đây là mức tăng không dễ đạt được khi trong thực tế KV I khó có thể tăng cao trong cả năm; vốn đầu tư công thấp hơn năm trước; khu vực dịch vụ tăng chậm lại do các hộ gia đình vẫn khó khăn về tài chính, nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn thách thức không nhỏ từ bên ngoài khi có độ mở lớn; các DN vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn…

Về chỉ số giá tiêu dùng, CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,21%; khu vực nông thôn giảm 0,25%). So với tháng 12/2023, CPI tháng 3 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: giáo dục tăng 9,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,20%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,40%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,53%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,33%; giao thông tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,54%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,21%. Bên cạnh đó, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI quý I năm 2024 là do chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông quý I năm 2024 giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Qua kết quả CPI quý I, các chuyên gia nhận định, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan trong điều hành, cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Ngoài ra, dự báo năm 2024, giá xăng dầu được đánh giá ổn định nhưng đây vẫn là một ẩn số, do đó không thể chủ quan trong điều hành; việc tăng giá theo lộ trình một số dịch vụ y tế, giáo dục cũng tạo áp lực lên CPI… Dù vậy, các chuyên gia vẫn dự báo CPI của năm 2024 có thể vẫn sẽ xoay quanh 4%.      

Tóm lược thị trường trong nước từ 25/03 - 29/03

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 25/03 - 29/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xem. Chốt ngày 29/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.003 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.153 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 25/03 - 29/03 tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng. Kết thúc phiên 29/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.810 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh đầu tuần rồi giảm trở lại 2 phiên cuối tuần. Chốt phiên 29/03, tỷ giá tự do cùng giảm 77 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.380 VND/USD và 25.460 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 25/03 - 29/03, lãi suất VND LNH tăng mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 29/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,78% (+2,58 đpt); 1W 3,0% (+2,52 đpt); 2W 3,02% (+1,82 đpt); 1M 3,30% (+1,54 đpt).

Lãi suất USD LNH tiếp tục ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 29/03, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,21% (không đổi); 1W 5,29% (-0,01 đpt); 2W 5,35% (-0,03 đpt) và 1M 5,40% (không đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 25/03 - 29/03, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

Trong tuần qua, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 26.500 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất tăng từ 1,69%/năm lên 2,49% vào phiên cuối tuần.

Như vậy, NHNN hút ròng 26.500 tỷ VND từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành đứng ở mức 171.198,8 tỷ đồng.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 27/03, KBNN huy động thành công 7.455 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (57%). Trong đó, kỳ hạn 7Y huy động được 400 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động thành công 3.500 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 15Y huy động được 3.555 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 20Y gọi thầu lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7Y là 2,02% (-1,78 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,42% (+0,03 đpt), 15Y 2,62% (+0,03 đpt).

Trong tuần này, ngày 03/04, KBNN chào thầu 14.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7Y chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 5.000 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 14.846 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 9.062 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tiếp tục xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 29/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,58% (+0,19 đpt so với phiên trước đó); 2Y 1,60% (+0,19 đpt); 3Y 1,63% (+0,17 đpt); 5Y 1,81% (+0,14 đpt); 7Y 2,23% (+0,17 đpt); 10Y 2,63% (+0,09 đpt); 15Y 2,81% (+0,08 đpt); 30Y 3,05% (+0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 25/03 - 29/03, thị trường chứng khoán biến động tăng – giảm đan xen, tuy vậy, các chỉ số vẫn chốt tuần trên mốc tham chiếu. Chốt phiên 29/03, VN-Index đứng ở mức 1.284,09 điểm, tăng nhẹ 2,29 điểm (+0,18%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,90 điểm (+0,37%) lên mức 242,58 điểm; UPCom-Index thêm 0,62 điểm (+0,68%) đạt 91,57 điểm.

Thanh khoản thị trường tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, trung bình đạt gần 26.800 tỷ đồng/phiên, thấp hơn so với mức 33.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón các chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, Văn phòng Phân tích Kinh tế Mỹ cho biết GDP tại nước này chính thức tăng 3,4% q/q trong quý cuối năm 2023, điều chỉnh tích cực hơn so với mức tăng 3,2% theo báo cáo sơ bộ lần 2. Tăng trưởng cả năm 2023 của Mỹ được giữ ở mức 2,5%, không thay đổi so với kết quả thống kê trước. Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE lõi tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 0,5% ở tháng trước đó, khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, PCE lõi tăng 2,8% y/y trong tháng 2, giảm tốc nhẹ so với mức tăng 2,9% của tháng 1. Mặc dù vậy, PCE toàn phần tăng 2,5% trong tháng 2, cao hơn một chút so với mức 2,4% của tháng trước đó. Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 23/03 ở mức 210 nghìn đơn, gần khớp với dự báo giữ ở mức 212 nghìn đơn như tuần trước đó. Về lĩnh vực bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ tăng 1,6% m/m trong tháng 2 sau khi giảm khá mạnh 4,7% ở tháng 1, vượt nhẹ so với dự báo chỉ tăng 1,4%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, doanh số nhà chờ bán vẫn giảm mạnh 7,0% y/y. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát ghi nhận ở mức 79,4 điểm trong tháng 3, tích cực hơn dự báo đi ngang ở mức 76,5 điểm của tháng 2. Đây cũng là mức niềm tin cao nhất mà thị trường tiêu dùng Mỹ ghi nhận kể từ sau tháng 07/2021. Trong tuần này, thị trường chờ đón những thông tin quan trọng về thị trường lao động tháng 2 của Mỹ bao gồm tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng tiền lương. Các thông tin này sẽ được công bố vào tối ngày 05/04 theo giờ Việt Nam.

Nước Úc cũng ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý trong tuần qua. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Úc cho biết doanh số bán lẻ tại nước này tăng 0,3% m/m trong tháng 2, nối tiếp mức tăng 1,1% của tháng trước đó và thấp hơn một chút so với mức tăng 0,4% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ tại Úc tháng 2 tăng 1,6 y/y. Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng doanh số chung là các mặt hàng quần áo may mặc với mức tăng 4,2% và đồ dùng văn phòng với mức tăng 2,3% m/m. Tiếp theo, liên quan tới lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại Úc tăng 3,4% y/y trong tháng 2, không thay đổi so với mức tăng của hai tháng liền trước đó, trái với dự báo nhích nhẹ lên mức 3,5%. Bên cạnh đó, CPI lõi tại Úc chỉ còn tăng 3,9% y/y trong tháng 2 vừa qua, thấp hơn mức tăng 4,1% của tháng đầu năm. Cuối cùng, Tổ chức Westpac khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Úc giảm 1,8% m/m xuống còn 84,4 điểm trong tháng 3 sau khi tăng 6,2% ở tháng trước đó. Như vậy chỉ số niềm tin tiêu dùng tại thị trường này đã ở dưới mức trung tính 100 điểm kể từ tháng 02/2022 cho tới nay.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 25/03 - 29/03/2024

Đọc thêm