Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 19/02 - 23/02/2024

08:18 26/02/2024

Tổng quan:

Số liệu xuất nhập khẩu đến hết kỳ 1 tháng 2/2024 tích cực, mang tới kỳ vọng xuất khẩu năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng 6% và cán cân thương mại tiếp tục thặng dư.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ ngày 01/01 đến hết ngày 14/02/2024, tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước đạt 82,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, XK hàng hóa đạt tổng trị giá gần 43,83 tỷ USD, tăng 21,6% và NK hàng hóa đạt tổng trị giá 38,73 tỷ USD, tăng 12,4%. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến hết ngày 14/02, cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 5,1 tỷ USD.

Các con số trên cho thấy xu hướng tăng tích cực của hoạt động XNK hàng hóa trong 1,5 tháng đầu năm nay. Đặc biệt, số liệu tháng 1 rất ấn tượng (tổng kim ngạch XNK tăng 40,3% yoy, XK tăng 46%, NK tăng 34,4%) nhưng còn là do vấn đề hiệu ứng số (cùng kỳ năm 2023, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1). Con số lũy kế từ đầu năm đến hết 14/02 phần nào cho thấy, hoạt động XNK vẫn tiếp tục đà khởi sắc từ những tháng cuối năm 2023. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các mặt hàng XK chủ lực của nước ta tăng tích cực so với cùng kỳ 2023, cụ thể: gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 51,67%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 37,93%; dệt may tăng 18,55%; giày dép các loại tăng 16,51%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 15,86%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%...

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công thương, năm nay, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen tác động đến hoạt động XNK. Cụ thể, xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau khiến nhu cầu NK hàng hóa giảm. Bên cạnh đó, các nước phát triển, nhất là các thị trường XK chủ chốt của Việt Nam, càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm NK. Ngoài ra, cuộc chiến ở Biển Đỏ cũng gây thêm áp lực cho hoạt động XNK hàng hóa. Tổng kim ngạch hàng hóa XNK nước ta tới Châu Âu và Bắc Mỹ qua Kênh đào Suez trên Biển đỏ chiếm tới gần 30% tổng giá trị XNK trong năm 2023. Do đó, khả năng tác động của cuộc xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam là không nhỏ, cụ thể: giá cước vận chuyển tăng cao (tới Bắc Mỹ có thể tăng từ 50 – 70%; đi Châu Âu tăng gấp 2-3 lần), tình trạng thiếu container do thời gian vận chuyển kéo dài, khả năng đáp ứng nhu cầu XK giảm… Điều đáng lo ngại hơn nữa là không thể dự đoán được những rủi ro này đến khi nào sẽ kết thúc. Một thách thức nữa là sự gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đổi thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Trong nước, các doanh nghiệp còn phải đương đầu với chi phí đầu vào tăng do tăng giá điện, tăng lương cơ bản,...

Ở một góc độ khác, XK vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2024 khi kinh tế thế giới dần hồi phục, đơn đặt hàng mới có dấu hiệu tăng dần, vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn ĐTTTNN trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam tăng mạnh trở lại. Việc tăng vốn của các NĐTNN để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng XK của các mặt hàng này trong những năm tới…

Bộ Công thương dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về thương mại năm 2024 là tổng kim ngạch XK tăng trên 6% so với năm 2023, CCTM tiếp tục có xuất siêu.      

Tóm lược thị trường trong nước từ 19/02 - 23/02

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 19/02 - 23/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 23/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.996 VND/USD, tăng tiếp 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó 02/02. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.146 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH tiếp tục biến động theo xu hướng tăng trong tuần từ 19/02 - 23/02. Kết thúc phiên 23/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.650 VND/USD, tăng mạnh 130 đồng so với phiên 16/02.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 23/02, tỷ giá tự do tăng 200 đồng ở chiều mua vào và 170 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.150 VND/USD và 25.220 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 19/02 - 23/02, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn qua hầu hết các phiên. Chốt ngày 23/02, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,63% (+2,49 đpt); 1W 3,57% (+2,19 đpt); 2W 3,35% (+1,83 đpt); 1M 2,74% (+0,78 đpt).

Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 23/02, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,19% (không thay đổi); 1W 5,29% (không thay đổi); 2W 5,35% (+0,02 đpt) và 1M 5,40% (không thay đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 19/02 - 23/02, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 31.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Có 6.037,51 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy NHNN bơm ròng 6.037,51 tỷ đồng ra thị trường.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 21/02, KBNN huy động thành công 10.250 tỷ đồng/10.750 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Tỷ lệ trúng thầu là 95%. Trong đó, các kỳ hạn 5Y, 10Y và 15Y huy động được toàn bộ lượng TPCP gọi thầu, lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng và 3.750 tỷ đồng. Kỳ hạn 30Y gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5Y là 1,41% (+0,02 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y 2,30% (+0,02 đpt), 15Y 2,50% (+0,02 đpt).

Trong tuần này, ngày 28/02, KBNN chào thầu 8.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 20Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 12.606 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 4.421 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 23/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,21% (+0,05 đpt); 2Y 1,24% (+0,05 đpt); 3Y 1,28% (+0,05 đpt); 5Y 1,47% (+0,04 đpt); 7Y 1,89% (+0,08 đpt); 10Y 2,35% (+0,04 đpt); 15Y 2,59% (+0,06 đpt); 30Y 3,01% (+0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 19/02 - 23/02, thị trường chứng khoán diễn biến lình xình, chưa xác định rõ xu hướng. Chốt phiên 23/02, VN-Index đứng ở mức 1.212,70 điểm, tăng nhẹ 2,30 điểm (+0,19%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,96 điểm (-0,84%) còn 231,08 điểm; UPCom-Index tăng 0,10 điểm (+0,11%) lên 90,16 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức khá cao khi tăng tích cực so với tuần trước đó với giá trị giao dịch tăng lên 25.300 tỷ đồng/phiên từ mức 20.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Fed công bố biên bản cuộc họp đầu năm 2024, bên cạnh đó nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Về Fed, trong biên bản cuộc họp tháng 1 (công bố ngày 21/02), cơ quan này nhận định lạm phát đang chậm dần khi chỉ số giá tiêu dùng PCE toàn phần và PCE lõi trong tháng 12/2023 lần lượt tăng 2,6% và 2,9% y/y, cùng thấp hơn so với thời gian trước. Kinh tế Mỹ tăng tương đối nhanh trong Q4/2023 song cũng cho thấy các dấu hiệu giảm tốc. Fed dự báo PCE sẽ tiếp tục giảm dần trong năm 2024 do cung cầu điều chỉnh cân bằng hơn. Dự kiến PCE toàn phần và PCE lõi sẽ ở gần mức mục tiêu 2,0% vào năm 2026. Fed nhận định việc duy trì LSCS ở mức 5,25% - 5,50% là cần thiết và sẽ đánh giá cẩn trọng các dữ liệu lạm phát và kinh tế trong tương lai. Fed không kỳ vọng sẽ cắt giảm LSCS cho đến khi tin tưởng rằng lạm phát đã được kiểm soát. Liên quan đến kinh tế Mỹ, S&P Global khảo sát cho thấy PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 51,5 điểm trong tháng 2, tăng từ 50,7 điểm của tháng trước đó và trái với dự báo giảm xuống mức 50,5 điểm. Ngược lại, PMI lĩnh vực dịch vụ giảm xuống còn 51,3 điểm trong tháng này từ mức 52,5 điểm của tháng 1, thấp hơn mức 52,4 điểm theo dự báo. Đây là mức PMI sản xuất tại Mỹ cao nhất mà S&P Global khảo sát được kể từ sau tháng 09/2022. Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/02 ở mức 201 nghìn đơn, giảm xuống từ 213 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 217 nghìn. Trong tuần này, Mỹ sẽ công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế 2023 sơ bộ lần 2, bên cạnh đó cũng công bố chỉ số lạm phát PCE lõi tháng 1. PCE lõi được dự báo tăng 0,4% m/m trong tháng vừa qua, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng trước đó.

Khu vực Eurozoen cũng đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng trong tuần qua. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone chính thức tăng 2,8% và 3,3% y/y trong tháng 12, không điều chỉnh so với thống kê sơ bộ. Về các chỉ số kinh tế khác, S&P Global cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Eurozone ở mức 46,1 điểm trong tháng 2, giảm xuống từ mức 46,6 điểm của tháng 1, trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 47,0 điểm. PMI lĩnh vực dịch vụ của khu vực này tăng trở lại mức 50 điểm từ mức 48,4 điểm của tháng 1, vượt qua mức 48,8 điểm theo dự báo. Tiếp theo, cán cân vãng lai tại Eurozone ghi nhận thặng dư 31,9 tỷ EUR trong tháng 12/2023, cao hơn mức thặng dư 22,5 tỷ của tháng trước đó và đồng thời vượt mạnh so với mức 20,3 tỷ theo dự báo. Tại nước Đức nói riêng, GDP quốc gia này chính thức giảm 0,3% q/q trong Q4/2023, không điều chỉnh so với thống kê sơ bộ và đồng thời khớp với dự báo. Như vậy, GDP Đức ghi nhận sự suy giảm 0,3% trong suốt năm 2023. PMI lĩnh vực sản xuất tháng 2 ở mức 42,3 điểm, chìm sâu hơn từ mức 45,5 điểm của tháng 1. PMI lĩnh vực dịch vụ ghi nhận mức 48,2 điểm, tăng nhẹ từ mức 47,7 điểm của tháng trước. Cuối cùng, Ifo khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước Đức đạt 85,5 điểm trong tháng 2, tăng nhẹ từ mức 85,2 điểm của tháng trước đó và khớp với dự báo.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 19/02 - 23/02/2024

Đọc thêm