Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 29/01 - 02/02/2024

08:25 05/02/2024

Tổng quan:

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2024 tăng nhẹ, nhiều chuyên gia dự báo lạm phát cả năm được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2024, một số địa phương thực hiện hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và việc giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu, là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 2,72%.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm một số nhóm chính sau: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02% (làm CPI chung tăng 0,05 đpt); Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56%, làm CPI chung tăng 0,11 đpt, do giá điện sinh hoạt tháng 1/2024 tăng 1,29% so với tháng trước và nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh, giá gas tăng 1,69%; Nhóm giao thông tăng 0,41%, làm CPI chung tăng 0,04 đpt; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 đpt; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11%, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng du lịch trọn gói tăng 0,7%; sách, báo, tạp chí các loại tăng 0,43%; khách sạn, nhà khách tăng 0,13%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do các hãng thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động; Nhóm giáo dục giảm 0,12%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,15%. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/2023/NĐ-CP yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 đối với GD mầm non, GD phổ thông công lập. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tăng thấp hơn mức bình quân chung tăng 3,37% chủ yếu do giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động đẩy CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát năm 2024 chỉ khoảng 3,2-3,5%. Đồng ý với ý kiến này, Tổng cục Thống kê nhận định, về các yếu tố trong nước, năm 2023, nhiều giải pháp được tích cực triển khai như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 1/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp... Vì vậy lạm phát đã được kiểm soát mặc dù khá cao vào đầu năm. Những giải pháp trên tiếp tục được thực hiện ngay từ đầu năm 2024, nên áp lực lạm phát những tháng đầu năm nay không căng như năm ngoái và có khả năng được duy trì đến cuối năm.

Liên quan đến thị trường thế giới, tổng cầu năm nay khó có khả năng tăng mạnh, khiến giá nguyên vật liệu, nhiên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, cũng khó tăng khi kinh tế thế giới, kể cả các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu… khó có khả năng tăng mạnh. Bên cạnh đó, NHTW các nước đầu tàu kinh tế thế giới như Hoa Kỳ, EU, Anh đã tạm dừng tăng lãi suất chính sách, nhưng hiện tại, LS ở những nền kinh tế này vẫn cao nhất trong mấy chục năm trở lại đây để kiểm soát lạm phát và chưa có dấu hiệu giảm mạnh. LS cao, cầu đầu tư và tiêu dùng giảm khiến lạm phát trên thế giới khó có thể tăng mạnh như năm 2023, hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố tạo áp lực lên lạm phát trong nước. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, đứt tuyến đường vận tải huyết mạch của thế giới, khiến chi phí vận chuyển hàng hải cũng như chi phí logistics tăng mạnh. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ NNVL, hàng hóa tiêu dùng có giảm thì giá cả vẫn có thể tăng. Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây nên tình trạng thiếu hụt lương thực, tạo áp lực lên giá lương thực thế giới. Tuy Việt Nam là một quốc gia chủ động được lương thực, thực phẩm, nhưng giá thị trường thế giới tăng cũng có thể đẩy giá trong nước tăng theo. Đối với các yếu tố trong nước, năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN và Bộ Công thương đã có kế hoạch trình Chính phủ tiếp tục tăng giá điện, cộng với 2 đợt tăng giá trong năm 2023, sẽ tác động mạnh đến CPI, đặc biệt là vào những tháng hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng. Học phí năm 2023-2024 ở khu vực công lập tạm thời chưa tăng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, nhưng năm học 2024-2025 có thể tăng nếu áp lực lạm phát không lớn. Ngoài ra, năm 2024, cải cách tiền lương mới và tăng lương tối thiểu vùng (tăng 6%) vào cùng một thời điểm là ngày 01/07/2024, tạo ra áp lực lạm phát, ví dụ viện phí của cơ sở công lập sẽ tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.     

Tóm lược thị trường trong nước từ 29/01 - 02/02

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 29/01 - 02/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh ở tất cả các phiên. Chốt ngày 02/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.959 VND/USD, giảm tới 77 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.106 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH giảm trở lại trong tuần qua. Kết thúc phiên 02/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.340 VND/USD, giảm mạnh 258 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên 02/02, tỷ giá tự do giảm mạnh 260 đồng ở chiều mua vào và 250 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.805 VND/USD và 24.865 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 29/01 - 02/02, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 02/02, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,41% (+1,23 đpt); 1W 1,71% (+1,41 đpt); 2W 1,84% (+1,31 đpt); 1M 1,91% (+0,78 đpt).

Lãi suất USD LNH tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 02/02, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,17% (+0,04); 1W 5,28% (+0,04 đpt); 2W 5,32% (+0,02 đpt) và 1M 5,40% (+0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 29/01 - 02/02, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, với khối lượng là 5.000 tỷ VND, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 2,28 tỷ đồng trúng thầu, như vậy NHNN bơm ròng 2,28 tỷ đồng ra thị trường.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 31/01, KBNN gọi thầu 10.000 tỷ đồng TPCP. Khối lượng trúng thầu là 3.007 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu là 30%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 350 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 10Y huy động được 1.542 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15Y huy động được 950 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y huy động được 165 tỷ đồng/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,39% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 10Y 2,28% (+0,08 đpt), 15Y 2,48% (+0,08 đpt) và 30Y 2,85% (không đổi).

Trong tuần này, ngày 07/02, KBNN chào thầu 8.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, 10Y chào thầu 3.000 tỷ đồng, 15Y chào thầu 2.500 tỷ đồng và kỳ hạn 20Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.039 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 9.440 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua biến động tăng nhẹ đối với kỳ hạn từ 5Y trở lên. Chốt phiên 02/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,12% (không đổi); 2Y 1,14% (không đổi); 3Y 1,19% (không đổi); 5Y 1,42% (+0,02 đpt); 7Y 1,83% (+0,01 đpt); 10Y 2,30% (+0,02 đpt); 15Y 2,52% (+0,04 đpt); 30Y 3,04% (+0,03 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 29/01 - 02/02, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 02/02, VN-Index đứng ở mức 1.172,55 điểm, giảm 3,12 điểm (-0,27%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,13 điểm (+0,49%) lên mức 230,56 điểm; UPCom-Index nhích nhẹ 0,67 điểm (+0,76%) lên 88,37 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp tuy tăng nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch tăng lên 18.600 tỷ đồng/phiên so với mức 15.700 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.205 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

IMF nâng triển vọng KTTG 2024. Trong báo cáo công bố ngày 30/01, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kỳ vọng GDP toàn cầu năm 2024 có thể tăng trưởng 3,1% (+0,2 đpt so dự báo T10/2023). Nguyên nhân chính do triển vọng của Mỹ và Trung Quốc có sự thay đổi. Cụ thế, Tổ chức này dự báo, trong số các quốc gia phát triển, GDP Mỹ 2024 tăng 2,1% (+0,6 đpt), tuy nhiên khu vực Euroz`one chỉ tăng 0,9% (-0,3 đpt), Nhật Bản tăng 0,9% (-0,1 đpt) và nước Anh tăng 0,6% (không đổi). Đối với các nước đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 4,6% trong năm nay (+0,4 đpt), Ấn Độ tăng 6,5% (+0,2 đpt). Theo đó, IMF tin rằng nguy cơ hạ cánh cứng của thế giới đang giảm dần theo thời gian, bất chấp các rủi ro mới phát sinh tại khu vực Trung Đông khiến chuỗi cung ứng gián đoạn và giá cả hàng hóa tăng cao. Về lạm phát, IMF dự báo chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu tăng 5,8% trong năm 2024 (không đổi), tiếp tục giảm tốc so với mức 6,8% của năm 2023.

Fed không thay đổi LSCS trong cuộc họp đầu năm 2024, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong phiên họp diễn ra ngày 31/01, Fed nhận định kinh tế Mỹ tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây. Trong suốt năm 2023, lạm phát cho thấy sự giảm tốc, song vẫn đang ở mức cao. Fed cho thấy sự kiên định với mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và đưa lạm phát trở về mức 2,0% trong dài hạn. Theo đó, cơ quan này quyết định giữ LSCS đi ngang ở mức 5,25% - 5,50% trong cuộc họp lần này để đạt được mục tiêu nêu trên. Fed cũng khẳng định sẽ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng những dữ liệu về kinh tế và lạm phát trong thời gian tới để có các quyết định phù hợp về CSTT. Bên cạnh đó, Fed cũng sẵn sàng thay đổi quan điểm về CSTT nếu xuất hiện các rủi ro cản trở việc đạt được lạm phát mục tiêu. Liên quan đến kinh tế Mỹ, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 49,1% trong tháng 1, tăng lên từ mức 47,4% của tháng trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ xuống 47,2%. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 353 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 1 cao hơn mức 333 nghìn của tháng 11 và đồng thời cao hơn mức 187 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 1 đi ngang ở mức 3,7%, trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 3,8% của các chuyên gia. Thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ cũng tăng 0,6% m/m trong tháng 1, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng trước đó, đồng thời cũng cao hơn mức tăng 0,3% theo kỳ vọng.

Sau Fed và ECB, NHTW Anh BOE cũng không thay đổi LSCS trong cuộc họp đầu năm. Trong cuộc họp ngày 01/02, BOE nhận định GDP nước Anh sẽ phục hồi dần trong thời gian tới sau những trầm lắng trong giai đoạn trước bởi môi trường lãi suất cao. Thị trường lao động đang nới lỏng dần, song vẫn được coi là thắt chặt so với lịch sử. Lạm phát tại Anh trong tháng 12 đã giảm xuống 4%, thấp hơn so với kỳ vọng trong báo cáo tháng 11 của BOE. Theo đó, BOE dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu 2,0% trong Q2/2024, sau đó tăng trở lại ở Q3 và Q4. CPI cả năm 2024 có thể tăng khoảng 2,75%. Trong cuộc họp này, BOE quyết định giữ nguyên LSCS ở mức 5,25%, nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu trong thời gian hợp lý. Cơ quan này cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt các dấu hiệu về lạm phát và kinh tế để đưa ra quyết định nên duy trì LSCS ở mức hiện tại trong bao lâu. Liên quan đến kinh tế Anh, PMI lĩnh vực sản xuất tháng 12 tại Anh được S&P Global điều chỉnh xuống còn 47,0 điểm, giảm nhẹ so với mức 47,3 điểm theo khảo sát sơ bộ. Giá nhà tại Anh tăng 0,7% m/m trong tháng 1 sau khi đingang ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,1% theo dự báo.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 29/01 - 02/02/2024

Đọc thêm