Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 29/01, NHNN giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.036 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.187 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.532 VND/USD, giảm khá mạnh 66 đồng so với phiên 26/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 105 đồng ở chiều mua vào và 55 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.960 VND/USD và 25.060 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 29/01, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W và tăng 0,02 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,18%; 1W 0,29%; 2W 0,58% và 1M 1,15%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W; giao dịch tại: ON 5,13%; 1W 5,23%; 2W 5,30%, 1M 5,39%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp biến động trái chiều; chốt phiên ở mức: 3Y 1,19%; 5Y 1,40%; 7Y 1,83%; 10Y 2,28%; 15Y 2,50%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên đầu tuần, tâm lý giằng co vẫn tiếp diễn, các chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,002%) lên mức 1.175,69 điểm; HNX-Index mất 0,38 điểm (-0,17%) xuống 229,05 điểm; UPCoM-Index giảm 0,10 điểm (-0,11%) còn 87,60 điểm. Thanh khoản thị trường ở mưc thấp với giá trị giao dịch trên 15.600 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 143 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kế, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 01/2024 tăng 0,31% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm 2023, tăng 3,37%. Lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%) chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Tin quốc tế:
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo nguy cơ về thương mại. Theo báo cáo gần nhất của UNCTAD, lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez giảm 45% trong vòng hai tháng vừa qua, kể từ khi diễn ra các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen vào tàu chở hàng trên biển đỏ. Chuyên gia Jan Hoffmann của UNCTAD cho biết kênh đào Suez mỗi năm đón nhận 12 – 15% dòng chảy thương mại toàn cầu. Các diễn biến gần đây báo hiệu nguy cơ hải trình của các tàu chở hàng trong tương lai sẽ có nhiều sự thay đổi, khiến chi phí tăng cao, áp lực lên giá hàng hóa và lạm phát.
Cục Thống kê Trung Quốc cho biết lợi nhuận tại các công ty công nghiệp nước này giảm 2,3% trong năm vừa qua, đánh dấu năm thứ 2 đi xuống liên tiếp, nguyên nhân chính do nhu cầu trong nước và quốc tế cùng suy yếu. Tuần trước, NHTW Trung Quốc PBOC cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM kể từ đầu tháng 02/2024. Mức cắt giảm là 0,5 đpt, đồng nghĩa với việc giải phóng thêm khoảng 139 tỷ USD vào nền kinh tế. Mặc dù vậy, thị trường cho rằng lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục trầm lắng ít nhất trong nửa đầu 2024, khi lĩnh vực bất động sản nước này vẫn gây ra nhiều hệ lụy và cần thời gian để chính sách tháo gỡ phát huy hiệu quả.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 30/01/2024