Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 31/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.991 VND/USD, giảm mạnh 32 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.140 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.415 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên 30/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.950 VND/USD và 25.000 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 31/01, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng mạnh 0,41 – 0,89 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, cụ thể: ON 1,06%; 1W 1,34%; 2W 1,50% và 1M 1,66%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,02 – 0,06 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 5,21%; 1W 5,28%; 2W 5,33%, 1M 5,40%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp biến động trái chiều; chốt phiên ở mức: 3Y 1,19%; 5Y 1,39%; 7Y 1,81%; 10Y 2,28%; 15Y 2,49%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, có 2,28 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 31/01, KBNN gọi thầu 10.000 tỷ đồng TPCP. Khối lượng trúng thầu là 3.007 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu là 30%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 350 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 10Y huy động được 1.542 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15Y huy động được 950 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y huy động được 165 tỷ đồng/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,39% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 10Y 2,28% (+0,08 đpt), 15Y 2,48% (+0,08 đpt) và 30Y 2,85% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên 31/01, tâm lý các nhà đầu tư khá bi quan khiến các chỉ số đồng loạt giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm khá mạnh 15,34 điểm (-1,30%) về mức 1.164,31 điểm; HNX-Index mất 1,49 điểm (-0,64%) còn 229,18 điểm; UPCoM-Index rớt 0,16 điểm (-0,18%) xuống 87,69 điểm. Thanh khoản thị trường tăng khá mạnh với giá trị giao dịch trên 25.600 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 144 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 là 13.536 DN (tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023) với số vốn đăng ký thành lập đạt 151.451 tỷ đồng (tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023); có 13.799 DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2024. Tuy nhiên, trong tháng 1/2024 có 53.888 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 81,5%).
Tin quốc tế:
Trong báo cáo công bố ngày 30/01, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kỳ vọng GDP toàn cầu năm 2024 có thể tăng trưởng 3,1% (+0,2 đpt so dự báo T10/2023). Nguyên nhân chính do triển vọng của Mỹ và Trung Quốc có sự thay đổi. Cụ thế, Tổ chức này dự báo, trong số các quốc gia phát triển, GDP Mỹ 2024 tăng 2,1% (+0,6 đpt), tuy nhiên khu vực Eurozone chỉ tăng 0,9% (-0,3 đpt), Nhật Bản tăng 0,9% (-0,1 đpt) và nước Anh tăng 0,6% (không đổi). Đối với các nước đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 4,6% trong năm nay (+0,4 đpt), Ấn Độ tăng 6,5% (+0,2 đpt). Theo đó, IMF tin rằng nguy cơ hạ cánh cứng của thế giới đang giảm dần theo thời gian, bất chấp các rủi ro mới phát sinh tại khu vực Trung Đông khiến chuỗi cung ứng gián đoạn và giá cả hàng hóa tăng cao.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed không thay đổi LSCS trong cuộc họp đầu năm. Trong phiên họp diễn ra ngày hôm qua 31/01, Fed nhận định kinh tế Mỹ tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây. Trong suốt năm 2023, lạm phát cho thấy sự giảm tốc, song vẫn đang ở mức cao. Fed cho thấy sự kiên định với mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và đưa lạm phát trở về mức 2,0% trong dài hạn. Theo đó, cơ quan này quyết định giữ LSCS đi ngang ở mức 5,25% - 5,50% trong cuộc họp lần này để đạt được mục tiêu nêu trên. Fed cũng khẳng định sẽ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng những dữ liệu về kinh tế và lạm phát trong thời gian tới để có các quyết định phù hợp về CSTT. Bên cạnh đó, Fed cũng sẵn sàng thay đổi quan điểm về CSTT nếu xuất hiện các rủi ro cản trở việc đạt được lạm phát mục tiêu.
Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 0,6% q/q trong Q4/2023, thấp hơn so với mức 1,2% của quý trước đó và đồng thời thấp hơn mức tăng 0,8% theo dự báo. Riêng trong tháng 12, CPI toàn phần chỉ còn tăng 3,4% y/y, giảm tốc mạnh từ mức 4,3% của tháng 11 và cũng thấp hơn mức 3,7% theo dự báo.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 01/02/2024