Tổng quan:
Tăng trưởng GDP cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), GDP cả nước quý 4/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý 4 các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%.
Với mức tăng đạt được trong quý 4/2024, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục làm trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%. Trong đó, ở khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1,0 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,93 đpt. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021.
Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia, GDP 2023 của Việt Nam tuy không đạt mục tiêu đề ra, nhưng có thể nói là tăng khá khi dựa trên mức nền tăng rất cao của năm 2022 (tăng 8,12%). Bước sang năm 2024, có thể thấy Việt Nam có 4 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng gồm sản xuất và xuất khẩu phục hồi, nhu cầu tiêu dùng nội địa gia tăng, thị trường bất động sản phục hồi và sự tăng trưởng trở lại của đầu tư tư nhân. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tốc độ tăng GDP từ 6,0% - 6,5%. Theo ý kiến của chuyên gia GSO, để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 đpt so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2%- 6,9%, cao hơn 2,46 - 3,16 đpt; khu vực dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 đpt. Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong năm 2023 và các lĩnh vực còn lại được dự báo còn gặp nhiều khó khăn trong năm.
Về chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2023, theo GSO, CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Cụ thể CPI tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12 tăng 3,58%. Trong mức tăng 0,12% của CPI tháng 12/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
CPI bình quân năm 2023 tăng so với năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% (tác động làm CPI chung tăng 0,46 đpt) do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; (ii) chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% (tác động làm CPI chung tăng 1,24 đpt), do giá xi măng, cát tăng theo giá NNVL đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao; (iii) chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85% (tác động làm CPI chung tăng 0,25 đpt); (iv) chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86% (tác động làm CPI chung tăng 0,16 đpt) do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 04/05/2023 và ngày 09/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; (v) chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,29% (tác động làm CPI chung tăng 0.09 đpt); (vi) chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế năm 2023 tăng 1,23% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023; (vii) chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,65% (tác động làm CPI tăng 0,16 đpt), chủ yếu do từ tháng 7/2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2023: (i) chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 đpt; dầu hỏa giảm 10,02%; (ii) chỉ số giá nhóm gas giảm 6,94% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,1 đpt; (iii) chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,81% so với năm trước do giá điện thoại di động thế hệ cũ giảm. Lạm phát cơ bản tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung tăng 3,25%. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Dự báo lạm phát cho năm 2024, các chuyên gia nhận định, có các yếu tố kiềm chế lạm phát như: sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, làm giảm áp lực "nhập khẩu" lạm phát; lạm phát kỳ vọng giảm; cùng với việc tổng cầu tiêu dùng chưa hoàn toàn khởi sắc. Vì vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%- 4,5% đã được Quốc hội thông qua được đánh giá là khả thi.
Tóm lược thị trường trong nước từ 25/12 - 29/12
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 25/12 – 29/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm mạnh qua các phiên. Chốt ngày 29/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.866 VND/USD, giảm mạnh 49 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.009 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH cũng biến động tăng - giảm qua các phiên trong tuần qua. Kết thúc phiên 29/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.250 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng trong tuần qua. Chốt phiên 29/12, tỷ giá tự do tăng 170 đồng ở chiều mua vào và 120 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.720 VND/USD và 24.770 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 25/12 – 29/12, lãi suất VND LNH biến động tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 29/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,60% (+3,31 đpt); 1W 3,28% (+2,60 đpt); 2W 2,94% (+1,64 đpt); 1M 2,56% (+0,96 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 29/12, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,08% (+0,02 đpt); 1W 5,17% (-0,02 đpt); 2W 5,27% (-0,01 đpt) và 1M 5,37% (-0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 25/12 – 29/12, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày, riêng phiên 25/12 kỳ hạn 14 ngày, với khối lượng là 14.000 tỷ VND, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 4.551,36 tỷ đồng trúng thầu ở phiên cuối tuần. Như vậy, NHNN bơm ròng 4.551,36 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua.
Tuần qua, NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN, không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 27/12, KBNN gọi thầu 4.500 tỷ đồng TPCP. Trong đó, có 1.798 tỷ đồng trúng thầu, đạt tỷ lệ 40%, bao gồm kỳ hạn 10Y trúng thầu 1.018 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y trúng thầu 780 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 15Y gọi thầu lần lượt 500 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn này. Lãi suất phát hành ở kỳ hạn 10Y và 30Y lần lượt là 2,20% và 3,0%, cùng giảm 0,05 đpt so với lần trúng thầu gần nhất.
Trong tuần này, ngày 03/01, KBNN chào thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y và 15Y chào thầu 2.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 17.770 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 14.490 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua có xu hướng giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng nhẹ đối với các kỳ hạn từ 7Y trở lên. Chốt phiên 29/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,55% (-0,003 đpt); 2Y 1,56% (-0,002 đpt); 3Y 1,57% (-0,002 đpt); 5Y 1,53% (không đổi); 7Y 1,94% (+0,05 đpt); 10Y 2,24% (+0,02 đpt); 15Y 2,44% (+0,02 đpt); 30Y 3,01% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 25/12 – 29/12, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực ở hầu hết các phiên. Chốt phiên 29/12, VN-Index đứng ở mức 1.129,93 điểm, tăng mạnh 26,87 điểm (+2,44%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 2,77 điểm (+1,21%) lên mức 231,04 điểm; UPCom-Index tăng 0,90 điểm (+1,04%) đạt 87,04 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt trên 17.200 tỷ đồng/phiên, tương tự mức của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 380 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 23/12 ở mức 218 nghìn đơn, tăng lên từ mức 206 nghìn của tuần trước đó, đồng thời cao hơn mức 211 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất là 212 nghìn, giảm nhẹ 0,25 nghìn so với 4 tuần trước đó. Tại thị trường bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ đi ngang trong tháng 11/2023 (0,0% m/m) sau khi giảm 1,2% ở tháng 10, trái với dự báo hồi phục 0,8%. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số tháng 11 sụt giảm khoảng 5,2% y/y. Bên cạnh đó Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang Mỹ FHFA cho biết chỉ số giá nhà tại nước này tăng 0,3% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 0,7% của tháng trước đó và thấp hơn so với mức tăng 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, giá nhà tại quốc gia này ghi nhận mức tăng 6,3% y/y, mở rộng hơn khá nhiều so với mức 5,5% ghi nhận ở tháng 9. Tiếp theo, về thương mại, cán cân xuất nhập khẩu nước này thâm hụt 90,3 tỷ USD trong tháng 10, lớn hơn mức thâm hụt 89,6 tỷ của tháng 9 và đồng thời lớn hơn mức thâm hụt 88,6 tỷ theo dự báo. Cuối cùng, viện Quản lý Cung ứng ISM Chicago khảo sát cho biết chỉ số PMI tại thành phố này chỉ đạt 46,9 điểm trong tháng 12, rơi mạnh từ mức 55,8 điểm của tháng 11 và xuống sâu hơn mức 50,1 điểm theo dự báo (Chicago là thành phố đông dân thứ 3 tại Mỹ).
Nhật Bản tuần qua cũng đón các chỉ số kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Nhật duy trì ở mức 2,5% trong tháng 11, không thay đổi so với kết quả thống kê tháng 10. Tiếp theo, về lạm phát, NHTW Nhật Bản BOJ thông báo chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại nước này chỉ tăng 2,7% y/y trong tháng 11, trái với dự báo tăng 3,0% như kết quả của tháng trước đó. Đây là mức tăng CPI lõi thấp nhất kể từ tháng 03/2023, và cũng cho thấy đà giảm tốc khá mạnh kể từ đỉnh 3,4% ghi nhận ở tháng 9. Doanh số bán lẻ tại nước Nhật tăng 5,3% y/y trong tháng 11, cao hơn mức tăng 4,1% của tháng 10 và đồng thời vượt qua mức tăng 5,1% theo kỳ vọng của các chuyên gia. Tại lĩnh vực xây dựng, số nhà khởi công ở Nhật Bản cho thấy sự sụt giảm mạnh 8,5% y/y trong tháng 11, lớn hơn mức giảm 6,3% ghi nhận ở tháng 10 và đồng thời lớn hơn mức giảm 4,2% theo dự báo. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này giảm nhẹ 0,9% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 1,3% ở tháng 9, thấp hơn mức giảm 1,7% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng tháng 11 ghi nhận mức giảm 1,4% y/y.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 25/12 - 29/12/2023