Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 27/05 - 31/05/2024

08:09 03/06/2024

Tổng quan:

Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng vượt ngưỡng 4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy, thời gian tới, các cơ quan điều hành cần cẩn trọng trong điều hành giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước, trong đó có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 03 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá. Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023 và giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2024 tăng.

CPI tăng 4,44% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức 4,4% của tháng 4. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, áp lực lạm phát đang chịu tác động bởi các yếu tố quốc tế, như biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không, …, tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu, vận tải, … trong nước. Cộng hưởng với đó là các yếu tố bên trong, do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương, …

Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Điều này chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, các nhà điều hành cần cẩn trọng trong điều hành giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát khi CPI bình quân 5 tháng đầu năm đã vượt ngưỡng 4% trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 được Quốc hội quyết nghị ở mức 4,0 - 4,5%. Các yếu tố bên ngoài có thể khiến CPI tiếp tục tăng cao trong thời gian tới phải kể đến những rủi ro, thách thức từ lạm phát toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức khá cao; sự đình trệ, suy thoái trong các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; xu hướng thắt chặt CSTT tiếp diễn ở các nước; các căng thẳng địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí  hậu, ... có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng và lạm phát toàn cầu, …

Các khó khăn trong nước bao gồm các yếu tố từ tự thân nền kinh tế cũng như từ việc điều hành giá do Nhà nước quản lý. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP cao, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, vật liệu, máy móc bên ngoài. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lí (điện, giáo dục, y tế, xăng dầu), trong đó, giá dịch vụ công sau gần 04 năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện hết trong năm 2023 sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024 – 2025. Cùng với đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện hành và giá dịch vụ khám, chữa bệnh khác được triển khai khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024; giá điện từng bước thực hiện lộ trình thị trường hóa với việc tính đủ các chi phí đầu vào trong cấu phần giá; cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 01/07/2024 có thể gây hiệu ứng dây chuyền kéo theo nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng, ...

Do đó, để góp phần kiểm soát lạm phát, các chuyên gia khuyến nghị cần kiểm soát tốt mặt hàng chính là lương thực, thực phẩm, xăng dầu và điều hành thận trọng giá các mặt hàng do Nhà nước định giá. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện CSTK mở rộng hợp lí, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả năng huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH hiệu quả, đảm bảo cân đối NSNN; và CSTT linh hoạt, đặc biệt trong điều hành lãi suất, tỉ giá để thích ứng với bối cảnh hoạt động đang bất ổn, khó lường đoán.          

Tóm lược thị trường trong nước từ 27/05 - 31/05

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 27/05 - 31/05, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 31/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.261 VND/USD, giảm 03 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 27/05 - 31/05 hạ nhiệt, không còn sát giá trần của NHNN. Kết thúc phiên 31/05, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.441 VND/USD, giảm 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên trong tuần qua. Chốt phiên 31/05, tỷ giá tự do tăng 45 đồng ở chiều mua vào và 75 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.775 VND/USD và 25.855 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 27/05 - 31/05, lãi suất VND LNH giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn qua tất cả các phiên. Chốt ngày 31/05, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,93% (-2,22 đpt); 1W 3,70% (-1,58 đpt); 2W 4,45% (-0,90 đpt); 1M 5,0% (-0,45 đpt).

Lãi suất USD LNH ít biến động trong tuần qua. Phiên 31/05, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,29% (-0,01 đpt); 1W 5,34% (+0,01 đpt); 2W 5,40% (không thay đổi) và 1M 5,43% (-0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 27/05 - 31/05, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với khối lượng là 30.000 tỷ VND, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 11.684,1 tỷ đồng trúng thầu và 27.888,58 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 30.200 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu 2 phiên đầu tuần giữ ở mức 4,20%/năm, 3 phiên cuối tăng lên mức 4,25%. Bên cạnh đó, có 6.700 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua. 

Như vậy, NHNN hút ròng 39.704,48 tỷ VND từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 81.766,82 tỷ VND và khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 76,290,0 tỷ VND.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 29/05, KBNN gọi thầu 9.000 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu chỉ đạt 1.050 tỷ đồng, tương ứng 12%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 1.000 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 50 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Các kỳ hạn 7Y, 10Y và 15Y gọi thầu lần lượt 500 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên đều không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,80% (+0,05 đpt so với phiên đấu thầu trước) và 30Y là 3,10% (+0,04 đpt).

Trong tuần này, ngày 05/06, KBNN dự kiến chào thầu 9.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, 10Y chào thầu 3000 tỷ đồng, 15Y 2.000 tỷ đồng, 20Y 1.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y 1.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.303 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 11.702 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm ở các kỳ hạn từ 5Y đến 15Y và không đổi ở các kỳ hạn còn lại. Chốt phiên 31/05, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,87% (không thay đổi); 2Y 1,88% (không thay đổi); 3Y 1,9% (không thay đổi); 5Y 2,04% (-0,01đpt); 7Y 2,31% (-0,04 đpt); 10Y 2,85% (-0,07 đpt); 15Y 3,02% (-0,04 đpt); 30Y 3,19% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 27/05 - 31/05, các chỉ số trên thị trường chứng khoán tiếp tục tăng giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 31/05, VN-Index đứng ở mức 1.261,72 điểm, giảm nhẹ 0,21 điểm (-0,02%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,37 điểm (+0,57%) lên mức 243,09 điểm; UPCom-Index tăng 1,48 điểm (+1,57%) đạt 95,88 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 23.665 tỷ đồng/phiên, giảm xuống so với mức 30.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.750 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ số kinh tế quan trọng trong tuần qua. Đầu tiên, Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ BEA công bố GDP nước này trong quý đầu năm 2024 chỉ tăng 1,3% q/q, điều chỉnh xuống thấp hơn so với mức tăng 1,6% theo kết quả thống kê lần đầu tiên, song vẫn tích cực hơn so với dự báo điều chỉnh còn 1,2%. Đây là quý thứ 2 liên tiếp GDP Mỹ cho thấy sự giảm tốc, khi quý 3/2023 tăng mạnh tới 5,2% và quý 4/2023 tăng 3,2%. Liên quan tới lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE lõi tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 4, thấp hơn dự báo tiếp tục tăng ở mức 0,3% như kết quả thống kê tháng 3. So với cùng kỳ năm 2023, PCE lõi tại Mỹ trong tháng 4 tăng 2,8% y/y, đi ngang so với mức tăng của tháng trước đó. Tiếp theo, Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng của thị trường Mỹ ở mức 102 điểm trong tháng 5, tăng khá mạnh từ mức 97,5 điểm của tháng 4, trái với dự báo giảm nhẹ xuống mức 96,0 điểm. Đây là tháng đầu tiên niềm tin tiêu dùng cải thiện sau 3 tháng giảm liên tiếp trước đó. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 25/05 ở mức 219 nghìn đơn, tăng nhẹ từ mức 216 nghìn đơn của tuần trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 218 nghìn đơn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 222,5 nghìn, tăng nhẹ 2,5 nghìn so với 4 tuần liền trước. Cuối cùng, tại thị trường bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ giảm mạnh 7,7% m/m trong tháng 4 sau khi tăng 3,6% ở tháng trước đó, sâu hơn nhiều so với mức giảm 1,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số tháng 4 ghi nhận mức giảm 7,4% y/y. Trong tuần này, thế giới tiếp tục chờ đợi những thông tin quan trọng về thị trường lao động Mỹ, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng việc làm và thu nhập bình quân, được công bố vào tối ngày 07/06 theo giờ Việt Nam.

Nước Úc tuần qua cũng đón một số thông tin đáng chú ý. Đầu tiên, về lạm phát, Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 3,6% y/y trong tháng 4, cao hơn mức tăng 3,5% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm tốc còn 3,4%. Bên cạnh đó, CPI lõi trong tháng 4 cũng tăng lên mức 4,1% y/y từ mức 4,0% ghi nhận ở tháng 3. Trong tháng 3 đầu năm nay, CPI toàn phần Úc duy trì ổn định với mức tăng 3,4% y/y kể trên. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tháng 4 tăng lên chủ yếu đến từ giá xăng dầu, y tế và chi phí nhà ở. Tiếp theo, tại thị trường xây dựng, khối lượng hoàn thiện công trình xây dựng tại Úc giảm khá mạnh 2,9% q/q trong quý 1/2024 sau khi tăng 1,8% ở quý trước đó, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng nhẹ 0,6%. So với cùng kỳ năm 2023, khối lượng xây dựng trong quý đầu năm tăng 1,8% y/y. Số cấp phép xây dựng tại nước Úc cũng ghi nhận giảm 0,3% m/m trong tháng 4 sau khi tăng 2,7% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 1,8%. So với cùng kỳ năm 2023, số cấp phép trong tháng 4 ghi nhận mức giảm 3,5% y/y. Cuối cùng, doanh số bán lẻ toàn phần tại thị trường Úc chỉ tăng 0,1% m/m trong tháng 4 sau khi giảm 0,4% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 0,3% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ trong tháng 4 ghi nhận mức tăng 1,3% y/y.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 27/05 - 31/05/2024

Đọc thêm