Tổng quan:
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng cả về vốn cam kết lẫn vốn thực hiện.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/08/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 2.247 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 8,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD (tăng 27% so với cùng kỳ); có 926 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 4,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,7 tỷ USD (tăng 14,8% so với cùng kỳ); có 2.196 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 7,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (giảm 40,9% so với cùng kỳ). Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD, chiếm hơn 69% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,36 tỷ USD, chiếm gần 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 77,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 844,9 triệu USD và hơn 761,9 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Vốn ĐTNN thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là số vốn ĐTNN thực hiện cao nhất của 8 tháng trong vòng 5 năm qua. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,28 tỷ USD, chiếm 79,7% tổng vốn ĐTNN thực hiện; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 1,27 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm 9,0%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 542,3 triệu USD, chiếm 3,8%.
Các chuyên gia cho biết, hiện nhiều công ty, nhất là tập đoàn công nghệ lớn, nổi tiếng thế giới đang quan tâm, chủ động tìm hiểu điều kiện, cơ hội để nghiên cứu khả năng đầu tư dự án mới tại Việt Nam, trong đó, đáng ghi nhận nhất là những tập đoàn làm chủ công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, trong số nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn, đáng chú ý có dự án tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD của Tập đoàn Amkor. Ngoài các lĩnh vực điện tử, bán dẫn mà Việt Nam đang là một mắt xích tích cực của chuỗi cung ứng toàn cầu, giờ đây, một lĩnh vực mới được dự báo cũng trở nên “hot” ở Việt Nam, đó là xây dựng trung tâm dữ liệu. Hiện có khoảng 13 dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ tương lai, trung tâm R&D, trung tâm đổi mới và sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao có vốn hàng chục tỷ USD sắp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang thương thảo để tiến tới thực hiện tại một số tỉnh, thành phố…
Trong thời gian tới, khi cạnh tranh thu hút ĐTNN toàn cầu ngày càng gay gắt, Việt Nam cần tránh sự phụ thuộc đầu tư vào một số quốc gia nhất định. Tỷ trọng đầu tư của sáu nước lớn nhất (Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc) tại Việt Nam hiện vượt quá 80%. Khi cạnh tranh thu hút ĐTNN ngày càng gay gắt, phải phân cấp và có những ưu đãi khác biệt cho mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, để các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc đầu tư lâu dài tại Việt Nam, cần phải có các chính sách ưu đãi khác biệt cho từng thị trường. Quan trọng hơn, Việt Nam cần có những dự án dài hạn nhằm nội địa hóa các doanh nghiệp ĐTNN và thay thế dần bằng các doanh nghiệp trong nước. An ninh và đảm bảo năng lượng cũng là yếu tố phải chú trọng trong thu hút vốn, bên cạnh nền tảng môi trường ưu đãi, dịch vụ tài chính hiện đại.
Tóm lược thị trường trong nước từ 09/09 - 13/09
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 09/09 - 13/09, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở 3 phiên đầu tuần và giảm trở lại ở 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 13/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.172 VND/USD, giảm 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết tỷ giá bán giao ngay chốt ngày 13/09 ở mức 25.330 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 09/09 - 13/09 tiếp tục biến động giảm mạnh. Kết thúc phiên 13/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.543, giảm 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do. Chốt phiên 13/09, tỷ giá tự do giảm 120 đồng ở chiều mua vào và giảm 110 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.990 VND/USD và 25.080 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 09/09 - 13/09, lãi suất VND LNH giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 13/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,4% (-1,15 đpt); 1W 3,76% (-0,85 đpt); 2W 3,97% (-0,73 đpt); 1M 4,39% (-0,32 đpt).
Lãi suất USD LNH trong tuần qua biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 13/09, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,31% (không đổi); 1W 5,34% (-0,01 đpt); 2W 5,34% (-0,01 đpt) và 1M 5,40% (-0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 09/09 - 13/09, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 18.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 8.833,45 tỷ đồng trúng thầu, có 46.403,83 tỷ đáo hạn trong tuần qua.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, NHNN hút ròng 37.570,38 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 8.833,45 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành.
Thị trường trái phiếu: Ngày 11/09, KBNN đấu thầu thành công 13.130 tỷ đồng/14.150 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 93%. Trong đó, kỳ hạn 7Y huy động được 165 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được toàn bộ 9.000 tỷ đồng gọi thầu, 15Y huy động được 3.350 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng và 30Y huy động được 615 tỷ đồng/650 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7Y là 2,05% (+0,03 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,71%, 15Y 2,90% và 30Y 3,10%, đều không đổi.
Trong tuần này, ngày 18/09, KBNN dự kiến chào thầu 11.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, 7Y chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y 6.500 tỷ đồng, 15Y 3.500 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10335 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 11979 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua ít biến động. Chốt phiên 13/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,86% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,88% (không đổi); 3Y 1,90% (không đổi); 5Y 1,96% (không đổi); 7Y 2,23% (-0,017 đpt); 10Y 2,72% (-0.02 đpt); 15Y 2,90% (-0,014 đpt); 30Y 3,18% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 09/09 - 13/09, các chỉ số trên thị trường chứng khoán chủ yếu dao động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 13/09, VN-Index đứng ở mức 1.251,71 điểm, giảm 32,16 điểm (-2,50%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 5,14 điểm (-2,16%) còn 232,42 điểm; UPCom-Index giảm 1,22 điểm (-1,30%) xuống 92,95 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 13.140 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh từ mức 16.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng 1.858 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần vừa qua. Đầu tiên, liên quan đến lạm phát, Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại nước này tăng 0,3% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng 7 và mạnh hơn một chút so với dự báo tăng 0,2%. CPI toàn phần tại Mỹ trong tháng vừa qua tăng 0,2%, bằng với mức tăng của tháng trước đó và cũng khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, CPI lõi tháng 8 tăng 3,2%, không đổi so với mức tăng ghi nhận ở tháng 7; và CPI toàn phần tăng 2,5%, giảm tốc khá mạnh so với mức tăng 2,9% ở tháng 7. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI lõi tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 8 sau khi giảm 0,2% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. PPI toàn phần trong tháng vừa qua cũng ghi nhận mức tăng 0,2% m/m sau khi đi ngang trong tháng 7 (0,0% m/m), cao hơn mức tăng 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, PPI lõi tháng 8 tăng 3,3% y/y, cao hơn mức tăng 3,2% ghi nhận ở tháng 7; tuy nhiên PPI toàn phần chỉ tăng 1,7% y/y, giảm tốc từ mức 2,1% ghi nhận ở tháng 7. Chỉ số giá nhập khẩu trong tháng 8 ghi nhận mức giảm 0,3% m/m sau khi tăng 0,1% ở tháng 7, sâu hơn so với mức giảm 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ 2023, chỉ số giá nhập khẩu tăng 0,8% y/y. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 07/09 tăng nhẹ lên mức 230 nghìn đơn từ mức 228 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 227 nghìn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất là 230,75 nghìn đơn, tăng nhẹ 0,5 nghìn đơn so với trung bình 4 tuần liền trước. Trong tuần này, thị trường chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, được công bố sáng sớm ngày 19/09 theo giờ Việt Nam. Thị trường kỳ vọng Fed cắt giảm LSCS 25 đcb, từ mức 5,50% xuống còn 5,25%.
NHTW Châu Âu ECB có đợt hạ LSCS tiếp theo, bên cạnh đó Eurozone cũng đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Về ECB, Trong cuộc họp diễn ra ngày hôm qua 12/09, cơ quan này nhận định áp lực lạm phát đang hạ xuống như những gì được kỳ vọng. Cơ quan này dự báo lạm phát trung bình 2024 là khoảng 2,5%, 2025 xuống còn 2,2% và 2026 xuống còn 1,9%. Bên cạnh đó, lạm phát lõi cũng được kỳ vọng sẽ giảm nhanh chóng, từ 2,9% trong năm 2024 xuống 2,3% năm 2025 và xuống còn 2,0% vào 2026. Về kinh tế, ECB dự báo GDP khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, tăng tốc lên 1,3% vào 2025 và 1,5% năm 2026. Dự báo tăng trưởng đã được hạ nhẹ xuống so với trước, chủ yếu do nhu cầu trong khu vực có thể yếu hơn ở những năm này. ECB tiếp tục quyết tầm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2,0% một cách kịp thời. Trong cuộc họp lần này, ECB quyết định hạ LS cho vay tái cấp vốn và LS cho vay cận biên 60 đcb, lần lượt xuống còn 3,65% và 3,90%. LS tiền gửi tại ECB được cơ quan này hạ 25 đcb, xuống còn 3,50%. Các quyết định tiếp theo sẽ được ECB đưa ra dựa trên dữ liệu ở từng cuộc họp. Hội đồng CSTT của ECB không cam kết trước về một lộ trình LSCS cụ thể trong tương lai. Liên quan đến kinh tế Eurozone, chỉ số niêm tin đầu tư tại khu vực này do Sentix khảo sát ở mức -15,4 điểm trong tháng 9, giảm xuống từ -13,9 điểm của tháng 8, trái với dự báo cải thiện nhẹ lên -12,4 điểm. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Eurozone giảm 0,3% m/m trong tháng 7 sau khi đi ngang (0,0% m/m) ở tháng 6, nhẹ hơn mức giảm 0,6% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp của Eurozone tháng 7 ghi nhận mức giảm 2,2% y/y.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 09/09 - 13/09/2024