Tổng quan:
Sau nửa đầu năm năm 2024, nợ xấu có xu hướng tăng tại hầu hết các ngân hàng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm.
Theo thông tin từ NHNN, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2024 là 795.500 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6 đạt mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022. Cuối quý II, trong khi nợ cần chú ý giảm khoảng 19 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,9% so với thời điểm đầu năm, thì nợ có khả năng mất vốn lại tăng mạnh hơn 11 nghìn tỷ đồng, tương đương 10,6%. Tỷ lệ tạo mới nợ xấu là 0,16% trong quý II/2024, tăng quý thứ 2 liên tiếp. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống NH xử lý được 96.700 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 29 NH niêm yết đã công bố báo cáo tài chính, có đến 24 NH cho thấy tỷ lệ nợ xấu tăng. Chỉ 5 tổ chức ghi nhận có tỷ lệ nợ xấu cải thiện là: Agribank (giảm 0,01%); SeABank (giảm 0,03%); PG Bank (giảm 0,24%); Eximbank (giảm 0,01%); SHB (giảm 0,23%). So với mục tiêu mà NHNN đề ra là tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, hiện tại có nhiều NH vượt ngưỡng, trong đó có thể kể đến: BaoVietBank (4,79%); BVBank (3,77%); VIB (3,67%); ABBank (3,55%); Vietbank (3,43%); OCB (3,12%). Những NH có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là: Eximbank (2,64%); PG Bank (2,61%); NamABank (2,57%); Saigonbank (2,55%); Sacombank (2,43%); HDBank (2,1%); TPBank (2,06%), … 10 NH có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống là: Vietcombank, Techcombank, ACB, Bac A Bank, BIDV, Vietinbank, MB, LPBank, Agribank, SeABank.
Về nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN và Thông tư 02/2023/TT-NHNN, các nhà phân tích cho biết con số này tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt vào cuối năm 2023 lên 282.000 lượt vào cuối tháng 6/2024.
Trong khi đó, bức tranh nợ xấu vẫn chưa bộc lộ hết nhờ tác động của việc kéo dài Thông tư 02. Mặc dù vậy, tiềm ẩn nợ xấu vẫn còn hiện hữu khi mức độ hồi phục của thị trường BĐS, TPDN chưa thực sự như kỳ vọng.
Ở một khía cạnh khác, theo báo cáo tài chính của các NH niêm yết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các NH này đã giảm về 81,5% cuối quý II/2024, mức thấp nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện và cách khá xa so với mức đỉnh 143,2% ở cuối quý III/2022. Cụ thể, có tới 23 NH suy giảm bao phủ nợ xấu, trong đó suy giảm mạnh nhất là VietinBank (giảm 53,5%), tiếp đến là BIDV (giảm gần 49%), BacABank (giảm 45%) và Vietcombank (giảm 18,2%). Hiện tại, toàn hệ thống chỉ còn 6 NH có quỹ dự phòng rủi ro đủ sức bao phủ trên 100% nợ xấu, bao gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, MB và Techcombank. Đáng lưu ý, toàn hệ thống đang có hơn 10 NH có tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ dưới 50%.
Đánh giá về triển vọng nợ xấu trong nửa cuối năm 2024, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Phía tích cực cho rằng tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong nửa đầu năm và dự báo còn tiếp tục tích cực trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện giúp gia tăng TD và cải thiện thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu 01/08/2024 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; đồng thời lãi suất cho vay tiêu dùng đã hạ nhiệt nhiều so với trước đó cũng giúp cải thiện dòng tiền của khách hàng. Các chuyên gia này cho rằng, với những giải pháp đồng bộ đang được triển khai như: khoản vay mới với lãi suất thấp, khoản nợ cũ tiếp tục được giãn hoãn, nợ xấu được xử lý tích cực…, ngành NH sẽ đạt được mục tiêu kép là tín dụng tăng trưởng 15%, đồng thời nợ xấu dưới mức 3%.
Phía tiêu cực hơn lại cho rằng nợ xấu dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong vài quý tới, do thị trường BĐS còn nhiều khó khăn bởi các nút thắt chưa hoàn toàn được tháo gỡ. Nợ xấu có thể sẽ đạt đỉnh vào quý III, hoặc chậm hơn có thể kéo dài đến quý IV. Bên cạnh đó, tốc độ xử lý nợ xấu của các NH có thể sẽ chậm hơn, do khó khăn khi quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với khách hàng vay chây ỳ tại Nghị quyết 42 không còn được kế thừa ở Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Tóm lược thị trường trong nước từ 12/08 - 16/08
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 12/08 - 16/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm nhẹ. Chốt ngày 16/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.254 VND/USD, giảm 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 12/08 - 16/08 biến động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 16/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.061 VND/USD, giảm tiếp 44 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm trong tuần qua. Chốt phiên 16/08, tỷ giá tự do giảm 125 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.450 VND/USD và 25.530 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 12/08 - 16/08, lãi suất VND LNH tăng trở lại ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 16/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,57% (+0,17 đpt); 1W 4,64% (+0,11 đpt); 2W 4,69% (+0,04 đpt); 1M 4,76% (-0,04 đpt).
Lãi suất USD LNH duy trì trạng thái ít biến động trong tuần qua. Phiên 16/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,31% (+0,01 đpt); 1W 5,34% (-0,01 đpt); 2W 5,39% (-0,01 đpt) và 1M 5,41% (-0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 12/08 - 16/08, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 56.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 50.925,85 tỷ đồng trúng thầu, có 56.617,56 tỷ đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 24.800 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,25%; có 61.300 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 30.808,29 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 50.925,85 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 60.549,5 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 14/08, KBNN gọi thầu thành công 15.890 tỷ đồng/17.250 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 92%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 40 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu, 30Y huy động được 100 tỷ/500 tỷ đồng. Kỳ hạn 10Y và 15Y huy động thành công toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 9.000 tỷ đồng và 6.750 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đều không đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể: 5Y là 1,95%, 10Y là 2,71%, 15Y là 2,90%, 30Y là 3,10%.
Trong tuần này, ngày 21/08, KBNN dự kiến chào thầu 13.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y chào thầu 7.000 tỷ đồng, 15Y 5.000 tỷ đồng và 20Y chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.823 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 11.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm nhẹ ở các kỳ 5Y-15Y. Chốt phiên 16/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,88% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,89% (không đổi); 3Y 1,91% (không đổi); 5Y 1,96% (-0,02 đpt); 7Y 2,24% (-0,01 đpt); 10Y 2,72% (-0,01 đpt); 15Y 2,90% (-0,01 đpt); 30Y 3,19% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 12/08 - 16/08, thị trường chứng khoán chốt tuần trong sắc xanh khi các chỉ số đồng loạt tăng điểm mạnh phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 16/08, VN-Index đứng ở mức 1.252,23 điểm, tăng mạnh 28,59 điểm (+2,34%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 5,77 điểm (+2,52%) đạt 235,15 điểm; UPCom-Index cộng 0,64 điểm (+0,69%) lên 93,44 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 15.900 tỷ đồng/phiên, tương đương mức 15.700 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng gần 580 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Mỹ đón nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng trong tuần qua, nổi bật là các chỉ báo lạm phát của tháng 7. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI lõi tại nước này đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 7 sau khi tăng 0,3% ở tháng 6, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,2%. PPI toàn phần tại Mỹ trong tháng 7 cũng chỉ tăng 0,1% m/m, thấp hơn mức tăng của tháng 6 và cũng là dự báo ở 0,2%. So với cùng kỳ năm 2023, PPI lõi tăng 2,2% y/y trong tháng vừa qua, thấp hơn mức tăng 2,7% của tháng 6; và PPI toàn phần tăng 3,3% y/y, nhích nhẹ lên từ 3,2% của tháng 6. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 7, nối tiếp mức tăng 0,1% của tháng trước đó và khớp với dự báo. CPI toàn phần tại Mỹ cũng tăng khoảng 0,2% m/m trong tháng vừa qua sau khi giảm nhẹ 0,1% ở tháng 6, khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, CPI lõi và CPI toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 3,2% và 2,9% y/y trong tháng 7, cùng hạ nhiệt nhẹ từ mức 3,3% và 3,0% của tháng 6. Trên lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,4% và 1,0% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 0,5% và giảm 0,2% ở tháng trước đó, cùng vượt qua mức tăng 0,1% và 0,4% theo dự báo. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ giảm 0,6% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 0,3% ở tháng 6, sâu hơn mức giảm 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp của tháng 6 tăng nhẹ 0,1% y/y. Cuối cùng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công trong tháng 7 lần lượt ghi nhận mức 1,40 triệu đơn và 1,24 triệu căn, cùng giảm so với 1,45 triệu đơn và 1,33 triệu căn trong tháng 6, đồng thời cùng thấp hơn mức 1,43 triệu đơn và 1,34 triệu căn theo kỳ vọng. Trong tuần này, thị trường chờ đợi biên bản họp Fed tháng 7, được công bố vào sáng sớm ngày 22/08 theo giờ Việt Nam.
Nước Anh tuần qua cũng ghi nhận các thông tin kinh tế đáng chú ý. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS công bố GDP của nước này đi ngang trong tháng 6 (0,0% m/m) sau khi tăng 0,4% ở tháng 5, khớp với dự báo của thị trường. GDP Anh trong cả quý 2 vừa qua ghi nhận mức tăng 0,6% q/q, nối tiếp đà tăng 0,7% của quý trước đó và khớp với kỳ vọng. Liên quan đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 2,2% y/y trong tháng 7, cao hơn so với mức 2,0% ghi nhận ở tháng 6. Ngược lại CPI lõi tăng khoảng 3,3% y/y trong tháng vừa qua, giảm tốc từ mức 3,5% của tháng trước đó. Điểm tích cực là, CPI toàn phần và CPI lõi trong tháng 7 cùng thấp hơn so với dự báo lần lượt ở mức 2,3% và 3,4% y/y. Tại thị trường lao động, trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh giảm xuống còn 4,2% trong tháng 6 từ mức 4,4% của tháng 5, trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 4,5%. Tuy nhiên, sang tháng 7, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Anh tăng mạnh thêm 135 nghìn đơn trong tháng 7, cao hơn mức 36,2 nghìn của tháng trước đó và đồng thời vượt xa dự báo ở mức 14,5 nghìn. Thu nhập bình quân của người lao động Anh tăng khoảng 4,5% 3m/y trong 3 tháng 05-06-07, giảm tốc mạnh so với mức tăng 5,7% của 3 tháng 04-05-06, gần khớp với mức tăng 4,6% theo dự báo. Cuối cùng, ở thị trường bán lẻ, doanh số bán lẻ tại Anh tăng 0,5% m/m trong tháng trước sau khi giảm 0,9% ở tháng 6, gần đạt mức tăng 0,6% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng khoảng 1,4% y/y.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 12/08 - 16/08/2024