Tổng quan:
Giải ngân đầu tư công đến hết quý 3/2024 còn chậm, cần bứt tốc trong quý cuối năm mới có thể hoàn thành 95% kế hoạch ĐTC của năm.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, dự tính hết quý 3/2024, cả nước ước giải ngân được 320.566,5 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 42,96% kế hoạch và đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: (i) vốn trong nước giải ngân được 315.699,7 tỷ đồng, đạt 43,47% kế hoạch và đạt 47,98% KH TTg giao; (ii) vốn nước ngoài giải ngân được 4.866,9 tỷ đồng, đều đạt 24,33% kế hoạch và KH TTg giao. Đáng chú ý, cả nước giải ngân được 21.499,1 tỷ đồng vốn kế hoạch các năm trước chuyển sang năm 2024, đạt 38,26% kế hoạch (56.193,4 tỷ đồng); các chương trình mục tiêu quốc gia ước giải ngân 15.054,1 tỷ đồng, đạt 55,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt, vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có tỷ lệ giải ngân đạt cao với 4.983,3 tỷ đồng, đạt 80,16% so với kế hoạch (gồm: vốn chương trình phục hồi của bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 9 tháng đạt 99,58%; riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân 100%).
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9/2024, vẫn còn 29 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng hiện chỉ mới giải ngân 21,29%. TP. Hà Nội được giao kế hoạch vốn 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng cũng chỉ mới giải ngân 38,88%.
Theo ý kiến của chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ĐTC vẫn là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đóng vai trò then chốt cho phục hồi kinh tế trong năm 2024. Việc gia tăng ĐTC sẽ góp phần kích cầu hơn nữa trong những tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân như hiện nay, ADB cho rằng Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân nguồn vốn này. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nhiều khó khăn vướng mắc từ lâu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nổi bật là vướng mắc về cơ chế chính sách; vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án, đặc biệt các dự án ODA. Ngoài ra, đến khoảng giữa năm 2024, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ xong chi tiết vốn cho các dự án. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 tương ứng với số vốn chưa phân bổ, điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu vốn, dẫn đến một lượng vốn tương đối lớn chưa thể giải ngân ...
Theo thông tin mới đây từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để góp phần giải quyết các khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC và khơi thông nguồn lực cho phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT dự thảo, lấy ý kiến sửa đổi Luật Đầu tư công (2019). Luật Đầu tư công (sửa đổi) được dự thảo bao hàm 29 chính sách mới với 5 nhóm chính sách sửa đổi chính, gồm: (i) thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; (ii) tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (iii) nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (iv) thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; (v) đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng các hồ sơ liên quan, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình 01 kỳ họp.
Tóm lược thị trường trong nước từ 23/09 - 27/09
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 23/09 - 27/09, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 27/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.118 VND/USD, giảm tiếp 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết tỷ giá bán giao ngay chốt ngày 27/09 ở mức 25.273 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 23/09 - 27/09 tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Kết thúc phiên 27/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.608, chỉ giảm nhẹ 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng. Chốt phiên 27/09, tỷ giá tự do tăng 145 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.110 VND/USD và 25.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 23/09 - 27/09, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 27/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,24% (+0,70 đpt); 1W 4,38% (+0,65 đpt); 2W 4,38% (+0,55 đpt); 1M 4,36% (+0,33 đpt).
Lãi suất USD LNH trong tuần ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 27/09, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,83% (-0,01 đpt); 1W 4,89% (không thay đổi); 2W 4,93% (-0,02 đpt) và 1M 4,97% (không thay đối).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 23/09 - 27/09, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 79.000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên ở mức 4,0%. Có 67.359,15 tỷ đồng trúng thầu và có 1.511,6 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, NHNN bơm ròng 65.847,55 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 67.359,15 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành.
Thị trường trái phiếu: Ngày 25/09, KBNN đấu thầu thành công 9.650 tỷ đồng/12.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 77%. Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được toàn bộ 7.500 tỷ đồng gọi thầu và 15Y huy động được 2.150 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 30Y gọi thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10Y là 2,66% (-0,02 đpt so với phiên đấu thầu trước), 15Y 2,86% (-0,02 đpt).
Trong tuần này, ngày 02/10, KBNN dự kiến chào thầu 11.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y chào thầu 7.000 tỷ đồng, 15Y 3.000 tỷ đồng, 20Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 18.405 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 11.528 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 27/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,85% (-0,004 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,86% (-0,01 đpt); 3Y 1,88% (-0,01 đpt); 5Y 1,91% (-0,04 đpt); 7Y 2,15% (-0,01 đpt); 10Y 2,66% (-0,002 đpt); 15Y 2,86% (-0,01 đpt); 30Y 3,16% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 23/09 - 27/09, các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng trở lại. Kết thúc phiên 27/09, VN-Index đứng ở mức 1.290,92 điểm, tăng 18,88 điểm (+1,48%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,41 điểm (+0,60%) lên 235,71 điểm; UPCom-Index nhích nhẹ 0,27 điểm (+0,29%) lên 93,90 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 20.448 tỷ đồng/phiên, tăng từ mức 17.244 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 2.900 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi đón chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần vừa qua. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ công bố GDP nước này chính thức tăng 3,0% q/q trong quý 2, không thay đổi so với kết quả thống kê sơ bộ lần 2 và đồng thời cũng khớp với con số dự báo. Theo dữ liệu, lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng, và lĩnh vực tài chính – bảo hiểm cùng đóng góp mạnh nhất với 0,48 đpt vào mức tăng chung 3%. Ở chiều ngược lại, lĩnh vực dịch vụ cư trú và ăn uống kìm hãm GDP mạnh nhất với -0,12 đpt. Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE toàn phần và PCE lõi tại Mỹ cùng tăng 0,1% m/m trong tháng 8, đều thấp hơn mức tăng 0,2% của tháng trước đó. So cùng kỳ năm 2023, PCE toàn phần tăng 2,2% y/y trong tháng 8, giảm tốc so với mức tăng 2,5% của tháng 7; tuy nhiên PCE lõi ghi nhận mức tăng 2,7%, cao hơn mức 2,6% của tháng 7. Tiếp theo, tổ chức Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước Mỹ ở mức 98,7 điểm trong tháng 9, giảm khá mạnh từ mức 105,6 điểm của tháng trước đó, đồng thời xuống thấp hơn dự báo ở mức 103,9 điểm. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 21/09 ở mức 218 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 222 nghìn của tuần trước đó, thấp hơn dự báo ở mức 224 nghìn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 225,75 nghìn, giảm nhẹ 3,5 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước. Cuối cùng, về thị trường bất động sản, doanh số bán nhà mới tại Mỹ đạt 716 nghìn căn trong tháng 8, thấp hơn mức 751 nghìn căn của tháng 7 (điều chỉnh lên từ 739 nghìn căn), song vẫn cao hơn so với mức 699 nghìn căn theo dự báo. Đây là tháng có doanh số cao thứ 2 kể từ tháng 10/2023 cho tới nay. Mặc dù vậy, giá bán trung bình của 1 căn nhà tại Mỹ đã giảm nhẹ xuống còn 420,6 nghìn USD/căn ở tháng 8 từ mức 429 nghìn USD của tháng 7. Trong tuần này, thị trường chờ đợi báo cáo chi tiết về thị trường lao động Mỹ tháng 9, được công bố vào tối thứ Sáu ngày 04/10 theo giờ Việt Nam.
NHTW Úc RBA không thay đổi LSCS trong cuộc họp tháng 9. Trong cuộc họp tuần qua ngày 24/09, RBA nhận định lạm phát đã hạ nhiệt từ đỉnh 2022, tuy nhiên vẫn trên mức mục tiêu 2,0% - 3,0% và khá dai dẳng. CPI được dự báo sẽ quay trở lại phạm vi mục tiêu vào cuối năm 2025 và tiếp tục ổn định trong khoảng này vào năm 2026, phản ánh nhu cầu của nền kinh tế có thể yếu hơn một chút so với dự báo trước đây. Nhìn chung, dữ liệu mới nhất không có nhiều thay đổi so với đánh giá của RBA tại cuộc họp tháng 8, và CSTT vẫn đang hoạt động đúng như dự kiến. Theo đó, RBA quyết định giữ LSCS ở mức 4,35% trong cuộc họp lần này, không thay đổi so với trước, RBA sẽ tiếp tục dựa vào dữ liệu trong tương lai để định hướng cho các quyết định CSTT tiếp theo. Sau khi cuộc họp của RBA 1 ngày, Văn phòng Thống kê Úc công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 2,7% y/y trong tháng 8, giảm tốc mạnh so với mức tăng 3,5% của tháng 7 và đồng thời khớp với dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi trong tháng 8 cũng chỉ tăng 3,0%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,8% của tháng trước đó.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 23/09 - 27/09/2024