Tổng quan:
Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố Báo cáo bán niên tháng 11/2024 về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ". Báo cáo này xem xét và đánh giá các chính sách của 20 đối tác thương mại lớn nhất với Mỹ, đóng góp khoảng 78% thương mại quốc tế với nước này trong 4 quý tính đến tháng 6/2024. Ba tiêu chí do Bộ Tài chính nước này đưa ra khi xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn gồm: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Cụ thể, hai tiêu chí đầu tiên gồm: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không quá 15 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng 1 chiều liên tục 8 tháng trong 12 tháng kỳ báo cáo của NHTW, và con số mua ròng này ít nhất là 2% GDP. Nếu một nền kinh tế vượt ngưỡng hai trong ba tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa họ vào "danh sách giám sát". Quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo.
Báo cáo lần này kết luận không có đối tác thương mại nào của Mỹ can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Trong kỳ báo cáo này, Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Đức trong "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng. Cụ thể đối với trường hợp Việt Nam, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam trong 4 quý đến hết 6/2024 ở mức 5,0% GDP. Trong khoảng thời gian đó, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ ở mức 113,3 tỷ USD (đối với dịch vụ, Việt Nam thâm hụt cán cân dịch vụ với Mỹ ở mức 1,6 tỷ USD). Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối tháng 5/2024 là 84 tỷ USD. Báo cáo cho biết, NHNN bán ròng ngoại hối trong 4 quý kỳ báo cáo khoảng 6 tỷ USD, bằng khoảng 1,5% GDP.
Ngày 21/11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đánh giá cao việc Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác thương mại nào, trong đó có Việt Nam, can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Theo người phát ngôn, trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, thời gian qua quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên và hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ nhằm tăng cường hiểu biết hơn nữa, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước. Về phía mình, NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ, qua đó tăng cường hiểu biết, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mà hai bên cùng quan tâm. NHNN cam kết hiện đại hóa và nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và khuôn khổ quản lý tỷ giá hối đoái, không sử dụng chính sách tỷ giá để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.
Việt Nam từng bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ năm 2020 (kỳ báo cáo từ tháng 7/2019 đến hết tháng 6/2020) và được gỡ bỏ năm 2021. Tuy nhiên, các chuyên gia quan sát thấy, mặc dù chính quyền Mỹ lúc đó dán nhãn, nhưng thực tế không có hành động trừng phạt cụ thể nào. Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ có duy nhất nước Mỹ là có các đạo luật cụ thể điều chỉnh về hành vi “thao túng tiền tệ” nhằm giúp chính phủ Mỹ giành được các lợi thế trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương với các quốc gia khác trên thế giới.
Tóm lược thị trường trong nước từ 18/11 - 22/11
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 18/11 - 22/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 22/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.295 VND/USD, giảm nhẹ 03 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 18/11 - 22/11 chỉ dao động nhẹ. Kết thúc phiên 22/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.432, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng các phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt phiên 22/11, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.650 VND/USD và 25.750 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 18/11 - 22/11, lãi suất VND LNH giảm mạnh trở lại qua các phiên. Chốt ngày 22/11, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,60% (-1,18 đpt); 1W 4,76% (-1,04 đpt); 2W 4,86% (-0,88 đpt); 1M 4,98% (-0,52 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 22/11, lãi suất USD LNH, giao dịch tại: ON 4,60% (không thay đổi); 1W 4,66% (+0,01 đpt); 2W 4,70% (không thay đổi) và 1M 4,76% (+0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 18/11 - 22/11, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 68.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 68.000 tỷ đồng trúng thầu, có 99.999,73 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 3.600 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giữ ở mức 4,0%, duy có 1 phiên giảm nhẹ xuống mức 3,97%. Có 41.250 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 5.650,27 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 68.000 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 18.050 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 20/11, KBNN đấu thầu thành công 4.462 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 45%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 1.000 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 3.000 tỷ đồng/5.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ han 30Y huy động được 462 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Riêng kỳ hạn 15Y gọi thầu 1.500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5Y là 1,92% (+0,01 đpt so với phiên đấu thầu trước đó), 10Y là 2,66% (không đổi) và 30Y là 3,12% (+0,02 đpt).
Trong tuần này, ngày 27/11, KBNN dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 5.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 13.878 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 17.098 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua biến động phân hóa giữa các kỳ hạn. Chốt phiên 22/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,85% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,85% (không đổi); 3Y 1,88% (không đổi); 5Y 1,96% (+0,02 đpt); 7Y 2,28% (+0,01 đpt); 10Y 2,76% (+0,01 đpt); 15Y 2,96% (+0,01 đpt); 30Y 3.16% (-0,002 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 18/11 - 22/11, thị trường chứng khoán chưa xác định rõ xu hướng, tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 22/11, VN-Index đứng ở mức 1.228,10 điểm, tăng 9,53 điểm (+0,78%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,24 điểm (-0,11%) về mức 221,29 điểm; UPCom-Index nhích 0,37 điểm (+0,41%) lên 91,70 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên, giảm từ mức 17.700 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 4.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết số cấp phép xây dựng nhà và số nhà khởi công tại nước này lần lượt đạt 1,42 triệu đơn và 1,31 triệu căn trong tháng 10, cùng thấp hơn so với 1,43 triệu đơn và 1,35 triệu căn của tháng 9, đồng thời cùng thấp hơn mức 1,44 triệu đơn và 1,34 triệu căn theo dự báo. Bên cạnh đó, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đạt 3,96 triệu căn trong tháng 10, tăng so với 3,83 triệu căn của tháng trước đó, gần khớp với dự báo ở mức 3,95 triệu căn. Giá nhà cũ bình quân tại nước này ở khoảng 407,2 nghìn USD/căn, tăng 4,0% y/y. Tiếp theo, S&P Global khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 48,8 điểm trong tháng 11, tăng nhẹ từ 48,5 điểm của tháng 10 và khớp với dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ tăng lên 57,0 điểm trong tháng này từ 55,0 điểm của tháng trước, vượt so với dự báo ở mức 55,2 điểm. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước Mỹ ở mức 213 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 15/11, giảm nhẹ từ mức 219 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên 220 nghìn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 217,75 nghìn, giảm 3,75 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước. Cuối cùng, Đại học Michigan khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng MoU tại Mỹ trong tháng 11 ở mức 71,8 điểm, giảm xuống từ 73,0 điểm của tháng trước, trái với dự báo tăng lên 74,0 điểm. Trong tuần này, thị trường chờ đợi báo cáo GDP quý 3 sơ bộ lần 2 tại Mỹ và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE tháng 10, cùng được công bố vào ngày 27/11. Tiếp đó, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 11 vào sáng sớm ngày 28/11 theo giờ Việt Nam.
Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey có những phát biểu về lạm phát và CSTT, đồng thời quốc gia này cũng đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Trong phiên điều trần ngày 19/11 trước Quốc hội Anh, ông Bailey cho rằng có nhiều tác động sẽ diễn ra sau khi Thủ tướng Anh Rachel Reeves quyết định tăng tiền thanh toán bảo hiểm cho người lao động. Dự báo của BOE trong tháng 11 cho thấy kỳ vọng ngân sách sẽ mang lại sức tăng trưởng và lạm phát cao hơn trong ngắn hạn, làm giảm hy vọng cắt giảm LSCS nhanh. Cụ thể CPI toàn phần tại Anh được BOE dự báo ở mức 2,7% ở thời điểm cuối năm 2025, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó là 2,2%. Liên quan đến lạm phát Anh, CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 2,2% và 3,3% y/y trong tháng 10, cùng cao hơn mức tăng 1,7% và 3,2% của tháng trước đó, đồng thời cao hơn dự báo ở 2,2% và 3,1%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại nước Anh giảm 0,7% m/m trong tháng 10 sau khi tăng nhẹ 0,1% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,3% theo dự báo. So cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ vẫn tăng 2,4% y/y. Cuối cùng, S&P Global cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Anh lần lượt ở mức 48,6 và 50,0 điểm trong tháng 11, cùng giảm từ 49,9 và 52,0 điểm của tháng trước, đồng thời cùng thấp hơn mức 50,0 và 51,9 điểm theo dự báo của các chuyên gia.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 18/11 - 22/11/2024