Tổng quan:
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm ngân sách 2024 còn rất lớn.
Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan TW và địa phương là 680.075,8 tỷ đồng, bao gồm: vốn NSTW 247.726,9 tỷ, vốn NSĐP 432.348,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vốn cân đối NSĐP 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch TTCP giao, cập nhật đến hết tháng 11/2024, là 70.019,1 tỷ đồng; kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là 56.807,2 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 tính đến 30/11 là 806.902,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn ĐTC đến hết tháng 11/2024 là 438.852,7 tỷ đồng, đạt 54,4% kế hoạch tổng thể, đạt 64,52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân ước 11 tháng năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo Bộ Tài chính, vẫn còn khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chưa được giải quyết dứt điểm như: các vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA, ... cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC. Trong đó, khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm 2024 là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông.
Để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch TTgCP giao, trong thời gian 2 tháng còn lại của năm ngân sách 2024 (tính đến 31/01/2025), cả nước cần giải ngân khoảng trên 207 nghìn tỷ đồng (tương ứng khoảng 30% kế hoạch TTgCP giao). Trước khả năng không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn ĐTC năm 2024, ngày 07/11/2024, TTgCP đã ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2024. Một số nhóm giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm gồm: (i) tiếp tục thực hiện các giải pháp đã kiến nghị và đã được Chính phủ, Thủ tướng ban hành, trong đó nhấn mạnh giải pháp về đôn đốc chỉ đạo. Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 7 Tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng đi đôn đốc giải ngân; thúc đẩy cơ chế các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để đôn đốc giải ngân vốn ĐTC; (ii) tổ chức triển khai thực hiện, đây là nhóm giải pháp khá khó mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương; (iii) tháo gỡ khó khăn: ngoài khó khăn về vật liệu thông thường, còn những khó khăn khác đối với một số dự án như về mặt thủ tục, đặc biệt là các thủ tục điều chỉnh dự án; (iv) tăng cường kỷ luật, kỷ cương về ĐTC, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý ĐTC nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải pháp đột phá thúc đẩy giải ngân ĐTC trong dài hạn được xác định là giải pháp về thể chế. Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Khóa XV, cùng với đó là sửa đổi 4 luật liên quan đến đầu tư gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Thị trường kỳ vọng, các Luật sửa đổi khi có hiệu lực sẽ góp phần giải quyết triệt để những vấn đề vướng mắc, tồn đọng hiện nay. Cụ thể về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), 05 nhóm chính sách sửa đổi lớn tại hồ sơ đề xuất trong Dự án Luật gồm: (i) nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng; (ii) nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (iii) nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (iv) nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; (v) nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tóm lược thị trường trong nước từ 25/11 - 29/11
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 25/11 - 29/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm, đặc biệt giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 29/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.251 VND/USD, giảm mạnh 44 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 25/11 - 29/11 giảm dần qua các phiên. Kết thúc phiên 29/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.372, giảm 60 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm nhẹ trở lại. Chốt phiên 29/11, tỷ giá tự do tăng 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.690 VND/USD và 25.790 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 25/11 - 29/11, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm mạnh qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 29/11, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 3,13% (-1,47 đpt); 1W 3,90% (-0,86 đpt); 2W 4,49% (-0,37 đpt); 1M 4,79% (-0,19 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 29/11, lãi suất USD LNH, giao dịch tại: ON 4,60% (không thay đổi); 1W 4,67% (+0,01 đpt); 2W 4,71% (+0,01 đpt) và 1M 4,76% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 25/11 - 29/11, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 54.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 53.999,85 tỷ đồng trúng thầu, có 68.000 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 9.980 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 7.950 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 16.030,15 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 53.999,85 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 20.080 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 27/11, KBNN đấu thầu thành công 4.000 tỷ đồng/10.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 38%. Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được 3.000 tỷ đồng/5.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 1.000 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 15Y gọi thầu lần lượt 2.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 10Y là 2,68% (+0,02 đpt so với phiên đấu thầu trước đó) và 30Y là 3,15% (+0,05 đpt).
Trong tuần này, ngày 04/12, KBNN dự kiến chào thầu 9.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y chào thầu 1.500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 16.072 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 13.878 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua dao động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 29/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,85% (+0,004 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,86% (+0,004 đpt); 3Y 1,88% (+0,004 đpt); 5Y 1,97% (+0,003 đpt); 7Y 2,28% (-0,001 đpt); 10Y 2,76% (không đổi); 15Y 2,96% (+0,001 đpt); 30Y 3,16% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 25/11 - 29/11, thị trường chứng khoán diễn biến khá tích cực khi cả 3 chỉ số đều chốt tuần trong sắc xanh. Kết thúc phiên 29/11, VN-Index đứng ở mức 1.250,46 điểm, tăng mạnh 22,36 điểm (+1,82%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 3,35 điểm (+1,51%) lên mức 224,64 điểm; UPCom-Index tăng 1,04 điểm (+1,13%) đạt 92,74 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 12.900 tỷ đồng/phiên, giảm từ mức 15.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng nhẹ gần 222 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 11, đồng thời nước Mỹ ghi nhận các chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong biên bản cuộc họp công bố ngày 26/11, Fed nhận định GDP tăng trưởng vững chắc từ đầu năm tới nay. Tốc độ tăng trưởng việc làm đã chững lại đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp thực tế đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp. Lạm phát giá tiêu dùng thấp hơn nhiều so với những gì ghi nhận ở năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE toàn phần và PCE lõi trong tháng 9 lần lượt là 2,1% và 2,7% y/y. Fed dự báo từ năm 2025 đến 2027, GDP Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn một chút so với mức tiềm năng, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ. Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục thu hẹp tốc độ do cung cầu trên thị trường dần cân bằng hơn. Về CSTT, các thành viên Hội đồng Thị trường Mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) cho rằng quyết định bắt đầu nới lỏng CSTT vào tháng 9 là phù hợp, và rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và mục tiêu lạm phát đang gần như cân bằng. Để hỗ trợ các mục tiêu trên, FOMC quyết định hạ LSCS 25 đcb, từ mức 4,75 – 5,0% xuống còn 4,50% - 4,75%. FOMC sẽ tiếp tục dựa trên những dữ liệu kinh tế trong tương lai để đưa ra những quyết định tiếp theo. Liên quan đến kinh tế Mỹ, GDP nước này tăng 2,8% q/q trong quý 3 theo báo cáo sơ bộ lần 2, không điều chỉnh so với kết quả thống kê ban đầu, đồng thời khớp với dự báo. Liên quan đến lạm phát Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi và PCE toàn phần tại nước này cùng tăng 0,3% m/m trong tháng 10, bằng mức tăng của tháng trước đó, đồng thời khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, PCE lõi và PCE toàn phần tháng 10 lần lượt tăng 2,8% và 2,3% y/y, cùng mở rộng hơn mức tăng 2,7% và 2,1% ghi nhận trong tháng 9. Tại thị trường bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ tăng 2,0% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 7,5% ở tháng trước đó và trái với dự báo giảm 2,1%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số nhà chờ bán tháng vừa qua tăng 7,0% y/y. Giá nhà bình quân tại nước Mỹ tăng 0,7% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng trước đó và mạnh hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. Như vậy, giá nhà ở tại quốc gia này trong quý 3 tăng khoảng 0,7% q/q và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 22/11 ở mức 213 nghìn đơn, trái với dự báo đi ngang ở mức 215 nghìn đơn của tuần trước đó. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất là 217 nghìn, giảm nhẹ 1,25 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước. Tuần này, thị trường chờ đợi báo cáo chi tiết thị trường lao động Mỹ tháng 11, sẽ được công bố vào ngày 06/12 theo giờ Việt Nam.
Khu vực Eurozone đón các thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần Eurozone tăng 2,3% y/y trong tháng 11 theo báo cáo sơ bộ, cao hơn mức tăng 2,0% của tháng trước đó và khớp với dự báo. CPI lõi trong tháng vừa qua tăng 2,7% y/y, đi ngang so với kết quả thống kê tháng 10 và trái với dự báo tăng nhẹ lên 2,8%. Tại nước Đức nói riêng, CPI tháng 11 giảm nhẹ 0,2% m/m sau khi tăng 0,4% ở tháng trước, khớp với con số dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, CPI Đức tăng 2,2% y/y trong tháng 11, cao hơn mức tăng 2,0% của tháng 10. Cuối cùng, tổ chức Ifo khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức ở mức 85,7 điểm trong tháng 11, giảm từ mức 86,5 điểm của tháng 10 và xuống thấp hơn dự báo ở mức 86,1 điểm. Trong tuần này, Eurozone chờ đợi các thông tin liên quan đến thị trường lao động và doanh số bán lẻ của tháng 10, lần lượt công bố vào ngày 02 và 05/12 theo giờ Việt Nam.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 25/11 - 29/11/2024