Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 10/02 - 14/02/2025

08:34 17/02/2025

Tổng quan:

Ngay từ đầu năm, Chính phủ triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đạt mức tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày 12/02/2025, Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, cao hơn mục tiêu Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp cuối năm 2024 khoảng 1-1,5 đpt; chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5-5%. Như vậy, quy mô GDP 2025 khoảng 500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD. Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024. Công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Theo tính toán của Chính phủ,  năm 2025 phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, tương đương 33,5% GDP. Trong đó, ĐTC khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 (790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI 28 tỷ USD và đầu tư khác là 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) năm nay tăng 12% trở lên. Để đạt mục tiêu chung, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm nay tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP HCM và các địa phương tiềm năng tăng trưởng cao của cả nước. Về NSNN, Chính phủ đề nghị cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4,0 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho ĐTPT; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).

Các giải pháp chính được Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay chủ yếu gồm hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh giải ngân ĐTC, thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp CBCT.... Trước đó, tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng cho mỗi địa phương (GRDP) phải từ 8% trở lên, trong đó, khoảng 2/3 địa phương có tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Chính phủ cũng giao bổ sung một số chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực về sản xuất công nghiệp, du lịch, tiêu dùng gắn với trách nhiệm của các bộ ngành. Theo đó, Bộ Tài chính phải đưa tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi NSNN xuống 60%, tỷ trọng chi ĐTPT lên 31%. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đảm bảo tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ở mức 33,5% GDP. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về một số chỉ tiêu như tốc độ tăng tổng kim ngạch XK hàng hóa 12%, thặng dư thương mại 30 tỷ USD, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%... Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm hoàn thành mục tiêu thu hút 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa…

Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên dự kiến sẽ được các đại biểu quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 15/02 và biểu quyết thông qua vào ngày 19/02.

Để có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá để thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, tại hội nghị với ngành ngân hàng ngày 11/02, Thủ tướng Chính phủ nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà ngành ngân hàng và các NHTM cần tập trung thực hiện thời gian tới với một số nhiệm vụ chính: (i) tiết giảm chi phí hoạt động, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận của mình để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân; (ii) tập trung TD, góp phần làm mới ba động lực tăng trưởng là đầu tư (đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), tiêu dùng (có các gói tín TD cho người tiêu dùng, gói TD cho các ngành kinh tế mũi nhọn, giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế…), xuất khẩu; (iii) NHNN, các NHTM phải tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu số; (iv) xây dựng các gói TD ưu đãi cho nhà ở xã hội, góp phần xoá nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có ưu đãi cho những người trẻ có nhu cầu an cư, lạc nghiệp…. Ngành Ngân hàng hạ quyết tâm, năm 2025, NHNN định hướng tăng trưởng TD khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; chính sách TD tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, khai thác các động lực như TD tiêu dùng, TD cho doanh nghiệp vừa và nhỏ... Về vấn đề lãi suất và tỷ giá, NHNN cho rằng đây là nhiệm vụ rất thách thức, bản thân các NHTM cần có sự rà soát tiết giảm chi phí để cố gắng giảm lãi suất. Trong điều hành, NHNN cũng có các kênh đưa tiền ra để các ngân hàng không phải gặp khó khăn trong nguồn vốn. Về tỷ giá, NHNN theo dõi sát, điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường. Về xử lý nợ xấu, ngành Ngân hàng mong muốn được luật hóa Nghị quyết 42 để tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn hiện nay.

Ngày 10/02, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. Năm 2025, Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số; đề nghị các bộ ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, cam kết tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước, ví dụ như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc; đường sắt đô thị; dự án điện hạt nhân; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; triển khai các dự án khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ… Trong thời gian tới, Thường trực Chính phủ sẽ lần lượt có các hội nghị với DN nhà nước, DN tư nhân, DN có vốn ĐTNN nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, nhất là những việc cần làm trong trước mắt và tương lai để thúc đẩy phát triển đất nước, đặc biệt là đề xuất tháo gỡ vướng mắc về thể chế.

Tóm lược thị trường trong nước từ 10/02 - 14/02/2025

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 10/02 - 14/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 14/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.562 VND/USD, tăng 100 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Kể từ ngày 11/02 NHNN quay trở lại niêm yết tỷ giá mua giao ngay cao hơn 50đ so với tỷ giá sàn và tỷ giá bán giao ngay thấp hơn 50đ so với tỷ giá trần (sau thời gian dài niêm yết đi ngang lần lượt ở mức 23.400 và 25.450 VND/USD). Kết thúc tuần, tỷ giá mua giao ngay của NHNN ở mức 23.384 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.740 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 10/02 - 14/02 biến động tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 14/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.390, tăng 80 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm dần trở lại. Chốt phiên 14/02, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.610 VND/USD và 25.710 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 10/02 - 14/02, lãi suất VND LNH các kỳ hạn từ 1M trở xuống giảm dần sau khi giật lên ở phiên ngày thứ Hai. Chốt ngày 14/02, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,02% (-0,48 đpt); 1W 4,35% (-0,33 đpt); 2W 4,63% (-0,17 đpt); 1M 4,80% (-0,10 đpt).

Lãi suất USD LNH giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 14/02, lãi suất USD LNH, giao dịch tại: ON 4,33% (-0,04 đpt); 1W 4,40% (-0,02 đpt); 2W 4,48% (-0,03 đpt) và 1M 4,53% (-0,05 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 10/02 - 14/02, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu hai loại kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với tổng khối lượng là 109.000 tỷ đồng, lãi suất cùng giữ ở mức 4,0%. Có 85.633,76 tỷ trúng thầu và có 121.138,62 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở kỳ hạn 7 ngày. Có 19.599,6 tỷ đồng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu giảm nhẹ ở hai phiên cuối tuần, từ mức 4,0% lần lượt xuống 3,97% và 3,9%. Có 16.999,8 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua. 

Như vậy, NHNN hút ròng 38.104,66 tỷ đồng khỏi thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 119.535,76 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 19.599,6 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu: Ngày 12/02, KBNN đấu thầu thành công 10.036 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 84%). Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được toàn bộ 10.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 36 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 15Y gọi thầu lần lượt 500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10Y là 2,94% (+0,06 đpt so với phiên đấu thầu trước) và 30Y là 3,25% (không đổi).

Ngày 19/02, KBNN dự kiến chào thầu 13.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 11.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.649 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 10.231 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tăng mạnh ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 14/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 2,09% (+0,06 đpt so với phiên cuối tuần trước Tết); 2Y 2,11% (+0,05 đpt); 3Y 2,18% (+0,07 đpt); 5Y 2,43% (+0,08 đpt); 7Y 2,81% (+0,14 đpt); 10Y 3,13% (+0,09 đpt); 15Y 3,30% (+0,09 đpt); 30Y 3,45% (+0,09 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 10/02 - 14/02, thị trường chứng khoán tăng giảm luân phiên. Kết thúc phiên 14/02, VN-Index đứng ở mức 1.276,08 điểm, tăng nhẹ 0,88 điểm (+0,07%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,73 điểm (+0,75%) lên mức 231,22 điểm; UPCom-Index tăng 1,11 điểm (+1,14%) đạt 98,35 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 15.000 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 14.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng tương đối mạnh gần 2.130 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục mở rộng chiến tranh thương mại. Ngày 10/02, Tổng thống Mỹ Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, nâng lên từ mức 10% đã áp dụng kể từ năm 2018 (một số nước ngoại lệ ở năm 2018 cũng sẽ bị áp thuế 25%). Đối với mặt hàng nhôm, Canada dẫn đầu xuất khẩu vào Mỹ với 9,5 tỷ USD trong năm 2024, theo sau lần lượt là UAE 1,1 tỷ, Mexico 700 triệu, Hàn Quốc 600 triệu và Trung Quốc 500 triệu USD. Về thép Canada cũng là nhà cung cấp số 1 của Mỹ, với 11,2 tỷ USD năm 2024, tiếp theo là Mexico 6,5 tỷ, Brazzil 5,2 tỷ, Hàn Quốc 3,2 tỷ và Việt Nam 1,7 tỷ USD. Tiếp đó, ngày 13/02, ông Trump cũng ký một bản ghi nhớ, ra lệnh cho các quan chức bắt đầu tính toán thuế quan đối ứng để áp lên hàng hóa nhập khẩu của các đối tác thương mại toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu. Ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết thuế đối ứng có thể có hiệu lực từ ngày 02/04, sau khi các nghiên cứu về vấn đề này được hoàn tất. Sau các động thái trên của Tổng thống Trump, Hàn Quốc cho biết sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng mà Mỹ quan tâm và chuẩn bị tài liệu giải thích về các rào cản phi thuế quan của nước này đối với hàng hóa Mỹ. Nhật Bản cũng thông báo đã liên lạc với Mỹ và sẽ có phản ứng một cách thích hợp.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có những phát biểu quan trọng về CSTT. Bên cạnh đó, Mỹ cũng ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý, nổi bật là CPI tháng tăng tương đối mạnh trong tháng đầu năm. Trong buổi điều trần ngày 12/02 tại Washington DC, Chủ tịch Powell cho biết GDP Mỹ trong năm 2024 tăng 2,5%, mức tăng việc làm trung bình 4 tháng gần nhất là 189 nghìn mỗi tháng, tỷ lệ thất nghiệp ổn định quanh mức 4%. Lạm phát đã giảm đáng kể trong 2 năm qua nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE đã tăng 2,6% trong 12 tháng năm 2024, bên cạnh đó PCE lõi tăng 2,8%. Ông nhắc lại Fed đã hạ LSCS 1 đpt kể từ tháng 09/2024. CSTT đã bớt thắt chặt hơn đáng kể so với trước và nền kinh tế vẫn vững mạnh, Fed không cần vội vàng điều chỉnh lập trường CSTT của mình. Cơ quan này biết rằng nới lỏng CSTT quá nhanh hoặc quá nhiều có thể cản trở quá trình kiểm soát lạm phát, tuy nhiên nới lỏng quá chậm hoặc quá ít có thể làm hoạt động kinh tế và việc làm suy yếu. Liên quan đến kinh tế Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi và CPI toàn phần tại nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,5% m/m trong tháng 1, nối tiếp đà tăng 0,2% và 0,4% ở tháng trước đó, đồng thời cao hơn so với dự báo cùng tăng 0,3%. Theo đó, CPI toàn phần tại Mỹ tăng 3,0% y/y trong tháng vừa qua, trái với dự báo không thay đổi ở mức 2,9% như kết quả thống kê tháng 12. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI lõi và PPI toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,4% m/m trong tháng 1, nối tiếp đà tăng 0,4% và 0,5% của tháng trước đó, cao hơn so với dự báo cùng tăng 0,3% m/m. So với cùng kỳ năm 2024, PPI lõi và PPI toàn phần lần lượt tăng 3,5% và 3,4% y/y, không biến động nhiều so với kết quả cùng tăng 3,5% ở tháng 12. Cuối cùng, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt giảm 0,4% và 0,9% m/m trong tháng 1 sau khi cùng tăng 0,7% ở tháng trước đó. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ toàn phần Mỹ vẫn tăng khá mạnh 4,2% y/y. Sau khi các thông tin trên được công bố, công cụ dự báo của CME cho thấy có 97% khả năng Fed giữ LSCS đi ngang trong cuộc họp ngày 19/03 và chỉ còn 3% khả năng cắt giảm LSCS 25 đcb xuống mức 4,0% - 4,25%.

Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong tuần qua. Kết thúc phiên 14/02, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,55% w/w, DAX tăng 3,33% và Shanghai tăng 1,30%. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng giảm luân phiên và kết thúc tuần trong sắc xanh sau khi thị trường đón nhận những phát biểu có phần trung lập của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Các nhà đầu tư chờ đợi thêm tín hiệu từ cơ quan này, cụ thể là biên bản cuộc họp tháng 1, sẽ được Fed công bố vào ngày 20/02 theo giờ Việt Nam.

Giá vàng tăng, đóng cửa phiên ngày 14/02 ở mức 2.883,80 USD/oz, tương đương tăng 0,80% w/w. Kim loại quý này có tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp, chủ yếu do thị trường lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu sau động thái thúc đẩy thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giá dầu giảm nhẹ trong tuần qua. Kết thúc phiên 14/02, giá dầu WTI ở mức 70,74 USD/thùng, tương đương giảm 0,37% w/w. Giá mặt hàng này đi lên trong những phiên đầu tuần, tuy nhiên giảm trở lại ở những phiên cuối tuần sau khi xuất hiện triển vọng về một thoả thuận hoà bình giữa Nga và Ukraine, điều có thể dẫn đến chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 10/02 - 14/02/2025

Đọc thêm