Tổng quan:
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2025 tăng cao, Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát 2025 ở mức khoảng 4,15%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 06/01/2025 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 01/2025 tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2024, CPI tháng 1 tăng 3,63%. Nguyên nhân khiến chỉ số CPI tháng 1 tăng là do một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Cụ thể, trong mức tăng 0,98% của CPI tháng 01/2025 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với tăng 9,47% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,51 đpt. Trong đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 12,57% do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển sang mùa đông, bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Cụ thể, giá nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,34%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,16%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,12%. Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 0,95%, làm CPI chung tăng 0,09 đpt. Trong đó, nhu cầu đi lại của người dân tăng vào dịp cuối năm làm cho giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 11,08%; vận tải hành khách đường bộ và vận tải hành khách bằng đường thủy cùng tăng 1,73%; vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 1,71%; vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 0,24%. Chỉ số giá xăng tăng 2,02%, chỉ số giá dầu diezen tăng 4,99% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước. Giá phụ tùng ô tô tăng 0,66%; lốp, săm xe máy tăng 0,28%; phụ tùng khác của xe máy tăng 0,4%... Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%, tác động làm CPI chung tăng 0,25 đpt. Trong đó, lương thực tăng 0,3% ; thực phẩm tăng 0,97% tác động làm CPI chung tăng 0,21 đpt; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33%. Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,69% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 0,8%; thuốc hút tăng 0,7%; đồ uống không cồn tăng 0,36%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%. Cận Tết nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng tăng 0,27%, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng: Giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,59% do nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; du lịch trọn gói tăng 0,64% (du lịch trong nước tăng 0,52%; du lịch ngoài nước tăng 0,99%) do nhu cầu đi du lịch của người dân và chi phí dịch vụ tăng; khách sạn, nhà khách tăng 0,43%; sách, báo, tạp chí các loại tăng 0,12%.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 01/2025 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê nhận định, lạm phát cơ bản tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,63%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Theo thông tin từ cuộc họp Ban Chỉ đạo để đánh giá công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng năm 2025 ngày 06/02, năm 2025, Bộ Tài chính giả định biến động giá một số mặt hàng thiết yếu tác động đến CPI theo 3 kịch bản: kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 3,83% so với năm 2024; kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024; kịch bản 3, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,5% so với năm 2024. Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị chọn kịch bản CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024 (kịch bản thứ 2) để có dư địa quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu 8%.
Tóm lược thị trường trong nước từ 03/02 - 07/02/2025
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 03/02 - 07/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 07/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.462 VND/USD, tăng tới 137 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 03/02 - 07/02 biến động tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 07/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.310, tăng mạnh 210 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm dần trở lại. Chốt phiên 07/02, tỷ giá tự do tăng 130 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.580 VND/USD và 25.680 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 03/02 - 07/02, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 07/02, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,50% (-0,32 đpt); 1W 4,68% (-0,19 đpt); 2W 4,80% (-0,13 đpt); 1M 4,90% (-0,20 đpt).
Lãi suất USD LNH giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 07/02, lãi suất USD LNH, giao dịch tại: ON 4,37% (-0,01 đpt); 1W 4,42% (-0,05 đpt); 2W 4,51% (-0,03 đpt) và 1M 4,58% (-0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 03/02 - 07/02, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 109.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 95.073,92 tỷ trúng thầu và có 73.613,26 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở kỳ hạn 7 ngày. Có 16.999,8 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 4,0%. Có 29.849,6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 34.310,46 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 155.040,62 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 16.999,8 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 05/02, KBNN đấu thầu thành công 8.800 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 73%). Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được 8.000 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15Y huy động được 300 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 20Y gọi thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10Y là 2,88% (+0,09 đpt so với phiên đấu thầu trước), 15Y là 3,0% (+0,02 đpt), 30Y là 3,25% (không đổi).
Ngày 12/02, KBNN dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.231 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 11.173 tỷ đồng/phiên của tuần trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Lợi suất TPCP trong tuần qua tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 07/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 2,03% (+0,01 đpt so với phiên cuối tuần trước Tết); 2Y 2,06% (+0,01 đpt); 3Y 2,11% (+0,01 đpt); 5Y 2,35% (+0,02 đpt); 7Y 2,67% (+0,12 đpt); 10Y 3,04% (+0,04 đpt); 15Y 3,21% (+0,03 đpt); 30Y 3,36% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 03/02 - 07/02, thị trường chứng khoán khá tích cực khi tăng nhẹ ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 07/02, VN-Index đứng ở mức 1.275,20 điểm, tăng 10,15 điểm (+0,80%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 6,48 điểm (+2,91%) lên mức 229,49 điểm; UPCom-Index tăng 2,94 điểm (+3,12%) đạt 97,24 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 14.800 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 12.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 4.300 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Washington và Bắc Kinh có những động thái đầu tiên của chiến tranh thương mại, bên cạnh đó kinh tế Mỹ đón một số thông tin quan trọng. Tuần qua, ngày 03/02 Chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Trump quyết định lùi thời hạn áp thuế 25% đối với Mexico và Canada 1 tháng sau khi đạt được thỏa thuận với 2 nước này về an ninh biên giới. Mặc dù vậy, áp tăng thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vẫn được giữ lại và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 04/02. Ở phía ngược lại, ngày 05/02, Trung Quốc tuyên bố áp tăng thuế 15% lên than đá và khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, đồng thời sẽ tăng thêm 10% thuế cho dầu thô, máy móc nông nghiệp và xe bán tải nhập khẩu từ nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng gửi đơn kiện lên WTO, cho rằng các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump "mang bản chất phân biệt đối xử", đi ngược với quy định của Tổ chức. Liên quan đến kinh tế Mỹ, Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của nước này tăng lên mức 50,9% trong tháng đầu năm, trái với dự báo đi ngang ở mức 49,3% của tháng 12/2024. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ nước này ở mức 52,8% trong tháng 1, giảm xuống từ mức 54,1% của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 54,2% theo dự báo. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 7,60 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 12/2024, thấp hơn mức 8,1 triệu của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 8,01 triệu theo kỳ vọng. Trong tháng 1, quốc gia này tạo ra 143 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, thấp hơn nhiều so với mức 307 nghìn của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 169 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng vừa qua giảm xuống còn 4,0%, trái với dự báo đi ngang ở mức 4,1% như kết quả thống kê tháng 12. Cuối cùng, thu nhập bình quân của người dân Mỹ trong tháng 1 tăng 0,5% m/m, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng trước đó và cao hơn mức tăng 0,4% theo dự báo. Trong tuần này, thế giới chờ đợi thông tin liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 của Mỹ, được công bố vào tối ngày 12/02 theo giờ Việt Nam.
NHTW Anh BOE cắt giảm LSCS trong cuộc họp đầu năm. Trong phiên họp ngày 06/02, BOE cho biết đã đạt được những tiến bộ trong việc kiểm soát lạm phát sau khi cắt giảm LSCS 2 lần trong năm 2024. Lạm phát có thể tăng lên 3,7% trong nửa đầu năm 2025, tuy nhên tình trạng này là nhất thời do giá năng lượng cao và hóa đơn nước của các hộ gia đình cũng có thể đi lên. Lạm phát sẽ giảm trở lại sau đó về ngưỡng mục tiêu 2,0% trong dài hạn. Kinh tế Anh có thể sẽ không phát triển tương ứng với lạm phát do những cú sốc về thuế quan trên toàn cầu, và những diễn biến phức tạp ở Trung Đông. Trong cuộc họp lần này, BOE quyết định cắt giảm LSCS 25 đcb từ mức 4,75% xuống còn 4,5% với sự đồng thuận của 7/9 thành viên Hội đồng CSTT MPC, 2 thành viên còn lại cho rằng cần cắt giảm LSCS 50 đcb. MPC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những rủi ro có thể khiến lạm phát dai dẳng. CSTT sẽ được thắt chặt trong thời gian đủ dài cho đến khi rủi ro ngăn cản quá trình đạt được lạm phát mục tiêu biến mất. MPC sẽ dựa vào những dữ liệu lạm phát và kinh tế tại mỗi cuộc họp để đưa ra quyết định phù hợp. Liên quan đến kinh tế Anh, chỉ số PMI lĩnh vực xây dựng tại nước này ở mức 48,1 điểm trong tháng 1, giảm mạnh từ 53,3 điểm của tháng 12, trái với kỳ vọng tăng nhẹ lên mức 53,5 điểm. PMI dịch vụ tại Anh trong tháng 1 cũng chỉ đạt 50,8 điểm, giảm nhẹ từ 51,1 điểm của tháng trước đó.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 03/02 - 07/02/2025