Tổng quan:
Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 cũng như triển khai các dự án trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/02/2025 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Công điện nêu rõ, giải ngân vốn ĐTC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương, Quốc hội giao, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên. Trong đó, bên cạnh các dự án đang thực hiện của những năm trước, Việt Nam dự kiến bắt đầu triển khai trong năm 2025 và hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong khoảng 10 năm. Đồng thời trong năm nay, dự án tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc, Trung Á và châu Âu cũng có thể được khởi công. Nhiều dự án lớn về sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc đang được thúc đẩy về đích đúng hạn, … Năm 2025, ít nhất 3.000 km đường cao tốc có thể hoàn thành.
Tuy nhiên, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ĐTC năm 2025 đến ngày 31/01/2025 mới đạt 96,07% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân tháng 01 ước đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 là 2,58%). Số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn, khoảng 84.840,5 tỷ đồng.
Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) kế hoạch Thủ tướng giao, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: (i) xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên; (ii) khẩn trương phân bổ chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 trong quý I/2025, không để tiếp tục chậm trễ, nếu hết quý I/2025 không hoàn thành thì Chính phủ sẽ thu hồi để phân bổ cho các dự án khác cần vốn; (iii) lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý; (iv) đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án liên vùng, có tác động lan tỏa, ... Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổng hợp, báo cáo TTCP trong tháng 02/2025 về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025, đề xuất phương án xử lý đối với số vốn còn lại chưa được phân bổ chi tiết; đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 sang năm 2025, báo cáo TTCP trước ngày 15/3/2025; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 22/02/2025, …
Ngoài ra, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng đã thông qua một loạt cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm quốc gia. Nổi bật nhất, mới đây, sáng 19/02, Quốc hội quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, TTCP được quyền giao chủ đầu tư thực hiện dự án này; Chính phủ được áp dụng chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay khi xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Việc chỉ định thầu được áp dụng quy trình rút gọn với các gói tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ duyệt địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi, cũng như tư vấn chủ đầu tư đàm phán, ký, quản lý hợp đồng chìa khóa trao tay và giám sát thi công; thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh trong các giai đoạn đầu tư làm dự án. Cũng theo quyết nghị của Quốc hội, quá trình đàm phán điều ước quốc tế, hợp đồng chìa khóa trao tay được thực hiện song song với lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Liên quan phương án tài chính, thu xếp vốn, Chính phủ được phép đàm phán với chính phủ các đối tác thực hiện để có vốn theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài. Chủ đầu tư được phép thu xếp vốn đối ứng từ nguồn vốn vay, trái phiếu. CĐT được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi (không phải chịu rủi ro tín dụng, không phải lập đề xuất chương trình, dự án dùng vốn ODA, vay ưu đãi, ...). Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN và vốn khác cho dự án sẽ do TTCP quyết định. Các NHTM được cho vay vượt giới hạn phần vốn đối ứng dự án; khoản này không tính vào tổng dư nợ TD của NHTM với CĐT, tránh ảnh hưởng tới thu xếp vốn các dự án khác. Khoản dư nợ vay, trái phiếu không tính vào số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CĐT, tránh ảnh hưởng đến thu xếp vốn các dự án khác. TTCP được duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của CĐT từ nguồn đánh giá lại tài sản của các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, BOT. Quốc hội cho phép không phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích dùng rừng để lấy đất làm dự án, tuy nhiên, lưu ý hạn chế việc chuyển đổi rừng tự nhiên, ... Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) 1,5 lần, …
Tóm lược thị trường trong nước từ 17/02 - 21/02/2025
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 17/02 - 21/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh 4 phiên đầu tuần rồi giảm nhẹ ở phiên cuối tuần. Chốt ngày 21/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.638 VND/USD, tăng 76 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.457 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết mức 25.819 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 17/02 - 21/02 tăng khá mạnh qua các phiên. Kết thúc phiên 21/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.525, tăng mạnh 135 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua ít biến động. Chốt phiên 21/02, tỷ giá tự do tăng 05 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.615 VND/USD và 25.715 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 17/02 - 21/02, lãi suất VND LNH các kỳ hạn từ 1M trở xuống tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 21/02, lãi suất VND LNH giao dịch ở mức: ON 4,07% (+0,05 đpt); 1W 4,42% (+0,07 đpt); 2W 4,58% (-0,05 đpt); 1M 4,78% (-0,02 đpt).
Lãi suất USD LNH giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 21/02, lãi suất USD LNH, giao dịch tại: ON 4,31% (-0,02 đpt); 1W 4,38% (-0,02 đpt); 2W 4,45% (-0,03 đpt) và 1M 4,51% (-0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 17/02 - 21/02, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 51.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 37.058,8 tỷ trúng thầu và có 69.114,37 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở kỳ hạn 7 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 21.699,3 tỷ đồng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu dao động quanh mức 3,8 - 4,0%. Có 19.599,6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 34.155,27 tỷ đồng khỏi thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 87.480,19 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 21.699,3 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 19/02, KBNN đấu thầu thành công 10.183 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 78%). Trong đó, kỳ hạn 10Y huy động được 10.000 tỷ đồng/11.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 183 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 15Y gọi thầu lần lượt 500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10Y là 2,97% (+0,03 đpt so với phiên đấu thầu trước) và 30Y là 3,28% (+0,03 đpt).
Ngày 26/02, KBNN dự kiến chào thầu 13.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 10Y chào thầu 12.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 15.104 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 8.649 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm nhẹ ở các kỳ hạn 5Y, 10Y và 15Y trong khi tăng nhẹ ở các kỳ hạn còn lại. Chốt phiên 21/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 2,09% (+0,01 đpt so với phiên cuối tuần trước Tết); 2Y 2,12% (+0,01 đpt); 3Y 2,18% (+0,01 đpt); 5Y 2,43% (-0,004 đpt); 7Y 2,86% (+0,05 đpt); 10Y 3,12% (-0,01 đpt); 15Y 3,29% (-0,01 đpt); 30Y 3,45% (+0,004 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 17/02 - 21/02, các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 21/02, VN-Index đứng ở mức 1.296,75 điểm, tăng mạnh 20,67 điểm (+1,62%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 6,35 điểm (+2,75%) lên mức 237,57 điểm; UPCom-Index thêm 2,26 điểm (+2,30%) đạt 100,61 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 17.400 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 15.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.720 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp đầu năm, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Về Fed, trong biên bản họp đầu năm, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) cho rằng GDP Mỹ tăng trưởng vững chắc trong 2024. Sau một thời gian dài tái cân bằng, thị trường lao động đã ổn định, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, tuy nhiên lạm phát giá tiêu dùng còn cao. PCE toàn phần và PCE lõi lần lượt là 2,4% và 2,8% trong tháng 11, thấp hơn mức 2,7% và 3,2% thời điểm một năm về trước. FOMC dự báo sản lượng kinh tế sẽ tiếp tục hướng về mức cân bằng và tỷ lệ thất nghiệp cũng hướng về mức tự nhiên trong thời gian tới. Các quan chức nhận định CSTT hiện tại đã bớt thắt chặt, giúp Fed có thêm thời gian để đánh giá tình hình, đặc biệt là những tác động của các chính sách của chính quyền mới, bao gồm thuế quan và nới lỏng tài khóa. Liên quan tới kinh tế Mỹ, PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất tại nước này (theo S&P Global khảo sát) ở mức 51,6 điểm trong tháng 2, tăng lên từ 51,2 điểm của tháng 1 và đồng thời cao hơn mức 51,3 điểm theo dự báo. Ngược lại, PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng này giảm xuống còn 49,7 điểm từ mức 52,9 điểm của tháng 1, trái với kỳ vọng đạt mức 53,0 điểm. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 15/02 ở mức 219 nghìn đơn, tăng lên từ 214 nghìn đơn của tuần trước đó và đồng thời cao hơn mức 215 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất ở mức 215,25 nghìn, tăng nhẹ 1 nghìn so với 4 tuần liền trước. Cuối cùng, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ trong tháng 1 chỉ đạt 4,08 triệu căn, thấp hơn 4,29 triệu căn của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 4,13 triệu căn theo dự báo. Trong tuần này, Chính phủ Mỹ sẽ công bố GDP sơ bộ Q4/2024. Kinh tế Mỹ được kỳ vọng tăng trưởng 2,3% q/q trong quý vừa qua.
NHTW Úc RBA có đợt cắt giảm LSCS đầu tiên sau hơn 4 năm. Trong cuộc họp ngày 18/02, RBA cho biết lạm phát tại Úc đã giảm đáng kể từ mức đỉnh năm 2022, do lãi suất cao đã góp phần đưa tổng cầu và tổng cung về gần mức cân bằng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần ở khoảng 3,2% y/y trong quý cuối năm, cho thấy tốc độ hạ nhiệt đang nhanh hơn một chút so với kỳ vọng. Nhu cầu của xã hội đang tăng trưởng chậm lại và áp lực tiền lương cũng đã giảm bớt, giúp RBA tin rằng lạm phát đang di chuyển về mức mục tiêu 2% - 3% một cách bền vững. Trong cuộc họp lần này, RBA quyết định cắt giảm LSCS 25 đcb, từ mức 4,35% xuống còn 4,10%. Đây là lần đầu tiên RBA cắt giảm LSCS sau hơn 4 năm (11/2020), LS đã ở mức đỉnh 4,35% kể từ tháng 07/2023. Mặc dù vậy, RBA cũng khẳng định CSTT vẫn đang trong trạng thái thắt chặt. Thống đốc RBA Michele Billock sau cuộc họp nhấn mạnh các quyết định tiếp theo sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, trong bối cảnh lạm phát vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Cũng trong tuần qua, nước Úc đón các chỉ báo cho thấy thị trường lao động vẫn ổn định. Cụ thể, quốc gia này tạo ra 44 nghìn việc làm mới trong tháng đầu năm 2025, thấp hơn so với mức 60 nghìn của tháng trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức 19,4 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tháng 1/2025 vẫn giữ ở mức 67,2%, không thay đổi so với trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tăng lên mức 4,1% trong tháng 1 từ mức 4,0% của tháng trước đó, khớp với dự báo của thị trường. Chỉ số tiền lương theo tuần tại Úc trong Q4/2024 tăng 0,7% q/q, thấp hơn mức tăng 0,9% so với quý trước đó và mức tăng 0,8% dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, tiền lương theo tuần trong Q4 tăng 3,2% y/y, thu hẹp nhẹ so mức tăng 3,6% của quý III.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 17/02 - 21/02/2025