Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 08/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.057 VND/USD, không thay đổi so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.191 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên 07/06. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.780 VND/USD và 23.880 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 08/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,06 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,46%; 1W 1,08%; 2W 1,60% và 1M 2,0%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 0,89%; 1W 1,0%; 2W 1,11%, 1M 1,21%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3Y và 15Y trong khi tăng ở kỳ hạn 5Y và giữ nguyên ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 2,05%; 5Y 2,44%; 7Y 2,94%; 10Y 3,15%; 15Y 3,33%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 366,92 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 357,58 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 9,34 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 1.794,72 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 08/06, KBNN huy động thành công 3.040/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 68%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động thành công 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.540/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,4%/năm (+0,03%); kỳ hạn 15 năm tại 2,7%/năm (+0,03%).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường diễn biến tích cực khi cả 3 chỉ số đều giao dịch trên mốc tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index tăng khá mạnh 16,56 điểm (+1,28%) lên 1.307,91 điểm; HNX-Index tăng 6,78 điểm (+2,23%) đạt 310,93 điểm; UPCom-Index tăng 1,31 điểm (+1,40%) lên 95,0 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 19.800 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 258 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 07/06, Ngân hàng Thế giới World Bank dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, 2023 tăng trưởng lần lượt 5,8% và 6,5%. Mức tăng trưởng 6,5% cũng được WB dự báo cho kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Tin quốc tế:
Trong báo cáo tháng 6 của World Bank, tổ chức này dự báo kinh tế thế giới năm 2022 chỉ tăng trưởng 2,9% (giảm 1,2 đpt so với dự báo đưa ra hồi tháng 1). Trong các nền kinh tế lớn, Mỹ được dự báo tăng 2,9% (-1,2 đpt); Nhật Bản tăng 2,5% (-1,2 đpt), Khu vực Châu Âu tăng 2,5% (-1,7 đpt) – là khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine (trừ hai quốc gia này). Tại thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc được dự báo tăng 4,3% (-0,8 đpt); Indonesia 5,1% (-0,1 đpt) và Thái Lan tăng 2,9% (-1,0 đpt). Triển vọng kinh tế năm 2023 của thế giới và các nước nói trên cũng bị hạ xuống thấp hơn, tuy nhiên mức độ hạ không nhiều, từ 0,1 đến 0,2 đpt. World Bank cảnh báo, ngay cả khi thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái, ảnh hưởng của lạm phát đình trệ có thể kéo dài trong vài năm tới, trừ khi nguồn cung được cải thiện ở quy mô lớn.
Văn phòng Thống kê Liên mình Châu Âu cho biết GDP của Eurozone chính thức tăng 0,6% q/q trong quý I/2022, cao hơn so với mức tăng 0,3% theo kết quả thống kê sơ bộ, đồng thời cao hơn mức tăng 0,3% của quý IV/2021. Tại EU, mức tăng trong quý I là 0,7% q/q. So với cùng kỳ năm 2021, GDP Eurozone tăng 5,4% và GDP EU tăng 5,6%.
GDP của Nhật Bản chính thức giảm 0,1% q/q trong quý I/2022, nhẹ hơn mức giảm 0,2% theo báo cáo sơ bộ, đồng thời không tiêu cực như mức giảm 0,3% theo dự báo. Tiếp theo, cán cân vãng lai của Nhật Bản thặng dư 0,51 nghìn tỷ JPY trong tháng 4 sau khi cũng thặng dư 1,56 nghìn tỷ ở tháng trước đó, cao hơn so với mức thặng dư 0,4 nghìn tỷ theo dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB