Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.105 VND/USD, chỉ tăng 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.210 VND/USD, tăng trở lại 10 đồng so với phiên 25/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.820 VND/USD và 23.870 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/05, lãi suất chào bình quân LNH VND vẫn giảm 0,02 – 0,20 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,84%; 1W 1,53%; 2W 1,84% và 1M 2,12%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm trở lại 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 0,91%; 1W 1,0%; 2W 1,10%, 1M 1,21%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 2,09%; 5Y 2,39%; 7Y 2,87%; 10Y 3,13%; 15Y 3,27%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 414,13 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 409,44 tỷ đồng đáo hạn ở phiên hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 4,69 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 2.657,30 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (+0,01%) lên 1.268,57 điểm; HNX-Index giảm 1,62 điểm (-0,51%) xuống 313,29 điểm; UPCom-Index tăng 0,17 điểm (+0,18%) đạt 94,95 điểm. Thanh khoản thị trường giảm với tổng giá trị giao dịch đạt gần 16.100 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 281 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
NHNN ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, HTX, hộ KD. Về xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất, Thông tư nêu rõ, các NHTM đăng ký kế hoạch hỗ trợ LS từ NSNN cho cả 2 năm 2022, 2023 và chi tiết từng năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Tin quốc tế:
Theo báo cáo sơ bộ lần 2, GDP của Mỹ suy giảm 1,5% q/q trong quý đầu năm 2022, sâu hơn mức giảm 1,4% theo kết quả thống kê lần 1 và đồng thời sâu hơn mức giảm 1,3% theo dự báo. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại quốc gia này tuần kết thúc ngày 21/05 ở mức 210 nghìn đơn, giảm từ 218 nghìn đơn của tuần trước đó và xuống thấp hơn so với mức 217 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ giảm 3,9% m/m trong tháng 4, nối tiếp đà giảm 1,2% ghi nhận ở tháng 3, tiêu cực hơn so với mức giảm 1,9% theo dự báo.
Hôm qua, ngày 26/05, NHTW Hàn Quốc BOK nâng LSCS từ 1,50% lên 1,75%. Đây là lần đầu tiên cơ quan này thực hiện nâng LS 2 tháng liên tiếp kể từ sau năm 2007. Nguyên nhân chính khiến BOK tăng LSCS là việc giá cả hàng hóa trong nước leo thang, chỉ số giá tiêu dùng CPI của tháng 4 tăng 4,8% y/y; cao nhất trong vòng 13 năm. BOK dự báo CPI năm 2022 sẽ tăng khoảng 4,5%; cao hơn so với mức 3,1% theo dự báo hồi tháng 2. Cũng trong ngày hôm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã mở cuộc họp về kinh tế nhằm ra soát các đối sách để ổn định giá tiêu dùng. Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Bang Ki-sun bày tỏ lo ngại về dự báo CPI trong nước có thể tăng 5% trong tháng Năm và dự báo sẽ là mức cao nhất trong vòng 14 năm. Dự kiến, các đối sách cụ thể sẽ được Chính phủ Hàn Quốc công bố trong tuần tới, trong đó ưu tiên ổn định giá sinh hoạt như thực phẩm, y tế, giáo dục lên hàng đầu.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB