Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 16/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.160 VND/USD; giảm 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 VND/USD. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.095 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên 13/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng 75 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.940 VND/USD và 24.000 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 16/05, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm mạnh 0,10 – 0,22 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 1,80%; 1W 1,90%; 2W 1,99% và 1M 2,06%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 - 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 0,91%; 1W 1,01%; 2W 1,11%, 1M 1,21%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,22%; 5Y 2,46%; 7Y 2,90%; 10Y 3,21%; 15Y 3,35%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu cũng như đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ nguyên ở mức 2.873,89 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 16/05, NHCSXH huy động thành công 1.000/3.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 33%). Trong đó, toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 3 năm, lãi suất giữ tại 2,3%/năm. Các kỳ hạn khác đấu thầu thất bại.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sau khi hồi phục phiên sáng, các nhà đầu tư đồng loạt cắt lỗ khiến thị trường lại đỏ sàn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,82 điểm (-0,91%) còn 1.171,95 điểm; HNX-Index tăng 4,66 điểm (+1,54%) lên 307,05 điểm; UPCom-Index giảm nhẹ 0,41 điểm (-0,44%) xuống 93,20 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt trên 16.500 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng hơn 223 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 4/2022, tổng thu NSNN ước đạt 160,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng trước. Tính chung lũy kế 4 tháng đầu năm, thu NSNN ước đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021 (NSTW ước đạt 46,4% dự toán; NSĐP ước đạt 45% dự toán). Về chi NSNN, tổng chi cân đối trong tháng 4 ước đạt 132,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 4 tháng đạt 470,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: chi ĐTPT ước đạt 95,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, NSNN bội thu hơn 175.000 tỉ đồng sau 4 tháng đầu năm 2022.
Tin quốc tế:
Ủy ban Châu Âu EC cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực. Trong phiên họp ngày hôm qua, EC cho biết cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang làm tổn thương đến chuỗi cung ứng hàng hóa và tác động lên toàn thế giới nói chung và Châu Âu nói riêng. EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng 2,7% trong năm 2022 và 2,3% năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 4,0% và 2,8% như dự báo ở cuối năm 2021. Lạm phát tại khu vực Eurozone đang cao ở mức 7,5% y/y; song được EC dự báo sẽ hạ nhiệt còn 6,1% trong năm 2022, sau đó xuống chỉ còn 2,7% ở năm 2023. EC cho biết điểm sáng của nền kinh tế Eurozone là thị trường lao động vẫn đang liên tục được cải thiện, tỷ lệ người có việc làm được dự báo sẽ tăng 1,2% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 6,7% và giảm xuống còn 6,5% vào năm sau. Cuối cùng, EC khẳng định vẫn còn rất nhiều yếu tố bất định và rủi ro cho nền kinh tế, phụ thuộc vào diễn biến cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm mạnh 11,1% y/y trong tháng vừa qua, sâu hơn rất nhiều so với mức giảm 3,5% ở tháng 3, đồng thời nghiêm trọng hơn mức giảm 6,2% theo dự báo. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc cũng suy giảm 2,9% y/y trong tháng 4, trái với kết quả tăng 5,0% ở tháng 3 và trái với dự báo vẫn tăng nhẹ 0,5%. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc trong tháng vừa qua tăng mạnh lên mức 6,1% từ mức 5,8% của tháng 3, tiêu cực hơn so với mức 6,0% theo dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB