Tổng quan:
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4/2022 tăng nhẹ.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4/2022 tăng. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017-2020. Lạm phát cơ bản tăng 0,97%.
Trong mức tăng 0,18% của CPI tháng 4/2022 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể, trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng cao nhất với 1,16% do giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 5,22% so với tháng trước nhờ nhu cầu du lịch tăng trở lại. Tiếp theo là nhóm giáo dục tăng 0,96% (làm CPI chung tăng 0,06 đpt). Trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 1,07% do một số địa phương tăng học phí trở lại năm học 2021-2022 sau thời gian miễn, giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhóm nhà ở và VLXD tăng 0,58% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,02%. Cụ thể, giá thép tăng khi giá nguyên liệu từ quặng sắt, thép phế liệu… tăng mạnh; giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng như xăng dầu và than đá tăng cao. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32% do chủ yếu ở các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa hè: Giá máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,34% so với tháng trước; giá quạt điện tăng 0,2%; giá tủ lạnh tăng 0,1%... Ở chiều ngược lại, bình nước nóng giảm 0,1% so với tháng trước và chăn, màn, gối giảm 0,15%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng: Giá nước khoáng tăng 0,16%; nước giải khát có ga tăng 0,26%; nước quả ép tăng 0,28%. Rượu bia và thuốc hút lần lượt tăng 0,3% và 0,12% so với tháng trước. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân như máy dùng điện chăm sóc cá nhân tăng 0,08%; dụng cụ cá nhân không dùng điện tăng 0,12%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,26%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%. Ngoài ra, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, người dân tăng mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch, trong đó giá nhóm thuốc vitamin, khoáng chất tăng 0,04%; nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,36%; giá nhóm thuốc về đường tiêu hóa tăng 0,11%. Ở chiều ngược lại, báo cáo cũng chỉ ra 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% (làm CPI chung giảm 0,02 đpt), trong đó: Lương thực giảm 0,21% (tác động CPI chung giảm 0,04 đpt); Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,12%. Bên cạnh đó, nhóm giao thông giảm 0,59% (làm CPI chung giảm 0,06 đpt) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 01/04, 12/04 và 21/04 làm cho giá xăng giảm 2,5%; giá dầu diezen tăng 7,01%. Ngoài ra, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,72% do giá nhiên liệu tăng; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,42%; phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,32%; phí học bằng lái xe tăng 0,11%. Lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,1%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát năm nay không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới đều chịu áp lực tăng cao khi giá dầu tăng, những biến động sau đại dịch Covid-19 làm cho giá các nguyên liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh, dịch vụ đều tăng khá mạnh như phân bón, nguyên phụ liệu cho dệt may da giầy, hóa chất, nhựa các loại... Ngoài ra, các chi phí về vận chuyển logistics vẫn neo ở mức cao, chưa hạ nhiệt. Chiến sự tại Nga – Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra. Áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình điều chỉnh giá với các mặt hàng do Nhà nước quản lý là giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện. Theo Bộ Công Thương, có 2 kịch bản triển vọng năm 2022. Với kịch bản 1: Giá thế giới tiếp tục tăng do tác động kép của kinh tế thế giới hồi phục và các góp kích cầu khổng lồ các nước đã tung ra; Mặt bằng giá của Việt Nam theo đó chịu sức ép tăng; Cầu nội địa có thể tăng nếu kinh tế Việt Nam cũng phục hồi. Trong bối cảnh đó, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt, khả năng CPI có thể tăng trên 4%. Với kịch bản 2: Biến thể mới Omicron cộng với biến thể Delta có trước đó khiến đại dịch tiếp tục ảnh hưởng nặng nề; Kinh tế thế giới vẫn trì trệ; Giá thế giới không tăng mạnh; Mặt bằng giá Việt Nam khó tăng cao. Trong bối cảnh đó, CPI bình quân năm 2022 sẽ đạt bình quân 2,5 - 3%.
Tóm lược thị trường trong nước từ 25/04 - 29/04
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 25/04 - 29/04, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Phiên cuối tuần 29/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.140 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục xu hướng tăng của tuần trước đó. Chốt tuần 29/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.957 VND/USD, tăng 54 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng tích cực trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 29/04, tỷ giá tự do tăng mạnh 135 đồng ở chiều mua vào và 130 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.460 VND/USD và 23.490 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 25/04 - 29/04, lãi suất VND LNH biến động tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua hầu hết 5 phiên. Chốt ngày 29/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,50% (+0,09 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,98% (+0,14 đpt); 2W 2,12 (+0,05 đpt); 1M 2,24% (+0,05 đpt).
Lãi suất USD LNH tuần qua tiếp tục tăng tương tự tuần trước đó. Chốt tuần 29/04, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,04 – 0,11 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,45%; 1W 0,56%; 2W 0,61% và 1M 0,70%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 25/04 - 29/04, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 4.303,15 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua, trong đó phiên cuối tuần có 3.109,44 tỷ đồng trúng thầu. Trong tuần có 986,53 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 3.316,62 tỷ VND ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 6.034,76 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Giao dịch trên thị trường sơ cấp rất trầm lắng. Ngày 26/04, NHCSXH huy động thành công 100/3500 tỷ đồng TPCP (tỷ lệ trúng thầu 3%). Toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm, lãi suất tại 2,39%/năm (+1,63%). Các kỳ hạn còn lại 3 năm, 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Ngày 27/04, KBNN gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn từ 5 năm tới 30 năm, tuy nhiên phiên đấu thầu thất bại. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất đồng loạt tăng từ 2 – 4 điểm so với phiên trước đó.
Trong tuần vừa qua từ 25-29/04 và trong tuần này từ 04-06/05 đều không có lượng TPCP đáo hạn.
Kể từ đầu năm đến 27/04/2022, KBNN mới huy động thành công 45 nghìn tỷ đồng TPCP, hoàn thành 11% kế hoạch cả năm và chỉ 4% kế hoạch quý II/2022.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.166 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 8.788 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP điều chỉnh giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 29/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,86% (-0,01 đpt); 2 năm 1,96% (-0,02 đpt); 3 năm 2,02% (-0,03 đpt); 5 năm 2,11% (-0,12đpt); 7 năm 2,51% (-0,05 đpt); 10 năm 2,99% (-0,08 đpt); 15 năm 3,15% (-0,06 đpt); 30 năm 3,27% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần trước kỳ nghỉ lễ từ 25/04 - 29/04, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm rất mạnh phiên đầu tuần, nhưng đã hồi phục phần nào các phiên sau đó. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 29/04, VN-Index đứng ở mức 1.366,80 điểm, tương ứng giảm nhẹ 12,43 điểm (-0,90%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 6,71 điểm (+1,87%) đạt 365,83 điểm; UPCom-Index tăng 0,16 điểm (+0,15%) còn 104,31 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình gần 19.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng gần 879 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Trong những ngày qua, nước Mỹ đón nhiều chỉ báo quan trọng. Đầu tiên, GDP Mỹ giảm 1,4% q/q trong quý 1/2022 sau khi tăng 6,9% ở quý trước đó (mức tăng lớn nhất kể từ 1984), trái với dự báo tiếp tục tăng 1,1%. Tiếp theo, chỉ số giá tiêu dùng PCE lõi của nước này tăng 0,3% m/m trong tháng 4, bằng mức tăng của tháng trước đó và khớp với dự báo. Chỉ số niềm tin tiêu dùng thị trường Mỹ trong tháng 4 là 107,3 điểm, gần như đi ngang so với 107,2 điểm của tháng 3, và thấp hơn một chút so với dự báo ở mức 108,5 điểm. Ở lĩnh vực sản xuất, chỉ số PMI do ISM khảo sát được ở mức 55,4% trong tháng 4, giảm từ 57,1% của tháng 3 và trái với kỳ vọng tăng lên 57,5%. Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ tăng 1,1% m/m trong tháng 3 sau khi giảm 0,6% ở tháng 2, cao hơn mức tăng 0,5% theo dự báo. Bên cạnh đó, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tăng 0,8% m/m trong tháng 3 sau khi giảm mạnh 2,1% ở tháng trước đó, gần đạt kỳ vọng tăng 1,0%. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 23/04 ở mức 180 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 184 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn một chút so với mức 178 nghìn đơn theo dự báo. Trong tháng 4, nước này tạo ra 11,55 triệu cơ hội việc làm mới, cao hơn mức 11,34 triệu của tháng 3 và đồng thời cao hơn mức 11,19 triệu theo kỳ vọng. Ngày 03-04/05, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có phiên họp quan trọng về CSTT. LSCS của Fed được dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ bản, lên mức 0,75% - 1,0%. Kết quả cuộc họp sẽ được thông báo vào sáng sớm ngày mai 05/05 theo giờ Việt Nam.
NHTW Úc RBA tăng LSCS trở lại, đồng thời nước này cũng đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong phiên họp diễn ra ngày hôm qua 03/05, RBA cho rằng triển vọng tăng trưởng của Úc được duy trì ở trạng thái tích cực, mặc dù vẫn có những rủi ro từ quốc tế. Nhiều chỉ báo tích cực đang xuất hiện, trong đó có những con số từ thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp hiện đã giảm xuống mức 4%. Theo đó, RBA cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tăng LSCS. Cơ quan này quyết định tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên mức 0,35%, mạnh hơn mức tăng 15 đcb theo dự báo từ các chuyên gia của Reuters, đồng thời đánh dấu lần tăng LSCS đầu tiên của cơ quan này kể từ tháng 11/2010. Thống đốc của RBA, ông Philip Lowe cũng cho biết lạm phát đã tăng mạnh hơn dự báo mặc dù vẫn còn thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. CPI của nước Úc trong quý 1 tăng 2,1% q/q, và tăng 5,1% y/y. Liên quan tới các thông tin kinh tế khác, chỉ số giá sản xuất PPI tại Úc tăng 1,6% q/q trong quý đầu năm, sau khi tăng 1,3% ở quý trước đó và cao hơn một chút so với mức 1,5% theo dự báo. PMI lĩnh vực sản xuất của nước Úc do AIG khảo sát được ở mức 58,5 điểm trong tháng 4, tăng lên từ mức 55,7 điểm của tháng 3.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB