Năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD

08:00 29/04/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 28/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.140 VND/USD, tăng 05 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 22.957 VND/USD, giảm nhẹ 03 đồng so với phiên 27/04. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 45 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.465 VND/USD và 23.510 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 28/04, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 - 0,03 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,06 – 0,08 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,40%; 1W 1,98%; 2W 2,13% và 1M 2,23%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,05 – 0,07 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống; giao dịch tại: ON 0,43%; 1W 0,55%; 2W 0,60%, 1M 0,65%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 7Y và 10Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 2,02%; 5Y 2,12%; 7Y 2,50%; 10Y 3,01%; 15Y 3,16%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 341,67 tỷ đồng trúng thầu, trong khi có 369,09 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 27,42 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống 3.209,12 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số trồi sụt quanh mốc tham chiếu, nhưng cũng không tạo mức đáy mới. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,71 điểm (-0,21%) xuống 1.350,99 điểm; HNX-Index tăng 3,11 điểm (+0,87%) lên 360,20 điểm; UPCom-Index tăng 1,32 điểm (+1,30%) đạt 102,69 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường tiếp tục giảm với tổng giá trị giao dịch đạt trên 15.400 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 309 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đã tăng 4,25 lần so với năm 2010, từ mức 157,1 tỷ USD lên 668,5 tỷ USD. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố ngày 28/4 cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, song xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch 668,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%. Năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Năm 2021, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Tin quốc tế:

Bộ Thương mại Mỹ ra báo cáo chi tiết cho thấy GDP nước này giảm 1,4% q/q trong quý 1/2022 sau khi tăng 6,9% ở quý trước đó (mức tăng lớn nhất kể từ 1984). Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng mức suy giảm trên không phải dấu hiệu của một đợt suy thoái, chỉ phản ánh các tác động nhất thời của biến chủng Omicron và một số rủi ro địa chính trị. Tiếp theo, liên quan tới thị trường lao động Mỹ tuần kết thúc ngày 23/04, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này ở mức 180 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 184 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn một chút so với mức 178 nghìn đơn theo dự báo. 

Trong phiên họp hôm qua ngày 28/04, NHTW Nhật Bản BOJ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quốc nội năm 2022 từ 3,8% xuống còn 2,9%; đồng thời nâng dự báo tỷ lệ lạm phát lên mức 1,9%, tăng mạnh so với con số 1,1% trong dự báo hồi tháng 1. Theo đó, BOJ quyết định duy trì LSCS ở mức -0,1% và lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm ở quanh 0% nhằm đạt được lạm phát mục tiêu ở mức 2,0% trong trung hạn, và đồng thời hỗ trợ kinh tế phát triển.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết CPI tại nước này tăng 0,8% m/m trong tháng 4 theo báo cáo sơ bộ, nối tiếp mức tăng 2,5% của tháng trước và vượt khá nhiều so với mức tăng 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tại Đức tháng 4 tăng 7,4%.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm