Tổng quan:
Được coi là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công từ vốn NSNN quý 1/2022 vẫn còn chậm, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân vốn ĐTC từ đầu năm đến 31/03/2022 là 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch (đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 11,95% kế hoạch và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 61.192,76 tỷ đồng (đạt 11,70% kế hoạch và đạt 12,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2021 đạt 14,74%; vốn nước ngoài đạt 0,99%, cùng kỳ năm 2021 đạt 0,66%). Có 46/51 Bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%), trong đó có 29 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Cũng như các năm trước, lý do được đưa ra giải thích cho việc quý 1 vốn ĐTC vẫn giải ngân chậm là các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, 03 tháng đầu năm các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán, đồng thời các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Đối với vốn nước ngoài: Các dự án đang triển khai đàm phán với đối tác và triển khai lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đối tác nước ngoài... nên chưa giải ngân kế hoạch vốn đã được giao. Ngoài ra, quý 1 năm nay, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu "cầm chừng" để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.
Tập trung đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. Để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra một số giải pháp, cụ thể: (i) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (ii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (iii) Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; (iv) Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; (v) Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực… Ngoài ra, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nếu: (i) Đến hết ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022; (ii) Đến hết ngày 31/5/2022 chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao (tỉ lệ giải ngân 0% kế hoạch); (iii) Đến hết ngày 31/5/2022 chưa làm thủ tục thanh toán toàn bộ số vốn ứng trước và nợ đọng xây dựng cơ bản được giao trong năm 2022.
Các giải pháp đưa ra tuy không mới, nhưng Chính phủ đã quy định được những thời hạn cụ thể về điều chuyển vốn nếu tiến độ giải ngân cho các đơn vị thực thi không đạt yêu cầu. Hi vọng, với quyết tâm từ trung ương đến địa phương, chính phủ có thể đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ĐTC, sớm thực hiện các gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhất là trong bối cảnh diễn biến địa chính trị quốc tế phức tạp tác động đến nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Tóm lược thị trường trong nước từ 18/04 - 22/04
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 18/04 - 22/04, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ ở hầu hết các phiên. Phiên cuối tuần 22/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.123 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục biến động theo xu hướng tăng. Chốt tuần 22/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.903 VND/USD, tăng 68 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua tiếp xu hướng tăng nhẹ của tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 22/04, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 55 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.325 VND/USD và 23.360 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 18/04 - 22/04, lãi suất VND LNH giảm mạnh ở các kỳ hạn ngắn trong khi ít biến động ở các kỳ hạn 2W và 1M. Chốt ngày 22/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,41% (-0,63 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,84% (-0,26 đpt); 2W 2,07 (không thay đổi); 1M 2,19% (+0,10 đpt).
Lãi suất USD LNH tuần qua tăng nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 22/04, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,03 – 0,05 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,41%; 1W 0,48%; 2W 0,53% và 1M 0,59%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 18/04 - 22/04, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 1.731,61 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 1.231,44 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 500,39 tỷ VND ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 2.718,14 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 20/04, KBNN huy động thành công 2.500/5.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 50%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đều huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng mỗi loại, kỳ hạn 20 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng. Kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10 năm 2,28%/năm (+0,04%); 15 năm 2,58%/năm (+0,04%) và kỳ hạn 20 năm tại 2,75%/năm (không đổi). Trong tuần có 1.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Trong tuần này từ 25/04 - 29/04 không có TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.788 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 12.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn ngắn và tăng nhẹ ở các kỳ hạn dài. Chốt phiên 22/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,87% (-0,07 đpt); 2 năm 1,98% (-0,08 đpt); 3 năm 2,05% (-0,08 đpt); 5 năm 2,23% (-0,07đpt); 7 năm 2,56% (-0,03 đpt); 10 năm 3,07% (+0,05 đpt); 15 năm 3,21% (không thay đổi); 30 năm 3,26% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 18/04 - 22/04, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến tuần giảm mạnh thứ 3 liên tục. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 22/04, VN-Index đứng ở mức 1.379,23 điểm, tương ứng giảm tới 79,33 điểm (-5,44%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm rất mạnh 57,59 điểm (-13,82%) xuống 359,12 điểm; UPCom-Index giảm 8,21 điểm (-7,31%) còn 104,15 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp mặc dù có cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 25.800 tỷ đồng/phiên. Điểm sáng duy nhất là khối ngoại mua ròng gần 940 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có phát biểu quan trọng về LSCS, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận những chỉ báo đáng chú ý trong tuần qua. Liên quan đến Fed, Chủ tịch Jerome Powell có buổi họp với IMF và World Bank tại Washington ngày 21/04. Ông cho biết khả năng Fed tăng LSCS 50 điểm cơ bản sẽ được cơ quan này bàn luận ở cuộc họp ngày 04-05/05. Bên cạnh đó, lạm phát của Mỹ được ông Powell kỳ vọng sẽ đạt đỉnh ở quanh mức hiện tại. Liên quan tới các chỉ báo kinh tế Mỹ, đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất của nước này do IHS Markit khảo sát ở mức 59,7 điểm trong tháng 4, tăng lên từ 58,8 điểm của tháng 3 và trái với dự báo giảm xuống còn 58,1 điểm. Ngược lại, PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 54,7 điểm trong tháng này, không đạt kỳ vọng đi ngang ở mức 58 điểm của tháng 3. Tiếp theo, về lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng 3 lần lượt là 1,87 triệu đơn và 1,79 triệu căn, cao hơn mức 1,86 triệu đơn và 1,77 triệu căn của tháng trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ xuống 1,83 triệu đơn và 1,74 triệu căn. Doanh số bán nhà cũ tại nước này trong tháng 3 vừa qua ở mức 5,77 triệu căn, giảm xuống từ mức 5,93 triệu căn của tháng trước đó và gần khớp với mức 5,78 triệu căn theo dự báo của các chuyên gia. Cuối cùng là lĩnh vực việc làm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 16/04 ở mức 184 nghìn đơn, gần như đi ngang so với mức 185 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn mức 177 nghìn đơn theo dự báo.
Eurozone đón một số thông tin kinh tế tương đối tích cực. PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại khu vực này lần lượt ở mức 55,3 và 57,7 điểm trong tháng 4, cùng cao hơn so với dự báo ở mức 54,9 và 55,0 điểm. Mặc dù vậy, cần thấy rằng PMI lĩnh vực sản xuất giảm so với 56,5 điểm và PMI dịch vụ tăng lên so với 55,6 điểm của tháng 3. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Eurozone tăng 0,7% m/m trong tháng 3 sau khi giảm 0,7% ở tháng trước đó, gần khớp với mức tăng 0,8% theo kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của Eurozone chính thức tăng 7,4% và 2,9% y/y; trong tháng 3, cùng được điều chỉnh thấp xuống so với mức tăng 7,5% và 3,0% theo thống kê sơ bộ. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng của khu vực này ở mức -17 điểm trong tháng 4, bớt tiêu cực hơn mức -19 điểm của tháng 3 và mức -20 điểm theo dự báo.
Tuần vừa qua, Trung Quốc cho thấy một số thông tin trái chiều. Về mặt tích cực, GDP của nước này trong quý 1 tăng trưởng 4,8% q/y; cao hơn khá nhiều so với mức tăng 4,0% của quý trước đó và thậm chí vượt qua mức tăng 4,2% theo kỳ vọng. Trong tháng 3, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 5,0% y/y; thấp hơn mức tăng 7,5% của tháng 2 nhưng vẫn tích cực hơn mức tăng 4,0% như dự báo. Tuy nhiên, ở thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tăng lên 5,8% trong tháng 3, trái với dự báo đi ngang ở mức 5,5%. Đây là mức thất nghiệp cao nhất của Trung Quốc kể từ tháng 05/2020.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB