Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.135 VND/USD, tăng tiếp 07 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN duy trì niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.974 VND/USD, giảm 11 đồng so với phiên 25/04. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 70 đồng ở chiều mua và 80 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.420 VND/USD và 23.510 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/04, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,04 – 0,14 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 1,42%; 1W 1,94%; 2W 2,12% và 1M 2,22%. Lãi suất chào bình quân LNH USD cũng tăng khá mạnh 0,04 – 0,10 đpt ở tất cả kỳ hạn; giao dịch tại: ON 0,47%; 1W 0,59%; 2W 0,66%, 1M 0,70%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,05%; 5Y 2,14%; 7Y 2,51%; 10Y 3,0%; 15Y 3,15%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 284,01 tỷ đồng trúng thầu, trong khi có 333,64 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 49,63 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.952,51 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, lực cầu bắt đáy giúp thị trường hồi phục, diễn biến mua ròng được dàn trải khá rộng ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng mạnh 30,42 điểm (+2,32%) đạt 1.341,34 điểm; HNX-Index tăng 7,66 điểm (+2,27%) lên 345,17 điểm; UPCom-Index cũng tăng 1,61 điểm (+1,62%) lên 101,15 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 23.700 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh gần 1.017 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến 20/04/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính lũy kế đến ngày 20/4/2022, cả nước có 34.891 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 424,59 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 257,52 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Tin quốc tế:
Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ tăng 1,1% m/m trong tháng 3 sau khi giảm 0,6% ở tháng 2, cao hơn mức tăng 0,5% theo dự báo. Bên cạnh đó, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tăng 0,8% m/m trong tháng 3 sau khi giảm mạnh 2,1% ở tháng trước đó, gần đạt kỳ vọng tăng 1,0% của các chuyên gia. Tiếp theo, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4 tại Mỹ do Conference Board khảo sát được ở mức 107,3 điểm, gần như đi ngang so với 107,2 điểm của tháng 3, và thấp hơn một chút so với dự báo ở mức 108,5 điểm. Cuối cùng, doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 3 chỉ đạt 763 nghìn căn, thấp hơn khá nhiều so với thành tích 835 nghìn căn của tháng 2 và đồng thời thấp hơn so với mức 774 nghìn căn theo dự báo.
Ngày 25/04, NHTW Trung Quốc PBOC thông báo cắt giảm lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc (TL DTNHBB) 1 đpt, từ 9% xuống còn 8%, áp dụng từ ngày 15/05/2022. Cơ quan này cho biết chính sách trên nhằm nâng cao khả năng sử dụng vốn ngoại hối của hệ thống NHTM. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử PBOC cắt giảm tỷ lệ này, trong bối cảnh đồng CNY liên tục mất giá so với đồng USD kể từ đầu năm. Trong năm 2021, PBOC từng 2 lần nâng TL DTNHBB, mỗi lần thêm 2 đpt, vào ngày 15/06 và 15/12 (từ 5% lên 7% sau đó lên 9%), khi đồng CNY đối mặt với áp lực tăng giá so với USD.
Văn phòng Thống kê Nhật Bản cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức 2,6% trong tháng 03, trái với dự báo đi ngang ở mức 2,7% như kết quả của tháng 2. Đây là mức thất nghiệp thấp nhất của Nhật kể từ tháng 04/2020 – sau khi dịch Covid-19 tác động.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB