Cán cân thương mại hàng hóa đến hết 15/5 thâm hụt 223 triệu USD

08:00 26/05/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 25/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.103 VND/USD, không thay đổi so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.200 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên 24/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.860 VND/USD và 23.940 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 25/05, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm tiếp 0,03 – 0,10 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,04%; 1W 1,56%; 2W 1,92% và 1M 2,14%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,02 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 0,93%; 1W 1,01%; 2W 1,11%, 1M 1,22%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,08%; 5Y 2,36%; 7Y 2,84%; 10Y 3,12%; 15Y 3,28%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 357,58 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 312,05 tỷ đồng đáo hạn ở phiên hôm qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 45,53 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 2.652,61 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 25/05, KBNN huy động thành công 3.000/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 67%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,34% (+0,06%); kỳ hạn 15 năm tại 2,64% (+0,06%).

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường hồi phục khá tốt với nhiều cổ phiếu tăng trần. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng mạnh 35,05 điểm (+2,84%) đạt 1.268,43 điểm; HNX-Index tăng 8,95 điểm (+2,93%) lên 314,91 điểm; UPCom-Index tăng 1,66 điểm (+1,78%) lên 94,78 điểm. Thanh khoản thị trường tăng khá với tổng giá trị giao dịch đạt trên 19.400 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 27 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 5/2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt trên 28 tỷ USD, giảm gần 16% (tương ứng 5,3 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 4/2022. Lũy kế tính từ đầu năm đến hết ngày 15/05, tổng kim ngạch XNK đạt gần 271 tỷ USD, tăng 36,01 tỷ USD (+15,4%) so với cùng kỳ năm trước. XK tính đến hết ngày 15/05 đạt gần 135,2 tỷ USD, tăng 18,18 tỷ USD (+15,5%) so với cùng kỳ năm 2021; NK từ 01/01 đến 15/05/2022 đạt 135,39 tỷ USD, tăng 15,2%. Nửa đầu tháng 5/2022 cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,7 tỷ USD, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5/2022 CCTM hàng hóa thâm hụt 223 triệu USD.       

Tin quốc tế:

Fed công bố biên bản cuộc họp đầu tháng 5. Trong văn bản này, Fed nhận định GDP ở quý I/2022 của Mỹ yếu đi thực chất do yếu tố thời điểm. GDP nước này được dự báo sẽ bật tăng trở lại ở quý II, và tăng vững chắc trong thời gian còn lại của năm. Sang năm 2023 và 2024, tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ chậm lại do CSTT và các điều kiện tài chính đã được thắt chặt. Về lạm phát, Fed dự báo chỉ số PCE (y/y) của năm 2022 sẽ ở mức 4,3% do những áp lực về giá nhập khẩu và giá lương thực có thể sẽ tăng cao hơn so với giả định trước đây. Tuy nhiên, sang năm 2023, PCE được dự báo hạ nhiệt chỉ còn 2,5% và tiếp tục giảm xuống còn 2,1% ở năm 2024. Theo đó, FOMC quyết định nâng LSCS 50 điểm cơ bản, lên mức 0,75% - 1,0%. Đồng thời, FOMC thông báo kể từ 01/06/2022 sẽ thu hẹp bảng cân đối tài sản ở mức 47,5 tỷ USD/tháng; sau 3 tháng sẽ nâng lên thành 95 tỷ USD/tháng. Các CSTT mà Fed đưa ra nhằm đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát mục tiêu ở mức 2,0%.

Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,4% m/m trong tháng 4 vừa qua, nối tiếp đà tăng 1,4% và 1,1% của tháng trước đó, song chưa đạt kỳ vọng ở mưcs tăng 0,5% và 0,6%.

GDP của Đức chính thức tăng 0,2% q/q trong quý I/2022 sau khi giảm 0,3% ở quý trước đó, không điều chỉnh so với thống kê sơ bộ. So với cùng kỳ năm 2021, GDP quý I của nước này tăng khoảng 4,0%; tuy nhiên vẫn thấp hơn khoảng 0,9% so với quý IV/2019 - thời điểm trước khi bị dịch Covid-19 tác động.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm