Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 02/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.066 VND/USD, tăng tiếp 06 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.196 VND/USD, giảm nhẹ 03 đồng so với phiên 01/06. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.780 VND/USD và 23.840 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 02/06, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,03 đpt ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi giảm 0,04 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn 1W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,57%; 1W 1,32%; 2W 1,79% và 1M 2,09%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống; giao dịch tại: ON 0,91%; 1W 1,01%; 2W 1,11%, 1M 1,22%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 2,07%; 5Y 2,39%; 7Y 2,90%; 10Y 3,14%; 15Y 3,31%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong khi có 301,21 tỷ đồng đáo hạn phiên hôm qua. Như vậy, NHNN hút ròng 301,21 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.321,76 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Sau nhiều phiên liên tiếp duy trì đà tăng, đến hôm qua, VN-Index quay đầu giảm điểm khi chạm cản tâm lí ở vùng 1.300 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,90 điểm (-0,84%) xuống 1.288,62 điểm; HNX-Index giảm 3,60 điểm (-1,14%) còn 311,77 điểm; UPCom-Index giảm 0,78 điểm (-0,82%) xuống 94,32 điểm. Thanh khoản thị trường chưa cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt gần 19.700 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng khoảng 545 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo IHS Markit, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng lên mức 54,7 điểm trong tháng 5 từ mức 51,7 điểm của tháng 4, cho thấy sự cải thiện theo tháng đáng kể của lĩnh vực sản xuất tư nhân vào thời điểm giữa quý 2. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã cải thiện lên mức tốt nhất trong hơn một năm. Sản lượng ngành sản xuất tiếp tục phục hồi từ tình trạng suy giảm do đại dịch được ghi nhận hồi tháng 3, khi tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng là mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2021.
Tin quốc tế:
ADP khảo sát cho biết lĩnh vực phi nông nghiệp tại Mỹ tạo ra 128 nghìn việc làm mới trong tháng 5, thấp hơn mức 202 nghìn của tháng 4 và đồng thời thấp hơn mức 295 nghìn theo kỳ vọng. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 28/05 ở mức 200 nghìn đơn, giảm xuống từ 211 nghìn đơn của tuần trước đó, thấp hơn so với mức 210 nghìn đơn theo dự báo.
Doanh số bán lẻ của Úc chính thức tăng 0,9% m/m trong tháng 4, không điều chỉnh so với thống kê sơ bộ, nối tiếp đà tăng 1,6% của tháng trước đó. Đây là tháng có doanh số tăng thứ 5 liên tiếp. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ của Úc tăng tới 9,6%. Tiếp theo, cán cân thương mại Úc thặng dư 10,5 tỷ AUD trong tháng 4, cao hơn mức thặng dư 9,74 tỷ của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức 9,02 tỷ theo dự báo.
OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu thô cao hơn dự kiến trong tháng 07-08/2022 với 648 nghìn thùng/ngày (cao hơn so với mức tăng chỉ 432 nghìn thùng/ngày áp dụng trong thời gian qua) nhằm kiềm chế giá dầu tăng cao và lạm phát leo thang tại nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, OPEC+ cho rằng Nga khó đạt được sản lượng dầu như trước, khi EU nhất trí cấm vận 90% lượng dầu của nước này.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB