Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 23/05 - 27/05/2022

08:00 30/05/2022

Tổng quan:

Xăng dầu, lương thực, hàng hoá thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI Việt Nam tăng 0,38% trong tháng 5, các chuyên gia lo ngại về triển vọng lạm phát tăng cao trong năm 2022 và 2023.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 01 nhóm hàng giảm giá. Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5/2022 tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 đpt; Nhóm lương thực tăng 0,28% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,25%; Nhóm thực phẩm tăng 0,22% so với tháng trước; Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4% so với tháng trước do giá xăng dầu cùng với giá nguyên liệu chế biến ở mức cao, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch đã bắt đầu khởi sắc; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33% so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18% so với tháng trước do giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng vì ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ucraina và chiến lược “zero Covid” từ Trung Quốc; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa hè; Nhóm giao thông tháng 5/2022 tăng 2,34% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23 đpt, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 04/05, 11/05 và 23/05 làm cho giá xăng tăng 5,93%, giá dầu diezen tăng 3,99%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06%; Nhóm giáo dục tăng 0,17% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,01 điểm % do một số địa phương tăng học phí năm học 2021-2022 trở lại sau thời gian miễn, giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 5 tăng 0,74% so với tháng trước chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 3,15% và khách sạn, nhà khách tăng 0,94% khi nhu cầu du lịch tăng trở lại; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 5/2022 tăng 0,19% so với tháng trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,10% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Mặc dù được kiểm soát khá tốt trong 5 tháng đầu năm, nhưng các chuyên gia vẫn dự báo, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và cả năm 2023 vẫn rất lớn. Lạm phát có khả năng nằm trong khoảng 4 - 4,5% năm 2022 và năm 2023 nằm trong khoảng từ 5-5,5%. Các con số này được đưa ra dựa trên 3 nhóm yếu tố chính tác động lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể: Thứ nhất, lạm phát chuỗi cung ứng, đây là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài với tỷ lệ 37% chi phí NVL NK trong tổng chi phí NVL của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế) chiếm 50,98%. Thứ hai, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao do đại dịch và khủng hoảng Nga - Ukraine, cao kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. Đối với Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực. Thứ ba, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy mô 350 nghìn tỷ đồng 2 năm 2022-2023 cùng các gói hỗ trợ của năm 2021 đang được thực hiện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch, gây áp lực lớn lên lạm phát.   

Tóm lược thị trường trong nước từ 23/05 - 27/05

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 23/05 - 27/05, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 2 phiên đầu tuần, các phiên sau tăng nhẹ trở lại. Phiên cuối tuần 27/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.109 VND/USD, giảm tới 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.250 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục xu hướng tăng từ tuần trước đó, tuy nhiên đà tăng đã chậm lại. Chốt tuần 27/05, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.192 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do giảm trở lại trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 27/05, tỷ giá tự do giảm 205 đồng ở chiều mua vào và 200 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.660 VND/USD và 23.730 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 23/05 - 27/05, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn qua cả 5 phiên, đặc biệt giảm khá mạnh ở các kỳ hạn ngắn. Chốt ngày 27/05, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,68% (-0,67 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,55% (-0,23 đpt); 2W 1,76 (-0,26 đpt); 1M 2,10% (-0,12 đpt).

Lãi suất USD LNH tuần qua vẫn chỉ tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 27/05, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 0,93% (+0,02 đpt); 1W 1,01% (không thay đổi); 2W 1,12% (+0,02 đpt) và 1M 1,23% (+0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 23/05 - 27/05, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 1.371,67 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 1.762,95 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 391,28 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.315,28 tỷ VND.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.                    

Thị trường trái phiếu: Ngày 23/05, NHCSXH huy động thành công 100/3.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 3,3%). Trong đó, toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 3 năm, lãi suất giữ nguyên tại 2,3%/năm. Các kỳ hạn khác 5 năm, 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Ngày 25/05, KBNN huy động thành công 3.000/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 67%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,34% (+0,06%); kỳ hạn 15 năm tại 2,64% (+0,06%).

Trong tuần vừa qua từ 23-27/05 không có TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 30/05 - 03/06 có 1.450 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 30/05, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 01/06, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.339 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 9.668 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP các kỳ hạn biến động trái chiều. Chốt phiên 27/05, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,96% (-0,04 đpt); 2 năm 2,02% (-0,05 đpt); 3 năm 2,08% (-0,02 đpt); 5 năm 2,39% (+0,005 đpt); 7 năm 2,86% (+0,01 đpt); 10 năm 3,13% (-0,01 đpt); 15 năm 3,28% (-0,02 đpt); 30 năm 3,42% (+0,01 đpt).           

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 23/05 - 27/05, thị trường chứng khoán tiếp tục đà hồi phục nhẹ, tuy nhiên khối lượng giao dịch vẫn chưa được cải thiện. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 27/05, VN-Index đứng ở mức 1.285,45 điểm, tương ứng tăng 44,74 điểm (+3,61%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,15 điểm (+1,35) đạt 311,17 điểm; UPCom-Index nhích 1,18 điểm (+1,25%) lên 95,29 điểm.

Thanh khoản thị trường chỉ tăng nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình trên 16.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng gần 1.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Fed công bố biên bản cuộc họp đầu tháng 5, bên cạnh đó nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Ngày 26/05 theo giờ Việt Nam, Fed công bố biên bản họp, trong đó dự báo GDP Mỹ bật tăng trở lại trong quý II và tăng vững chắc trong thời gian còn lại của năm. Tốc độ tăng trưởng của 2023 và 2024 được dự báo sẽ chậm lại do tác động của CSTT thắt chặt. Ngoài ra, Fed dự báo chỉ số PCE (y/y) của năm 2022 sẽ ở mức 4,3% sau đó hạ nhiệt chỉ còn 2,5% năm 2023 và tiếp tục giảm xuống còn 2,1% ở năm 2024. Theo đó, FOMC quyết định nâng LSCS 50 điểm cơ bản, lên mức 0,75% - 1,0%. Đồng thời, FOMC thông báo kể từ 01/06/2022, Fed sẽ thu hẹp bảng cân đối tài sản ở mức 47,5 tỷ USD/tháng; sau 3 tháng sẽ nâng lên thành 95 tỷ USD/tháng. Các chính sách này của Fed đưa ra nhằm đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát mục tiêu ở mức 2,0%. Liên quan đến chỉ báo kinh tế Mỹ, GDP của quốc gia này suy giảm 1,5% q/q trong quý đầu năm 2022, sâu hơn mức giảm 1,4% theo kết quả thống kê lần 1 và đồng thời sâu hơn mức giảm 1,3% theo dự báo. Về chỉ số giá tiêu dùng, PCE tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 4, bằng với mức tăng của tháng trước đó, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. Niềm tin tiêu dùng tại nước này được Đại học Michigan chính thức khảo sát được ở mức 58,4 điểm trong tháng 5, điều chỉnh giảm so với mức 59,1 điểm theo dữ liệu sơ bộ. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền toàn phần lần lượt tăng 0,3% và 0,4% m/m trong tháng 4 vừa qua, nối tiếp đà tăng 1,4% và 1,1% của tháng trước đó, song chưa đạt kỳ vọng ở mức tăng 0,5% và 0,6%. Cuối cùng, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ giảm 3,9% m/m trong tháng 4, nối tiếp đà giảm 1,2% ghi nhận ở tháng 3, tiêu cực hơn so với mức giảm 1,9% theo dự báo.

Eurozone tiếp tục đón các thông tin không mấy lạc quan. Đầu tiên, theo IHS Markit, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone lần lượt ở mức 54,4 và 56,3 điểm trong tháng 5, cùng giảm xuống từ 55,5 và 57,7 điểm của tháng 4, đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 54,8 và 57,3 điểm. Tại Đức, PMI lĩnh vực sản xuất ở mức 54,7 điểm trong tháng 5, tăng nhẹ từ 54,6 điểm của tháng 4 và trái với dự báo giảm còn 54,1 điểm. PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 56,3 điểm trong tháng này, giảm từ 57,6 điểm của tháng trước và sâu hơn so với mức 57,3 điểm theo dự báo. Chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức do Ifo khảo sát đạt 93,0 điểm trong tháng 5, tăng lên từ 91,9 điểm của tháng 4 và trái với dự báo giảm nhẹ còn 91,5 điểm. GDP của nước này chính thức tăng 0,2% q/q trong quý đầu năm, không điều chỉnh so với kết quả thống kê sơ bộ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm