Điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/6

08:00 02/06/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 01/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.060 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.199 VND/USD, tăng 08 đồng so với phiên 31/05. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm nhẹ 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.820 VND/USD và 23.920 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 01/06, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,03 – 0,11 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,04 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,54%; 1W 1,36%; 2W 1,76% và 1M 2,14%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 0,90%; 1W 1,0%; 2W 1,09%, 1M 1,19%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 2,07%; 5Y 2,38%; 7Y 2,88%; 10Y 3,14%; 15Y 3,31%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong khi có 248,36 tỷ đồng đáo hạn ở phiên hôm qua. Như vậy, NHNN hút ròng 248,36 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.622,97 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 01/06, KBNN huy động thành công 3.040/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 68%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 40/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,37%/năm (+0,03%); 2,67%/năm (+0,03%); 2,75%/năm (không đổi).

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sau khi giảm điểm phiên sáng, nhóm cổ phiếu blue-chips dẫn dắt nhịp “phản công” cuối ngày, đẩy nhiều cổ phiếu phục hồi và VN-Index đảo chiều tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,53%) lên 1.299,52 điểm; HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,12%) xuống mức 315,37 điểm; UPCom-Index giảm 0,35 điểm (-0,37%) còn 95,10 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 18.700 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng khoảng 660 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 01/06/2022, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu định kỳ. Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 30.230 đồng/lít (tăng 600 đồng/lít so với trước đó); Xăng RON95-III 31.570 đồng/lít (tăng 920 đồng/lít); Dầu diesel 0.05S 26.390 đồng/lít (tăng 840 đồng/lít); Dầu hỏa 25.340 đồng/lít (tăng 940 đồng/lít); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.900 đồng/kg (tăng 310 đồng/kg so với trước đó).        

Tin quốc tế:

Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát cho thấy chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 56,1% trong tháng 5, tăng nhẹ từ 55,4% của tháng 4 và trái với dự báo giảm xuống còn 54,4%. Ở lĩnh vực lao động, nước Mỹ tạo ra 11,40 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 5, thấp hơn mức 11,86 triệu của tháng 4 nhưng vẫn tích cực hơn một chút so với mức 11,29 triệu theo dự báo.

IHS Markit cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Eurozone chính thức đạt 54,6 điểm trong tháng 5, điều chỉnh tăng nhẹ từ 54,4 điểm theo khảo sát sơ bộ, song vẫn giảm so với 55,5 điểm của tháng 4 và đánh dấu tháng giảm điểm thứ 5 liên tiếp. Nhà kinh tế trưởng của S&P Global Market Intelligence Chris Williamson nhận định khu vực đồng Euro đang vật lộn với sự thiếu hụt nguồn cung và triển vọng kinh tế không chắc chắn. Eurozone nên thận trọng với những bước đi của mình trong cả đối nội và đối ngoại, tránh dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng không thể khắc phục.

Văn phòng Thống kê Úc cho biết GDP của nước này tăng 0,8% q/q/ trong quý I/2022, sau khi tăng 3,6% ở quý trước đó, cao hơn mức tăng 0,6% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2021, GDP của quý đầu năm 2022 tăng 3,3%. Các chuyên gia nhận định, mặc dù có những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường quốc tế, song kinh tế Úc vẫn đang cho thấy sự hồi phục rất tốt kể từ sau khi mở cửa trở lại đầu quý IV/2021. Điều này sẽ là động lực giúp NHTW Úc RBA thu hẹp CSTT nới lỏng để đối phó với lạm phát. Một số ý kiến cho rằng RBA có thể tăng LSCS từ 0,35% lên 0,6% trong tháng 6 (+25 điểm cơ bản), và sẽ tiếp tục tăng lên 1,60% trước khi kết thúc năm 2022.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm