Thu ngân sách 5 tháng tăng 18,7% so cùng kỳ

08:00 08/06/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 07/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.057 VND/USD, giảm phiên thứ 3 liên tiếp 05 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.250 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.190 VND/USD, tăng trở lại 05 đồng so với phiên 06/06. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.780 VND/USD và 23.880 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 07/06, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W và giảm 0,02 – 0,09 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,48%; 1W 1,13%; 2W 1,58% và 1M 2,06%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 0,91%; 1W 1,01%; 2W 1,12%, 1M 1,24%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,07%; 5Y 2,43%; 7Y 2,94%; 10Y 3,15%; 15Y 3,33%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 170,21 tỷ đồng trúng thầu trong khi có 353,98 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, NHNN hút ròng 183,77 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 1.785,38 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, kịch bản phiên trước đó lặp lại khi dù cả 3 sàn giao dịch dưới mức tham chiếu gần suốt phiên, VN-Index vẫn chốt phiên trong sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đảo chiều tích cực cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 1,34 điểm (+0,10%) lên 1.291,35 điểm; HNX-Index giảm 2,66 điểm (-0,87%) còn 304,15 điểm; UPCom-Index giảm nhẹ 0,21 điểm (-0,22%) xuống 93,69 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng với tổng giá trị giao dịch đạt gần 21.600 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 187 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN 5 tháng 2022 đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2021. Theo đó, NSTW ước đạt 58% dự toán; NSĐP ước đạt 56,1% dự toán. Số thu 5 tháng đầu năm 2022 đạt khá do phát sinh những khoản thu tăng đột biến như thu cổ tức của 2 ngân hàng, thu dầu thô, thu khác ngân sách, hoạt động chuyển nhượng vốn của một số đơn vị…           

Tin quốc tế:

Trong phiên họp ngày hôm qua 07/06, NHTW Úc RBA nhận định lạm phát của nước này mặc dù vẫn thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế phát triển, song đã tăng nhanh hơn so với những gì mà cơ quan này kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của cuộc chiến tại Ukaine, và cũng có sự góp phần của các yếu tố trong nước. RBA dự báo lạm phát trong ngắn hạn có thể tiếp tục tăng, song sẽ giảm xuống trong khoảng 2% - 3% vào năm sau. Thị trường lao động của Úc hiện đang đạt trạng thái rất mạnh, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,9%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, thậm chí được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuống thấp hơn nữa. Trong bối cảnh này, RBA quyết định nâng LSCS thêm 50 điểm cơ bản, từ 0,35% lên 0,85%, cao hơn dự báo tăng lên mức 0,60% của thị trường. RBA khẳng định các sự hỗ trợ đặc biệt không còn cần thiết khi kinh tế Úc đã vững mạnh, RBA sẽ từng bước bình thường hóa CSTT trong những tháng tới. Quy mô và thời điểm tăng LSCS trong tương lai sẽ được định hướng thông qua các dữ liệu lạm phát. RBA cam kết sẽ thực hiện những động thái cần thiết để đảm bảo lạm phát trở lại mức mục tiêu theo thời gian.

Thu nhập bình quân của người dân Nhật Bản tăng 1,7% y/y trong tháng 4, thấp hơn một chút so với mức tăng 2,0% đạt được ở tháng 3, song vẫn cao hơn so với mức tăng 1,5% theo dự báo. Tiếp theo, về mặt tiêu cực, mức chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản giảm 1,7% y/y trong tháng 4, nhỏ hơn mức giảm 2,3% của tháng 3 nhưng tiêu cực hơn khá nhiều so với dự báo chỉ giảm 0,5%.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm